Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thương hiệu bị vấy bẩn

Minh Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Việt Nam là nước sản xuất và xuất khẩu cà phê đứng thứ 2 thế giới. Cà phê Việt chính là thương hiệu quốc gia và là ngành hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam với kim ngạch trong năm 2017 đạt 3,2 tỷ USD. Trong khi các cấp, ngành đang rầm rộ tổ chức Tuần lễ Thương hiệu quốc gia (từ 16 - 23/4), thì vụ việc một cơ sở chế biến cà phê tại tỉnh Đắk Nông dùng phụ phẩm để sản xuất cà phê và nhuộm màu cà phê bằng lõi pin Con Ó bị bắt giữ, đã đánh mạnh vào uy tín thương hiệu cà phê Việt và khiến người tiêu dùng hoang mang.

 Cà phê "bẩn" bị phát hiện tại tỉnh Đắk Nông
Vụ việc sản xuất cà phê giả trên đây không phải là duy nhất được lực lượng chức năng đưa ra ánh sáng, bởi thời gian gần đây, các vụ việc sản xuất cà phê bẩn, giả liên tục bị phát hiện, xử lý, nhưng vì lợi nhuận mà các cơ sở này vẫn lén lút sản xuất, đưa ra thị trường các sản phẩm không đảm bảo chất lượng, đầu độc người tiêu dùng.
Khảo sát cuối năm 2016 của Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam về hàm lượng cafein trong 253 mẫu cà phê đen tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Bình Dương và Sóc Trăng cho thấy: Gần 1/3 lượng cà phê được tiêu thụ (chiếm 30,04%) có hàm lượng cafein rất thấp (dưới 1gr/lít), đặc biệt báo động là có tới 5 mẫu hoàn toàn không chứa cafein. Mẫu khảo sát được mua ngẫu nhiên tại các địa điểm kinh doanh cà phê khác nhau gồm: Cà phê quán (cửa hàng lịch sự); quán cà phê nhỏ (quán cóc); căng tin bệnh viện; cà phê vỉa hè và xe đẩy.
Ở một số nước, chỉ cần ghi sai tên thành phần trên sản phẩm có thể khiến chủ DN đi tù không dưới 10 năm, còn tại Việt Nam cà phê chúng ta đang uống theo công thức: Bắp cháy + Đậu nành + Hóa chất = Cà phê, nhưng trên vỏ hộp cà phê luôn ghi: 100% cà phê nguyên chất. Thế mới có chuyện có người tự hào là dân sành cà phê, ngày nào cũng phải có cà phê mới tỉnh táo được, nhưng khi được nhờ phân biệt 2 cốc cà phê một là cà phê sạch và một là cà phê hương liệu, cũng không biết đâu là thật, đâu là giả. 
Để trấn an dư luận và người tiêu dùng, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam khi trả lời báo chí đã khẳng định, Bộ NN&PTNT coi cà phê là cây trồng chủ lực, hướng đến xuất khẩu và có nhiều chính sách, cơ chế để phát triển vùng trồng, khuyến khích DN đầu tư theo chuỗi khép kín từ sản xuất, chế biến và tiêu thụ để giảm chi phí sản xuất, nâng cao chất lượng.
Thực tế, cà phê Việt Nam đã có vị thế và nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường thế giới. Cà phê đang là ngành hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam với kim ngạch trong năm 2017 đã đạt 3,2 tỷ USD. Riêng trong quý I/2018, xuất khẩu cà phê Việt Nam cũng đạt gần 1 tỷ USD. Trong khi các cấp, ngành đang nỗ lực xây dựng, quảng bá thương hiệu cà phê Việt Nam như vậy, mà vẫn có những cá thể vì lợi nhuận, cố tình vi phạm.
Các vi phạm này dù là nhỏ lẻ nhưng vẫn ảnh hưởng đến danh tiếng, thương hiệu cà phê Việt. Do đó ngoài việc tăng cường tuyên truyền vận động người dân sản xuất, kinh doanh cà phê bảo đảm chất lượng, cần có chế tài xử phạt nặng, thậm chí truy tố các cơ sở làm ăn bất chính để xây dựng thương hiệu cà phê Việt.