Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tiêm vaccine mũi 3 phòng Covid-19: Cần thiết để có sự bảo vệ lâu dài

Trần Thảo (thực hiện)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hiện nay, vaccine Covid-19 được xem là "tấm hộ chiếu" an toàn giúp cơ thể được bảo vệ bởi kháng thể, giảm nguy cơ lây nhiễm virus SARS-CoV-2, đặc biệt giảm triệu chứng nặng, giảm nguy cơ nhập viện và tử vong.

Tuy nhiên, các bằng chứng thời gian gần đây cho thấy hiệu quả của vaccine có thể giảm theo thời gian và các loại vaccine Covid-19 hiện đang sử dụng có thể kém hiệu quả hơn đối với biến thể Delta. Do đó, việc tiêm bổ sung mũi

vaccine thứ 3 là cần thiết để có được sự bảo vệ lâu dài hơn. Báo Kinh tế & Đô thị đã trao đổi với ông Khổng Minh Tuấn - Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Hà Nội xung quanh vấn đề này.

Tiêm mũi 3 giúp củng cố hệ miễn dịch

Đại dịch Covid-19 với những đợt bùng phát mới và sự biến chủng không ngừng của virus, mọi nỗ lực phủ sóng đủ 2 liều tiêm vaccine Covid-19 giúp phòng chống loại virus này và đạt được miễn dịch cộng đồng tại các quốc gia đang có khả năng không mang lại kết quả như mong đợi. Vậy việc tiêm vaccine mũi 3 cần thiết như thế nào, thưa ông?

- Tiêm chủng vaccine để phòng chống các bệnh truyền nhiễm là biện pháp hiệu quả nhất, rẻ tiền nhất, đặc biệt là đối với các loại dịch bệnh truyền nhiễm có tác nhân gây bệnh là do virus. Nhờ có vaccine, thế giới đã thanh toán được nhiều dịch bệnh nguy hiểm như bệnh đậu mùa, bệnh bại liệt, loại trừ được bệnh uốn ván sơ sinh.
Ông Khổng Minh Tuấn - Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Hà Nội.
Đại dịch Covid-19 đã diễn ra được gần 2 năm. Vaccine phòng bệnh Covid-19 đã được sử dụng từ tháng 12/2020 tại nhiều quốc gia trên thế giới và Việt Nam. Việc phát triển vaccine Covid-19 an toàn và hiệu quả là một bước tiến lớn trong nỗ lực toàn cầu, nhằm chấm dứt đại dịch. Tuy nhiên, tất cả các loại vaccine ngừa Covid-19 cho đến nay đều được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và các nước phê duyệt cho phép sử dụng khẩn cấp. Hiệu quả bảo vệ của các loại vaccine ngừa Covid-19 đang được sử dụng hiện nay tại Việt Nam nằm trong khoảng từ 94 - 78% tùy loại vaccine. Hiệu quả này sẽ bị giảm dần theo thời gian, đặc biệt là người từ 65 tuổi trở lên.

Vì vậy, việc tiêm mũi vaccine bổ sung và nhắc lại là hết sức cần thiết nhằm duy trì hiệu quả kháng thể để bảo vệ trước Covid-19, nhất là các đối tượng cao tuổi hoặc làm việc trong những môi trường có nguy cơ cao. Ngoài ra, sự xuất hiện gần đây của biến thể Omicron (B.1.1.529) càng nhấn mạnh thêm tầm quan trọng của việc tiêm nhắc lại mũi thứ 3. Tiêm vaccine Covid-19 mũi 3 sẽ có hiệu quả trong việc củng cố hệ miễn dịch, tăng khả năng phòng bệnh.

Thưa ông, khoảng cách mũi 3 sau mũi 2 có khác nhau với từng loại vaccine đã tiêm ở liều cơ bản không? Loại vaccine mũi 3 nào phù hợp với 2 mũi tiêm trước? Tiêm mũi 3 có được tiêm trộn các loại vaccine khác không và tiêm thêm mũi 3 thì thời gian bảo vệ của vaccine kéo dài thêm bao nhiêu tháng?

- Theo hướng dẫn của Bộ Y tế, khoảng cách tiêm mũi 3 nhắc lại ít nhất 3 tháng sau mũi cuối cùng của liều cơ bản hoặc liều bổ sung với tất cả các loại vaccine. Vaccine sử dụng để tiêm bổ sung và nhắc lại là các loại vaccine đã được Bộ Y tế phê duyệt. Cụ thể, nếu các mũi tiêm cơ bản hoặc bổ sung cùng loại vaccine thì tiêm mũi nhắc lại cùng loại đó hoặc vaccine mRNA. Nếu trước đó đã tiêm các loại

vaccine khác nhau thì tiêm mũi nhắc lại bằng vaccine mRNA. Nếu tiêm liều cơ bản hoặc bổ sung là vaccine của hãng Sinopharm thì có thể tiêm mũi nhắc lại cùng loại đó hoặc vaccine mRNA hoặc vaccine véctơ virus (vaccine Astrazeneca). Các nghiên cứu cho thấy, nồng độ kháng thể kháng Covid-19 sau tiêm vaccine sẽ có hiệu lực trong 6 - 8 tháng.

Để tiêm mũi 3 an toàn, hiệu quả nhất

Theo ông, tiêm vaccine mũi 3 cần chú ý những gì để đạt hiệu quả cao, an toàn? Thời điểm tiêm mũi 3 hiệu quả nhất là khi nào? Những phản ứng sau khi tiêm vaccine mũi 3?

