[Tiến trình phát triển của đô thị Huế] Bài 2: Quy hoạch dưới triều Nguyễn

Anh Tuấn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thỉnh thoảng xuất hiện hình ảnh Kinh thành Huế về đêm. Những ánh sáng vừa đủ làm nổi bật lên Hoàng cung Huế được quy hoạch bài bản khiến nhiều người thán phục. Nhìn xa hơn, đô thị Huế dưới thời triều đại phong kiến cuối cùng cũng đã có những nét riêng biệt.

>>> Bài 1: Dưới thời các chúa Nguyễn

Miền núi Ngự, sông Hương

“Dạ thưa xứ Huế bây giờ/Vẫn còn núi Ngự bên bờ sông Hương”. Những câu hò, câu hát huyền thoại vô thức đi vào trong trí nhớ của biết bao người yêu Huế, biết về Huế. Nếu nghe không rõ từ “xứ Huế”, chỉ cần nghe những từ “dạ thưa”, “núi Ngự”, “sông Hương”, người ta cũng có thể hình dung ra được chốn “thần kinh” – Kinh đô kỳ diệu, nơi trung tâm quyền lực cao nhất của đất nước một thời, xứ Huế.

Sau khi thiết lập vương triều vào năm 1802, Huế được chọn là kinh đô của triều Nguyễn. Vua Gia Long đã nhanh chóng bắt tay vào quy hoạch và chỉnh trang đô thành Phú Xuân, nơi mà tổ tiên ông - các chúa Nguyễn đã khởi dựng. Tính chất phòng thủ luôn được vua Gia Long và con trai ông - vua Minh Mạng đặt lên hàng đầu.

Cồn Hến (Tả Thanh Long) nhìn từ trên cao.
Cồn Hến (Tả Thanh Long) nhìn từ trên cao.

Theo Đại Nam thực lục - Bộ chính sử do Quốc sử quán triều Nguyễn biên soạn: “Trên cơ sở thành xưa lũy cũ do tiền triều để lại, vào năm 1804, vua Gia Long cho xây dựng Cung thành và Hoàng thành, đến mùa hè năm 1805 tiếp tục cho xây đắp Kinh thành”.

Sông Hương, núi Ngự từ lâu được xem là biểu tượng của Huế. Trong cách nhìn của các vua triều Nguyễn, vị trí địa lý của Phú Xuân - Huế không chỉ mang tầm quan trọng về mặt giao thông, phòng thủ mà còn mang ý nghĩa đặc biệt về phong thủy. Theo đó, người ta tin rằng các yếu tố trong tự nhiên có sức mạnh chi phối đến sự thịnh suy của cả triều đại.

Quy hoạch đô thị đầu thế kỷ 19 dưới triều Nguyễn tập trung ở bờ Bắc sông Hương, với hạt nhân là Kinh thành. Chiếm diện tích 520 ha, chiếm đất đai của 8 làng, với việc nhường đất để triều đình xây dựng Kinh thành, dân cư 8 làng này sau đó đã được “đền bù” 8 cuộc đất mới để tiến hành an cư lạc nghiệp.

Theo TS Phan Tiến Dũng - Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Thừa Thiên Huế, Kinh thành Huế quay về phía Nam lấy núi Ngự Bình (còn gọi là Mạc Sơn hay Bằng Sơn) phía trước làm tiền án, hai bên núi Ngự Bình có hai ngọn núi nhỏ chầu vào, sông Hương phía trước được lợi dụng làm yếu tố “minh đường”. Trên sông có hai đảo lớn quay ở trước Kinh thành tạo nên thế “rồng chầu, hổ phục”, bên trái là Cồn Hến làm tả Thanh Long, bên phải là cồn Dã Viên làm thế hữu Bạch Hổ.

Như thế, trên nền địa thế tự nhiên của vùng núi Ngự, sông Hương, các nhà kiến trúc đầu thế kỷ 19 đã quy hoạch lại, mở rộng thêm và xây dựng các loại công trình kiến trúc đồ sộ. Phần lớn các công trình kiến trúc cung đình như thành quách, bao gồm: Kinh thành, Hoàng thành và Tử Cấm thành, bên trong có hàng trăm cung điện, đền miếu, quan thự đều nằm ở phía Bắc sông Hương.

Cũng như kiến trúc và con người, chính thiên nhiên ở miền núi Ngự, sông Hương đã trở thành văn hóa để cộng tồn. Tỷ lệ không gian giữa kiến trúc và thiên nhiên là một tỷ lệ cân đối, vừa phải. Hai yếu tố ấy chẳng những không lấn át nhau mà còn bổ sung cho nhau.

Thời điểm này, về phía Nam sông Hương là vùng núi rộng hàng chục ngàn héc ta dùng để xây dựng lăng tẩm và chùa chiền.

Kinh thành Huế nhìn từ trên cao.
Kinh thành Huế nhìn từ trên cao.

Khi bàn về vị thế địa lý của Kinh thành Huế, nhà nghiên cứu Vĩnh Cao, một người thuộc dòng dõi Tôn Thất nhà Nguyễn với trình độ uyên thâm về dịch học, lý số, phong thủy đã nhận định: “Kinh thành Huế xây ở vùng đất có nước phủ bốn bề, theo phong thủy là nơi tụ thủy, đất phát tài. Nhưng phía Tây Kinh thành lại có khí núi xung sát, sông Hương uốn khúc vì thế hành kim rất vượng. Điều này sẽ có phương hại cho phía Đông, chủ hành mộc (kim khắc mộc). Mộc yếu sẽ dẫn đến sự hạn chế về của cải, dân chúng, thương mại”.

