Ông Lê Văn Lâm, ở Quang Lãng, Phú Xuyên cho cá ăn tại hồ nuôi thủy sản của gia đình. Ảnh: Phương Nga |
Có kinh nghiệm 20 năm NTTS nhưng chưa khi nào ông Lê Văn Tín ở thôn Ngọc Động, xã Phương Tú, huyện Ứng Hòa yên tâm về đầu ra sản phẩm. Với hơn 1ha, mỗi năm ông Tín thu hoạch khoảng 20 tấn cá nhưng hoàn toàn phụ thuộc vào thương lái. Theo chia sẻ của ông Tín, người nuôi thủy sản đang cùng lúc phải chịu khó khăn kép, bởi giá thức ăn chăn nuôi tăng chóng mặt, còn giá cá lại giảm sâu. Hiện, giá cá trắm thương phẩm xuất tại ao chỉ được 40.000 đồng/kg (loại trên 2kg/con), cá chép 39.000 đồng/kg (loại 1,2 – 3kg/con), rô phi chỉ được 29.000 đồng/kg, giảm từ 10.000 - 18.000 đồng/kg. “Đầu ra rẻ, đầu vào tăng, nếu không tính toán kỹ thì cầm chắc lỗ” – ông Tín cho hay.Chủ tịch HĐQT HTX chăn nuôi và NTTS Tân Đô (xã Cổ Đô, huyện Ba Vì) Nguyễn Văn Hải cho biết, thời điểm này, cá không chỉ mất giá mà việc tiêu thụ cũng rất khó khăn. Nếu như trước đây, mỗi ngày HTX xuất ra được 2 - 3 tấn cá thì nay chỉ được vài tạ/ngày. Trong khi đó, giá thức ăn chăn nuôi tăng mạnh. Nếu như năm trước, giá 1 bao cám loại 25kg là 320.000 đồng thì nay tăng lên thành 380.000 đồng/bao.Không chỉ riêng hộ nuôi cá thương phẩm gặp khó, hiện nay những hộ nuôi cá giống cũng đang đối mặt với bài toán tiêu thụ, giá giảm trung bình 10.000 đồng/kg. Cụ thể, cá trắm giống giá 38.000 đồng/kg, chép giống 25.000 đồng/kg… Trưởng phòng Kinh tế huyện Phú Xuyên Lê Tiến Xuân cho biết, toàn huyện có gần 2.300ha diện tích NTTS, sản lượng ước đạt trên 7.900 tấn. Hiện nay, người dân chủ yếu vẫn tiêu thụ qua kênh bán lẻ và phụ thuộc vào thương lái.Hạ tầng chưa đồng bộỨng Hòa là một trong những huyện NTTS trọng điểm của TP với diện tích gần 4.000ha, sản lượng 36.100 tấn/năm. Tuy nhiên, việc phát triển NTTS của địa phương còn nhiều khó khăn, bất cập. Trưởng phòng Kinh tế huyện Ứng Hòa Đặng Thị Tươi cho biết, so với độc canh cây lúa, NTTS có giá trị hơn nhiều tuy nhiên, cái khó là đầu ra sản phẩm và thiếu chuỗi liên kết. Bên cạnh đó, hạ tầng các vùng nuôi chưa đồng bộ, thiếu nguồn nước sạch. Sau nhiều năm kiến nghị, năm 2020, huyện Ứng Hòa đã được TP hỗ trợ kinh phí hơn 61 tỷ đồng cải tạo, nâng cấp công trình đầu mối và hệ thống kênh dẫn nước Trạm bơm Thái Bình; cải tạo, nạo vét một số tuyến kênh dẫn nước từ sông Đáy cấp nước cho diện tích NTTS, thay thế nguồn nước sông Nhuệ. Đây sẽ là cơ sở để ngành NTTS của địa phương khai thác hết tiềm năng” – Trưởng phòng Kinh tế huyện Ứng Hòa chia sẻ.Chia sẻ về những khó khăn chung của ngành NTTS trên địa bàn Hà Nội, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Hà Nội Tạ Văn Sơn cho biết, hạ tầng vùng nuôi chưa được đầu tư đồng bộ, đến nay mới có 2/13 dự án được đầu tư triển khai theo quy hoạch tại Quyết định số 1836/QĐ-UBND 25/2/2013 về việc phê duyệt Quy hoạch phát triển thủy sản TP Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Bên cạnh đó, công tác chuyển đổi từ cấy lúa kém hiệu quả sang mô hình nuôi kết hợp cá – lúa hoặc chuyên cá còn vướng mắc do quy định tại Luật Đất đai và các văn bản hướng dẫn. Đặc biệt, sự liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm thủy sản yếu, chưa xây dựng được thương hiệu sản phẩm, chỉ dẫn địa lý thủy sản, chưa có các DN lớn đầu tư xây dựng chuỗi khép kín và liên kết trong NTTS.Để hỗ trợ ngành NTTS phát triển bền vững, theo ông Sơn, TP cần đầu tư xây dựng hạ tầng vùng nuôi thủy sản tập trung, cơ sở sản xuất giống thủy sản chất lượng cao và trạm quan trắc, giám sát môi trường nước, dịch bệnh. Bên cạnh đó, tại các vùng NTTS tập trung cần xây dựng chợ đầu mối để người dân trao đổi, mua bán, hạn chế tình trạng quá phụ thuộc vào thương lái; đẩy mạnh chăn nuôi theo chuỗi liên kết với DN theo hướng an toàn, xây dựng nhãn hiệu sản phẩm.