Tiện nhưng phải thận trọng

Thảo Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mặc dù mua hàng online đang lên ngôi nhưng các chuyên gia bán lẻ cũng khuyến cáo, người tiêu dùng cần lựa chọn kênh mua sắm uy tín, có thương hiệu nhằm tránh hàng gian, hàng giả, hàng kém chất lượng, bảo đảm quyền lợi người tiêu dùng trong dịp Tết Nguyên đán.

Mặc dù mua hàng online đang lên ngôi nhưng các chuyên gia bán lẻ cũng khuyến cáo, người tiêu dùng cần lựa chọn kênh mua sắm uy tín.
Mặc dù mua hàng online đang lên ngôi nhưng các chuyên gia bán lẻ cũng khuyến cáo, người tiêu dùng cần lựa chọn kênh mua sắm uy tín.

Chỉ còn chưa đến một tuần nữa là tới Tết, nhiều cửa hàng đang cố gắng để phục vụ khách hàng một cách tốt nhất. Bên cạnh việc kinh doanh hàng hóa Tết theo hình thức trực tiếp, các siêu thị đẩy mạnh sản phẩm lên trang web, sàn thương mại điện tử giúp người tiêu dùng có thể thoải mái lựa chọn sản phẩm theo hình thức trực tuyến.

Xu hướng mua sắm trực tuyến lên ngôi khiến các sàn thương mại điện tử phục vụ Tết thậm chí sôi động hơn cả kênh mua trực tiếp. Tại cuộc khảo sát của Sở Công Thương TP Hà Nội, các đơn vị báo cáo, năm nay, lượng khách đến trực tiếp siêu thị không nhiều nhưng lượng khách online tăng trưởng 50% với những đơn hàng có giá từ 3 - 5 triệu đồng trở lên…

Sàn thương mại điện tử từ hàng nông sản, thực phẩm vùng miền, đến bánh mứt kẹo… hàng gì cũng có. Khách hàng không mất thời gian xếp hàng thanh toán, tiết kiệm được thời gian đi mua và cửa hàng tiết kiệm chi phí. Để kích cầu tiêu dùng, ngoài thiết kế nhiều hàng Tết đa dạng, nhiều mẫu mã và mức giá, cùng với đó là quà tặng và ưu đãi đi kèm như áp dụng mức chiết khấu lên tới 8%, thậm chí có trang thương mại điện tử chiết khấu lên đến 15%, cùng với đó miễn phí giao hàng.

Mặc dù mua hàng online đang lên ngôi nhưng các chuyên gia bán lẻ cũng khuyến cáo, người tiêu dùng cần lựa chọn kênh mua sắm uy tín, có thương hiệu nhằm tránh hàng gian, hàng giả, hàng kém chất lượng, bảo đảm quyền lợi người tiêu dùng trong dịp Tết Nguyên đán. Nhiều thực phẩm phục vụ Tết được quảng cáo là sản phẩm tự làm, 100% nguyên liệu tươi, không chất phụ gia, không phẩm màu độc hại. Mặc dù nhiều sản phẩm không có nhãn mác, không được đăng ký chất lượng nhưng việc mua bán vẫn nhộn nhịp. Đằng sau sự tiện lợi, tiết kiệm thời gian là những nguy cơ tiềm ẩn.

Người mua chỉ biết tin tưởng hoàn toàn vào lời quảng cáo cũng như sự trung thực của người bán mặc dù không phải người bán nào cũng giữ đúng cam kết của mình. Đã từng có trường hợp nhận được hàng không đảm bảo chất lượng, nhắn tin cho trang bán hàng online nhưng bên bán hàng đổ lỗi cho khâu vận chuyển… Hoặc hàng hết "đát" từ 2022, “hô biến” thành mới sản xuất; hoặc thực phẩm không rõ nguồn gốc…

Thực tế thời gian qua, cơ quan chức năng đã kiểm tra, xử phạt một số cơ sở chuyên kinh doanh thực phẩm online. Các lực lượng chức năng cũng đẩy mạnh kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật trong lĩnh vực xúc tiến thương mại, thương mại điện tử, các website, mạng xã hội, các ứng dụng bán hàng trực tuyến…

Tại Hà Nội, TP cũng tổ chức 4 đoàn kiểm tra liên ngành về an toàn thực phẩm. Bên cạnh đó, Ban Chỉ đạo 389 TP cũng đã xây dựng kế hoạch tổ chức kiểm tra chống buôn lậu, gian lận thương mại trên địa bàn Hà Nội.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, với mô hình kinh doanh trên mạng rầm rộ như hiện nay, bên cạnh việc phải tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý để bảo vệ khách hàng mua hàng trực tuyến, người dân cần trở thành người tiêu dùng thông thái, phát hiện, không tham gia sử dụng và thông báo kịp thời cho cơ quan quản lý thị trường nơi gần nhất để xử lý nghiêm theo quy định các hành vi kinh doanh thực phẩm không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; các hành vi gian lận thương mại, hàng giả hàng kém chất lượng… Đừng vì tiện mà quyền lợi bị lợi dụng để bị "tiền mất, tật mang".