[Thuốc&Dinh dưỡng] Những món ăn bổ dưỡng từ vị thuốc tỏa dương

Bác sĩ Nguyễn Phú Lâm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tỏa dương có tên là củ gió đất, củ ngọt núi, hoa đất, cây không lá, xà cô, tên khoa học Balanophora sp. Thuộc họ Gió đất - Balanophoraceae. Là loại cây có hình dạng như cây nấm, màu đỏ nâu sẫm, được cấu tạo bởi cán hoa lớn, trên mang hoa dày đặc, có mo bao bọc, màu tím, có mùi hôi.

Cán hoa nạc và mềm, sần sùi, không có lá. Hoa đực và hoa cái riêng. Cụm hoa đực hình trụ, dài 10 - 15cm. Cụm hoa cái hình đầu, dài 2 - 3cm. Tỏa dương thường mọc và sống ký sinh trên rễ những cây gỗ lớn trong rừng sâu ẩm thấp... ở các vùng rừng núi Hòa Bình, Lào Cai, Yên Bái...

Tỏa dương thường được dùng làm thuốc bổ máu, bổ thận, kích thích ăn ngon miệng, chữa nhức mỏi chân tay, chữa đau lưng mỏi gối, di tinh, liệt dương, phục hồi sức khỏe cho phụ nữ sau khi sinh...

Người bị dương khí hư do hoạt động tình dục quá mức đến nỗi dương vật không còn sức cương được nữa, phải dùng đến thuốc thì dùng tỏa dương. Trong đó nguyên khí hư kết hợp nhân sâm, trung khí hư kết hợp bạch truật, vệ khí hư kết hợp hoàng kỳ...

Muốn ôn bổ thận dương nên tư bổ thận âm, nhằm quân bình âm dương. Ở trường hợp này tỏa dương và nhục thung dung có tác dụng giống nhau thì tỏa dương mạnh hơn nhưng lại gây ôn táo. Còn nhục thung dung tráng dương yếu hơn nhưng lại có tác dụng ích âm và sinh huyết. Có ý kiến có thể thay tỏa dương và nhục thung dung cho nhau nấu cháo ăn rất tốt. Khi tư âm mà lo địa hoàng gây nê trệ có thể dùng tỏa dương là vị tư âm trợ dương.

Về phương diện bổ thận tráng dương, tỏa dương chữa liệt dương, xuất tinh sớm (tảo tiết), chưa kịp giao hợp tinh đã xuất. Ngoài ra tỏa dương được dùng để bổ máu làm ăn ngon miệng, hồi phục sức khỏe, ốm dậy, sau sinh đẻ, chữa tê mỏi chân, tay, lưng, gối.

Món ăn, bài thuốc hỗ trợ tráng dương: Tỏa dương 5g, nhục thung dung 5g, thịt dê 50g, bột mì 200g. Trước tiên sắc riêng tỏa dương và nhục thung dung, lấy nước thuốc này nhào với bột mì, cán mỏng, cắt thành sợi, cho vào nấu với thịt dê, nêm gia vị vừa miệng, làm thức ăn điểm tâm hằng ngày.

Cháo tráng dương: Tỏa dương nấu với chim sẻ, chim cút, gà, thịt chó, thịt dê, thịt bò, trai, sò, tôm (những thức ăn có tác dụng tráng dương).

Bổ thận dương, ích tinh huyết: Hai quả thận (còn nguyên phần đỏ phía trên) bổ dọc, bỏ phần lõi ở giữa. Rửa sạch với nước gừng, rắc bột tỏa dương vào giữa, úp hai phần lại với nhau, cuốn dọc hành hẹ, nướng vỉ hoặc hấp chín để ăn. Khi ăn có thể thái mỏng. Chấm nước mắm gừng, tỏi...

Rượu tỏa dương: Khai vị, cường tráng: củ tỏa dương thái mỏng với tỷ lệ 1 tỏa dương 5 rượu (40o). Ngâm 1 tháng. Rượu có màu đỏ sẫm, vị đắng chát thêm đường hoặc mật ong cho dễ uống. Hoặc tỏa dương 30g (thái lát), rượu trắng 500g ngâm 1 tuần.

Xuất tinh sớm và liệt dương: Tỏa dương 20g, tang thầm 20g. Hai thứ tán nhỏ, hãm trong phích nước sôi với 10g mật ong. Sau 15 phút là uống được. Uống thay nước trà hàng ngày. Chú ý, người bị tiêu chảy không nên dùng loại nước này.

Phục hồi sức khỏe cho phụ nữ sau khi sinh: Tỏa dương sau khi thu hái về, tước bỏ những phiến của lá bắc và bao hoa, rửa sạch, thái mỏng, phơi khô, sao qua, rượu 35 - 40 độ. Cứ 1 phần tỏa dương, 5 phần rượu. Ngâm trên 1 tháng mới dùng được, hoặc càng lâu càng tốt. Khi đó rượu có màu đỏ sẫm, vị hơi đắng, chát. Nếu khó uống có thể cho thêm ít đường hoặc mật ong cho dễ uống. Ngày uống 2 lần trước bữa ăn, mỗi lần uống 1 chén con (khoảng 30ml).

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần