Thương hiệu Quốc gia Việt Nam: Gia tăng giá trị và thứ hạng

Ánh Ngọc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Xây dựng phát triển Thương hiệu Quốc gia (THQG) Việt Nam là công cụ hữu hiệu nâng cao năng lực cạnh tranh của đất nước, tạo nên sức mạnh tổng thể khẳng định vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.

Tuy nhiên, trong bối cảnh hội nhập thế giới sâu rộng đòi hỏi mỗi DN phải nỗ lực đổi mới, sáng tạo để đưa các sản phẩm đạt THQG Việt Nam tự tin tiến vào sân chơi toàn cầu.

Lắp ráp thiết bị điện tại Công ty CP Sunhouse, Khu công nghiệp Quốc Oai. Ảnh: Hải Linh  
Lắp ráp thiết bị điện tại Công ty CP Sunhouse, Khu công nghiệp Quốc Oai. Ảnh: Hải Linh  

Tăng 21,69% về giá trị

Báo cáo của hãng Brand Finance (Tổ chức tư vấn quốc tế về định giá THQG, được thành lập năm 1996, trụ sở tại London - Anh) cho biết, những năm gần đây, thứ hạng giá trị THQG Việt Nam liên tục được cải thiện và nằm trong nhóm thương hiệu mạnh. Bất chấp dịch Covid-19, năm 2021, THQG Việt Nam tiếp tục duy trì được thứ hạng 33 trong danh sách Top 100 thương hiệu mạnh thế giới, tăng khoảng 21,69% so với năm 2020, từ 319 tỷ USD lên 388 tỷ USD.

Nhận định về sự thăng hạng giá trị THQG Việt Nam, các chuyên gia cho rằng, việc tham gia ngày càng nhiều các hiệp định thương mại tự do đã và đang mở ra cho Việt Nam những cơ hội mới, là yếu tố quan trọng giúp Việt Nam duy trì động lực phát triển nền kinh tế trong bối cảnh suy giảm chung của khu vực và toàn cầu. Song song với Hiệp định Ðối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), Hiệp định Ðối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) là điểm nhấn quan trọng của nền kinh tế Việt Nam trong tình hình mới, được đánh giá sẽ tạo khởi sắc ấn tượng trong quan hệ kinh tế, thương mại và đầu tư giữa Việt Nam với các quốc gia khác.

Bên cạnh đó, sự ổn định về chính trị, an toàn và cải thiện liên tục môi trường đầu tư kinh doanh, tạo thuận lợi cho DN chính là chìa khóa giúp Việt Nam tạo được niềm tin cho nhà đầu tư trong và ngoài nước. Ngoài ra, kinh tế phát triển thực chất, hiệu quả và bền vững, duy trì được nền tảng kinh tế vĩ mô vững chắc, kiểm soát được lạm phát cũng chính là yếu tố khiến giá trị THQG của Việt Nam liên tục thăng hạng.

Tuy nhiên, bên cạnh sự nỗ lực xây dựng thương hiệu của nhiều DN, vẫn còn nhiều sản phẩm thương hiệu mờ nhạt với người tiêu dùng trong và ngoài nước. Đặc biệt, hàng Việt còn bị lép vế khi hàng từ các nước có hiệp định thương mại tự do (FTA) với Việt Nam vào ngày càng dễ dàng, với giá cả cạnh tranh.

Đơn cử như các sản phẩm dệt may, năm 2021, Việt Nam tiếp tục duy trì vị trí trong top 3 các quốc gia xuất khẩu dệt may lớn nhất thế giới và được nhiều tổ chức quốc tế chuyên ngành đánh giá là điểm đến mua hàng tốt nhất cho năm 2022. Tuy nhiên, trên bản đồ dệt may toàn cầu lại hoàn toàn thiếu vắng thương hiệu dệt may Việt Nam. Nhiều nhãn hàng của Việt Nam nổi tiếng tại thị trường trong nước nhưng vì nhiều lý do mà chưa thể xuất khẩu bằng chính thương hiệu của mình ra thế giới nên giá trị gia tăng không cao.

Số lượng thương hiệu mạncòn khiêm tốn

Theo nhận định của các chuyên gia, nhận thức và hành động của cộng đồng DN khi một bộ phận không nhỏ vẫn chưa đủ quan tâm, coi trọng thương hiệu, chưa coi đây là công cụ cốt yếu để đưa sản phẩm đến được với người tiêu dùng. Bên cạnh đó, sự vào cuộc của hệ thống chính trị dù đã có tiến triển, nhưng nhiều địa phương vẫn chưa thật sự quan tâm, quyết liệt triển khai các giải pháp hỗ trợ DN xây dựng thương hiệu. Cộng thêm nguồn lực cho việc xây dựng thương hiệu tại các DN còn thiếu; công tác quảng bá, xúc tiến hình ảnh chưa đồng bộ, thiếu hệ thống, khiến sức lan tỏa của thương hiệu Việt chưa đạt như mong đợi.