- Liều lượng vaccine, khám phân loại và chỉ định tiêm vaccine mũi bổ sung và nhắc lại của vaccine Covid-19 giống như đối với tiêm các mũi cơ bản (tiêm 1 hoặc 2 hoặc 3 mũi tùy theo loại vaccine), kể cả các phản ứng phụ sau tiêm chủng cũng không có gì khác biệt. Khoảng cách tiêm 1 mũi bổ sung sau mũi cuối cùng của liều cơ bản ít nhất 28 ngày nếu có đủ vaccine. Khoảng cách tiêm 1 mũi nhắc lại ít nhất 6 tháng sau mũi cuối cùng của liều cơ bản hoặc mũi bổ sung.

Những phản ứng có thể gặp sau khi tiêm vaccine mũi thứ 3 tương tự như liều cơ bản. Hầu hết là các phản ứng thông thường như phản ứng tại chỗ tiêm, sưng đau. Phản ứng toàn thân như: Sốt, mệt mỏi, đau cơ, đau khớp... Những phản ứng bất thường, hiếm gặp có thể xảy ra sau khi tiêm vaccine mũi 3: Phản ứng phản vệ, viêm cơ tim, viêm màng ngoài tim... Ở Việt Nam, trong năm 2021 đã có kinh nghiệm triển khai việc tiêm phối trộn các loại vaccine như mũi 1 vaccine Astrazeneca/ Moderna, mũi hai là vaccine Pfizer... và việc ghi nhận các phản ứng thông thường tương tự như việc tiêm cùng loại vaccine. Để đảm bảo an toàn tiêm chủng, người dân cần tiếp tục theo dõi sức khỏe của mình sau khi tiêm chủng theo hướng dẫn của cán bộ y tế. Tiêm chủng mũi 3 chúng ta vẫn cần lưu ý về chứng rối loạn đông máu xảy ra ở người lớn, hoặc viêm cơ tim ở trẻ nhỏ nên cẩn trọng vẫn là điều cần thiết.

Những đối tượng nào nên được ưu tiên tiêm vaccine mũi 3? Nhân viên y tế làm việc những nơi có nguy cơ lây nhiễm cao, có được tiêm luôn mũi bổ sung khi chưa đủ 6 tháng không, thưa ông?

- Liều tiêm bổ sung vaccine phòng Covid-19 được thực hiện trên đối tượng là người từ 18 tuổi trở lên, ưu tiên tiêm trước cho người từ 50 tuổi trở lên đã tiêm đủ liều cơ bản có tình trạng suy giảm miễn dịch vừa và nặng như người cấy ghép tạng, ung thư, HIV, đang điều trị thuốc ức chế miễn dịch hoặc đã điều trị trong vòng 6 tháng. Khoảng cách tiêm là ít nhất 28 ngày sau mũi cuối cùng của liều cơ bản nếu đủ vaccine.

Liều tiêm nhắc lại mũi 3 được thực hiện trên đối tượng là người từ 18 tuổi trở lên đã tiêm đủ liều cơ bản hoặc liều bổ sung, ưu tiên người có bệnh nền, người cần được chăm sóc dài hạn tại các cơ sở y tế, người từ 50 tuổi trở lên, người trực tiếp xét nghiệm, chăm sóc, điều trị bệnh nhân Covid-19, nhân viên y tế.

Đến nay, Hà Nội đã chuẩn bị triển khai tiêm vaccine mũi 3 cho đối tượng ưu tiên như thế nào? Người tiêm mũi 3 có phải đăng ký lại hay ngành y tế căn cứ theo danh sách tiêm mũi 2 để gọi tiêm mũi 3 không, thưa ông?

- Hiện nay, ngành Y tế đang tham mưu cho UBND TP ban hành kế hoạch triển khai tiêm vaccine Covid-19 liều bổ sung và nhắc lại cho người từ trên 18 tuổi, đã tiêm đủ 2 mũi vaccine cơ bản trên địa bàn TP. Với mục tiêu trên, 90% người từ trên 18 tuổi có tình trạng suy giảm miễn dịch vừa và nặng đã được tiêm đủ liều cơ bản vaccine phòng Covid-19 sẽ được tiêm 1 mũi bổ sung vaccine phòng Covid-19. Trên 90% người từ 18 tuổi trở lên đã tiêm đủ liều cơ bản hoặc bổ sung sẽ được tiêm 1 mũi vaccine nhắc lại vaccine phòng Covid-19 (ưu tiên tiêm trước cho người có tình trạng suy giảm miễn dịch, người có bệnh nền, người từ 50 tuổi trở lên và nhân viên y tế). Đảm bảo an toàn tiêm chủng khi sử dụng vaccine phòng Covid-19. Trên cơ sở tổ chức tiêm theo thứ tự ưu tiên và tiêm chủng miễn phí cho tất cả các đối tượng theo hình thức tiêm chủng chiến dịch tại các cơ sở tiêm chủng cố định và lưu động đảm bảo an toàn tiêm chủng khi sử dụng vaccine phòng Covid-19.

Dựa vào số lượng vaccine sẵn có và tiền sử tiêm chủng của đối tượng, địa phương sẽ tổ chức tiêm mũi nhắc lại theo thứ tự ưu tiên mà Bộ Y tế đã hướng dẫn. Người dân không cần đăng ký ngay mà thực hiện theo hướng dẫn của cơ sở y tế trên địa bàn khi nhận được thông báo.

Xin cảm ơn ông!

Ngày 19/11/2021, Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) cho biết đã phê duyệt liều vaccine Covid-19 tăng cường của Hãng Pfizer và Moderna cho tất cả người trưởng thành của Mỹ (từ 18 tuổi trở lên). Cùng với khuyến cáo của WHO, Bộ Y tế cũng đã có văn bản chỉ đạo tổ chức tiêm mũi vaccine bổ sung và nhắc lại cho các đối tượng từ 18 tuổi trở lên sau khi đã được tiêm đủ 2 mũi cơ bản tại Việt Nam.