Ý tưởng tịch thu hàng trăm tỷ USD tài sản của Nga đang bị đóng băng ở các nước phương Tây để hỗ trợ Ukraine tái thiết sau xung đột nghe có vẻ đơn giản, nhưng động thái này đang vấp phải những rào cản pháp lý lớn và rất ít tiến triển được ghi nhận.
"Đóng băng" là một công cụ yêu thích được các chính phủ phương Tây sử dụng để trừng phạt một người, một công ty hoặc một quốc gia dựa trên việc phong toả tài sản của họ đến khi họ thay đổi hành vi. Nhưng tịch thu có nghĩa là chính phủ áp đặt lệnh sẽ nắm giữ tài sản đó vĩnh viễn.
Sau khi phát động chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine cuối tháng 2/2022, Nga đã bị các nước phương Tây áp loạt biện pháp trừng phạt kinh tế chưa từng có. Hãng tin AFP ngày 12/2 cho biết các lệnh trừng phạt đã khiến một lượng lớn tài sản nhà nước, dự trữ ngoại hối và tài sản của giới tài phiệt, quan chức Nga trị giá 350 tỷ USD bị đóng băng ở nước ngoài.
Cuộc xung đột Nga-Ukraine đến ngày 24/2 là tròn một năm, các chính trị gia và nhà vận động ở phương Tây đang tìm cách chuyển số tài sản đóng băng này thành nguồn viện trợ cho Ukraine, giúp Kiev tái thiết cơ sở hạ tầng, nhà cửa và doanh nghiệp bị phá hủy.
Cuộc xung đột "đã gây ra quá nhiều thiệt hại và quốc gia khơi mào nó phải trả giá," Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Tài chính Canada Chrystia Freeland phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới hồi tháng 1/2023.
Trước đó, hồi cuối năm ngoái, Canada lần đầu tiên khởi động thủ tục chuyển giao cho Ukraine khoảng 26 triệu USD thuộc về một công ty bị trừng phạt của tài phiệt Nga Roman Abramovich, hành động mà Moscow gọi là "ăn cướp giữa ban ngày".
Theo hãng tin AFP, đầu tháng 2/2023, Ủy ban châu Âu đã cam kết "đẩy mạnh hoạt động hướng tới việc sử dụng tài sản bị đóng băng của Nga để hỗ trợ tái thiết Ukraine". Ba Lan và ba quốc gia vùng Baltic khác cũng kêu gọi hành động "càng sớm càng tốt".
Theo bà Ursula von der Leyen, Chủ tịch Uỷ ban châu Âu, Nga phải trả giá tài chính cho sự tàn phá mà nước này gây ra (ở Ukraine). “Thiệt hại mà Ukraine phải gánh chịu ước tính khoảng 600 tỷ euro. Nga và các nhà tài phiệt của họ phải bồi thường thiệt hại cho Ukraine và trang trải chi phí tái thiết Ukraine,” AFP dẫn lời.
Trong khi đó, Estonia phác thảo kế hoạch của riêng nước này nhằm tịch thu tài sản của Nga với hy vọng trở thành quốc gia đi đầu trong Liên minh châu Âu (EU). Tháng trước, Thủ tướng Estonia Kaja Kallas nhấn mạnh các thành viên EU cần phải thúc đẩy việc sử dụng tài sản bị đóng băng của Nga. Estonia đã công bố kế hoạch đưa ra cơ sở pháp lý cho việc tịch thu 21 triệu USD tài sản của Nga mà họ đã đóng băng.
Từ đóng băng tới tịch thu là cả một chặng đường dài!
Với tài sản tư nhân, những biện pháp bảo vệ pháp lý khiến các quốc gia phương Tây chỉ được phép tịch thu chúng trong trường hợp rất hạn chế, thường là khi chúng được chứng minh là tài sản do phạm tội mà có.
Trả lời phỏng vấn hãng AFP, Anton Moiseienko, một chuyên gia luật quốc tế đến từ Đại học Quốc gia Australia cho biết: “Việc tịch thu tài sản đặt ra thách thức đối với các quyền con người và pháp lý cơ bản, chẳng hạn như quyền sở hữu tài sản, quyền được bảo vệ khỏi bị trừng phạt tùy tiện hoặc quyền được xét xử miễn phí”.
“Hơn nữa, vấn đề hiện nay là không thực sự biết rằng các tài sản bị phong tỏa là tài sản có được từ phạm tội. Làm thế nào bạn sẽ chứng minh rằng tài sản bị tịch thu có được từ phạm tội mà không có sự hợp tác của Nga?”, chuyên gia Moiseienko nói thêm.
Ngoài ra, theo tờ Foreign Policy, việc tịch thu tài sản của Nga nghe rất hấp dẫn, nhưng việc sung công mà không có bằng chứng phạm tội còn gây nguy hiểm cho các công ty phương Tây. Lý do là các hiệp ước đầu tư song phương hoặc quốc tế đã ký với Nga, có khả năng khiến các quốc gia tịch thu tài sản của Nga phải đối mặt với các khiếu kiện pháp lý tại các tòa án trọng tài quốc tế trong tương lai.
Kể từ khi xung đột Nga - Ukraine bùng phát, một cuộc tranh luận sôi nổi đã diễn ra trong giới học giả về cách phương Tây có thể tịch thu những tài sản nhà nước cho dự trữ của ngân hàng trung ương.
Ý tưởng bên phát động xung đột phải trả giá cho những thiệt hại nghe có vẻ hấp dẫn và phổ biến, nhưng việc thực hiện tịch thu tài sản Nga trên thực tế gặp khó khăn ở tất cả 27 quốc gia và cả Mỹ.
Ở Mỹ, tổng thống có quyền đóng băng tài sản của chính phủ nước ngoài nhưng thường không thu giữ chúng, trừ khi Mỹ có chiến tranh với quốc gia đó. Kể từ khi Nga đưa quân vào Ukraine, Mỹ rõ ràng phải thừa nhận là không có xung đột công khai với nước này.
Quốc hội Mỹ đã tổ chức các phiên điều trần về cách thức thay đổi quy định luật pháp nhằm cho phép tịch thu vĩnh viễn tài sản của Nga, mặc dù chính quyền Tổng thống Mỹ vẫn tỏ ra thận trọng về ý tưởng này. Tổng thống Joe Biden trước đó cũng đề xuất phát mãi tài sản của các tài phiệt Nga để "khắc phục những tổn thất mà Nga gây ra và giúp xây dựng lại Ukraine".
Tờ Economist đánh giá phương Tây nên cảnh giác với việc tịch thu vĩnh viễn tài sản của Nga, vì nó là "một ý tưởng hấp dẫn nhưng có thể sai lầm".
Thay vì dùng đến biện pháp tịch thu tài sản, The Economist cho rằng phương Tây nên tăng cường viện trợ cho Ukraine. Đồng thời, có thể vẫn duy trì các lệnh trừng phạt cho đến khi Nga dừng chiến dịch.