Chính vì vậy, thời gian tới để duy trì và nâng tầm giá trị THQG Việt Nam thông qua nâng cao chất lượng, thương hiệu sản phẩm, thương hiệu DN… các bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục phối hợp đẩy mạnh triển khai thực hiện Chương trình THQG Việt Nam. Qua đó tạo điều kiện thuận lợi, hỗ trợ cộng đồng DN, trong đó có các DN THQG tham gia tích cực hơn nữa trong xây dựng, quảng bá hình ảnh đất nước Việt Nam. Các DN cần khai thác tốt tiềm năng, tận dụng lợi thế để thúc đẩy xuất khẩu thông qua giá trị thương hiệu, kết hợp xây dựng thương hiệu sản phẩm, thương hiệu DN với THQG Việt Nam, đồng thời, thúc đẩy tinh thần đổi mới sáng tạo, tăng cường chủ động hội nhập trong bối cảnh chuyển đổi số, CMCN 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ.

Doanh nghiệp thương hiệu quốc gia phải đi đầu, dẫn dắt

Để tiếp tục nâng tầm giá trị THQG Việt Nam, trong giai đoạn 2020 – 2030, chương trình THQG sẽ tập trung xây dựng và phát triển thương hiệu Việt gắn với các giá trị tích cực, nổi trội của thương hiệu sản phẩm với các mục tiêu cụ thể, như: Thực hiện có hiệu quả chương trình trên cơ sở thống nhất, đồng bộ với chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ; kim ngạch xuất khẩu của nhóm sản phẩm đạt THQG Việt Nam đạt mức tăng cao hơn mức tăng bình quân cả nước.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho rằng, ngoài cơ chế, chính sách tốt, bản thân DN cũng cần nỗ lực, quyết tâm, có khát vọng, đam mê, sáng tạo để nhanh chóng xây dựng và phát triển mạnh mẽ thương hiệu của riêng mình. Đối với các DN THQG cần tiếp tục đạt được các tiêu chí “Chất lượng - Đổi mới, Sáng tạo - Năng lực tiên phong”, đóng vai trò đi đầu, dẫn dắt, tạo hiệu ứng lan tỏa, đại diện cho THQG, hỗ trợ hiệu quả sự phát triển của cộng đồng DN Việt, khẳng định sự tin tưởng của người tiêu dùng trong và ngoài nước đối với các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ thương hiệu Việt Nam.

Khuyến nghị về giải pháp xây dựng phát triển THQG, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh – Giảng viên cao cấp Học viện Tài Chính cho rằng, trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng hiện nay đòi hỏi các DN cần thay đổi tư duy, đẩy mạnh nghiên cứu phát triển sản phẩm, chú trọng đến chất lượng dịch vụ, tạo dấu ấn thương hiệu riêng. Đồng thời, DN cần thường xuyên cập nhật những thị hiếu mới của người tiêu dùng để tồn tại và tạo ra những lợi thế cạnh tranh trên thị trường, đẩy mạnh các kênh kết nối, quảng bá sản phẩm truyền thống lẫn hiện đại.

Còn theo Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội DN nhỏ và vừa Việt Nam Tô Hoài Nam, muốn nâng tầm thương hiệu để tạo sức cạnh tranh, DN cần phải hiểu rõ vấn đề cốt lõi là tập trung vào nâng cao chất lượng sản phẩm. Bên cạnh đó, các DN phải không ngừng sáng tạo và đổi mới để bắt kịp xu hướng thị trường thế giới. Mỗi DN cần có sự thay đổi khác về cách tiếp cận truyền thống, vượt qua khỏi vùng an toàn để sản phẩm phải trở nên công chúng hóa, có thể tiếp cận đến mọi đối tượng người tiêu dùng.

“Trong xây dựng thương hiệu, DN phải sáng tạo không ngừng. Nếu không biết cách để thổi hồn vào thương hiệu bằng sự đổi mới, sáng tạo thì thương hiệu sẽ già cỗi. Chưa kể, cuộc CMCN 4.0 đang mạnh như vũ bão, nếu DN không thay đổi sẽ lạc hậu” – ông Tô Hoài Nam nhấn mạnh.

 

Đã đến lúc các DN cần có chiến lược xây dựng những thương hiệu mạnh cũng như phát triển các giá trị thương hiệu để tăng sức cạnh tranh trên thị trường. Đồng thời, cần định hướng chiến lược để nâng cao chất lượng, mẫu mã sản phẩm, phát huy giá trị của thương hiệu nhằm tạo ra giá trị gia tăng cho sản phẩm.

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh – Giảng viên cao cấp Học viện Tài Chính

 

 

Được triển khai từ năm 2003 đến nay, trên cơ sở Quyết định 253/2003/QĐ-TTq ngày 25/11/2003 của Thủ tướng Chính phủ lấy ngày 20/4 hàng năm là Ngày Thương hiệu Quốc gia. Kể từ đó đến nay sau 19 năm triển khai thực hiện Chương trình THQG Việt Nam đã từng bước xây dựng và quảng bá hình ảnh đất nước Việt Nam, nâng cao sức cạnh tranh cho các DN.

Sau gần 19 năm triển khai thực hiện, Chương trình THQG đã đạt được nhiều thành quả tích cực, thu hút sự quan tâm đặc biệt, tạo uy tín cao đối với các DN, cơ quan quản lý cũng như người tiêu dùng trong và ngoài nước.

Tuy đạt được thành công bước đầu nhưng quá trình thực hiện Chương trình THQG còn nhiều hạn chế, số lượng sản phẩm thương hiệu Việt còn quá ít, giá trị chưa cao và sức lan tỏa kém, đòi hỏi có một chiến lược hoàn toàn mới, huy động được nhiều nguồn lực hơn, góp phần nâng cao hiệu quả thương hiệu Việt.

 

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần