Thông tin từ Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương), trên thế giới, thị trường thương mại điện tử toàn cầu được dự báo có những bước tăng trưởng mạnh mẽ, với mức doanh thu dự kiến đạt 7.385 tỷ USD vào năm 2025.
Năm 2021, doanh thu thương mại điện tử bán lẻ của Việt Nam tăng 16%, đạt 13,7 tỷ USD; Quy mô thị trường B2C thương mại điện tử ước tính chiếm 6,5% tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước. Dự báo giai đoạn 2022-2025 thương mại điện tử Việt Nam tăng trung bình 25%/năm, đạt 35 tỷ USD vào năm 2025 và chiếm 10% so với tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước.
“Amazon Global Selling dự báo doanh thu xuất khẩu thương mại điện tử B2C của người bán tại Việt Nam ước tính đạt 75,4 nghìn tỷ đồng trong năm 2022 và có thể đạt 256,1 nghìn tỷ đồng trong 5 năm tới” - Phó Giám đốc Trung tâm Tin học & Công nghệ số (Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số) Bùi Huy Hoàng cho biết.
Mặc dù thương mại điện tử tạo cơ hội cho doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm, mở rộng thị trường xuất khẩu, tuy nhiên trong quá trình tiếp cận loại hình thương mại này doanh nghiệp cũng gặp không ít khó khăn.
Theo Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP Hà Nội (Hanoisme) Mạc Quốc Anh, thương mại điện tử xuyên biên giới không những tạo cơ hội cho doanh nghiệp nâng cao doanh số bán hàng, mà qua đó còn tìm kiếm mô hình hoạt động kinh doanh linh hoạt, tiết giảm chi phí, tối ưu nguồn lực để tiếp cận chuỗi cung ứng toàn cầu.
Nhưng tại Việt Nam đối với doanh nghiệp xuất khẩu, thương mại điện tử xuyên biên giới còn khá mới mẻ với nhiều quy trình, quy định phức tạp về mặt pháp lý, thủ tục và tài chính của nước xuất khẩu, nước nhập khẩu và các nền tảng thương mại điện tử quốc tế.
Đồng tình với ý kiến này Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Sunhouse Vũ Thanh Hải chia sẻ, đa phần doanh nghiệp Việt Nam có quy mô vừa và nhỏ nên quá trình đăng ký trở thành đối tác của các sàn thương mại điện tử quốc tế như Amazon không hề dễ dàng, phải trải qua nhiều bước thẩm duyệt của Amazon. Hàng hóa phải chuẩn, đáp ứng tiêu chí của thị trường; phải trải qua quá trình đăng ký bảo hộ nhãn hiệu.
”Cụ thể, sản phẩm phải bảo đảm đáp ứng những yêu cầu khắt khe về nguồn gốc và tiêu chí chất lượng sản phẩm, chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm quốc tế; bao bì sản phẩm và quy cách đóng gói cũng phải theo tiêu chuẩn từ phía Amazon. Lên được sàn rồi, DN vẫn phải tiếp tục có chiến lược tiếp thị, quảng cáo và quản lý hàng hóa phù hợp…” - ông Vũ Thanh Hải nêu ví dụ.
Để khắc phục những khó khăn này, qua đó đưa sản phẩm đến tay khách hàng quốc tế, đại diện các doanh nghiệp có chung kiến nghị, thời gian tới cần sự hỗ trợ từ phía cơ quan chức năng trong việc trang bị kỹ năng đầy đủ về thương mại quốc tế, hiểu biết về thị trường, đảm bảo sản phẩm chất lượng cao đáp ứng nhu cầu của thị trường cũng như kỹ năng thương mại điện tử của nước sở tại để tránh những rủi ro trong giao dịch hàng hóa, thanh toán.
Phía Hà Nội, Phó Giám đốc HPA Nguyễn Thị Mai Anh cho biết, thời gian tới, Hà Nội sẽ tiếp tục phối hợp với Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số và Amazon Global Selling, cùng với các đơn vị liên quan hướng dẫn, hỗ trợ, đào tạo các kỹ năng về thương mại điện tử xuyên biên giới, nhằm nâng cao năng lực chào hàng trực tuyến cho các doanh nghiệp xuất khẩu, nhất là với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, mở ra cơ hội xuất khẩu trực tuyến đầy tiềm năng cho các doanh nghiệp trên địa bàn Hà Nội.