“Kim “động” sẽ gây hại cho dương trạch nên dễ sinh tật bệnh, tổn hại gia đạo. Vì thế phải xây dựng phía Tây để trấn. Đó là lý do ra đời Văn Miếu, chùa Thiên Mụ ở phía Tây Kinh thành Huế”, ông Vĩnh Cao khẳng định.

Hơn 40 hồ điều tiết lượng nước cho Kinh thành

Theo TS Trần Đức Anh Sơn, trước kia, bên trong Kinh thành Huế có 43 hồ ao lớn đảm nhận chức năng điều hòa lượng nước mặt trong Kinh thành. Hầu hết các hồ đều có hệ thống cống thông với nhau, vì thế mực nước trong các hồ sẽ được điều tiết tự nhiên dựa vào một điều kiện cơ bản là địa hình dòng chảy. Nước từ hồ nhỏ hoặc cao hơn, sau khi cân bằng với mặt nước chuẩn vốn có, sẽ theo hệ thống cống chảy về các hồ lớn và thấp trước khi chảy ra Ngự Hà, hoặc đổ thẳng ra Hộ Thành Hà.

Bên cạnh đó, một lượng nước lớn từ phía Tây Kinh thành sẽ được tiếp nhận qua sông Kẻ Vạn (Hộ Thành Hà ở mặt Tây) rồi đổ ra sông An Hòa (Hộ Thành Hà mặt Bắc), đổ ra sông Hương ở Tiên Nộn, rồi xuôi ra biển.

Để bảo vệ thủy hệ Kinh thành, triều Nguyễn đã ban bố những điều luật rất rõ ràng, cụ thể nhằm bảo vệ nguồn nước, chống lấn chiếm, xả rác có thể gây nên sự ách tắc cho sự thông thoáng của mặt nước các hồ ao và Ngự Hà.

Theo đó, binh lính của Vệ Hộ thành (đơn vị bảo vệ kinh thành) thường xuyên tuần phòng, kiểm tra và xử lý các hoạt động xâm phạm của dân cư và các đơn vị đồn trú trong Thành nội hay khắc phục các sự cố sạt lở, hư hỏng bờ kè, ách tắc dòng nước do mưa lụt gây nên.

Hệ thống các hồ trong Kinh thành Huế. Ảnh: Sơ đồ hóa của TS Nguyễn Ngọc Tùng
Hệ thống các hồ trong Kinh thành Huế. Ảnh: Sơ đồ hóa của TS Nguyễn Ngọc Tùng

Việc nạo vét Ngự Hà hay hệ thống hào hộ thành cũng được triều Nguyễn quan tâm thường xuyên, tiến hành để đảm bảo dòng nước luôn luôn được lưu thông.

Qua đó, chúng ta có thể thấy được cách điều tiết lượng nước của Kinh thành Huế của người xưa thật sự tài tình. Nhưng tiếc rằng, thời gian khi người dân ồ ạt di cư vào Kinh thành vào các giai đoạn khác nhau, không được sự quan tâm quy hoạch, cùng với đó là sự lớn lên của đô thị dẫn đến việc ao hồ trong thành đã và đang bị thu nhỏ hoặc biến mất, nên đã gây nên tình trạng ngập nước trong Kinh thành trong mùa mưa lũ những năm qua.

TS Phan Tiến Dũng đưa ra kiến nghị, chính quyền cần thống kê ao hồ trong kinh thành Huế, để thiết lập các đường dạo xung quanh các hồ để chống xâm lấn, những nơi chưa hình thành đường dạo cần cắm mốc để tránh vi phạm các lộ giới. Những hồ quan trọng trong Kinh thành, cần có kế hoạch để nạo vét và xây các kè đá. Ngoài ra, hệ thống cống rãnh thoát nước từ Hoàng thành, hồ trong Kinh thành đổ ra sông Ngự Hà và hồ thông qua các cống xuyên tường Kinh thành để đổ ra Hộ thành hào cần phải giải tỏa, khơi thông.

Bên cạnh đó, để tạo cảnh quan xung quanh hồ, cơ quan chuyên trách cần trồng một số cây truyền thống Huế để tạo nên con đường đi bộ, tránh lấn chiếm, san lấp các hồ.

Đối với sông Ngự Hà cần có khơi thông dòng chảy ở các khu vực Đông Thành thủy quan và Tây Thành thủy quan để giúp thoát nước nhanh chóng, tạo điều kiện thuyền bè đi lại, vận chuyển hàng hóa và phục vụ du lịch

Song song đó, chính quyền cần xây dựng quy chế về sử dụng và đảm bảo cảnh quan cho dân cư ở các mặt giáp các hồ, Hộ Thành Hà để phục vụ cho đời sống cư dân nơi đây và du khách tham quan khi hoàn thành giải tỏa khu vực I Kinh thành Huế; phục vụ hiệu quả dự án giải tỏa dân cư kinh thành.

Việc tìm cuộc đất và quy hoạch Kinh thành Huế vào đầu thế kỷ 19 là sự kết hợp tài tình, khéo léo giữa các yếu tố truyền thống của dân tộc, sự vận dụng vật lý, dựa vào hướng đất, các hình thế non sông để điều chỉnh lại Kinh thành Huế. Bên cạnh đó, với những tri thức khoa học được vận dụng vào là sự kế thừa phát triển từ một thủ phủ vào thời các chúa Nguyễn đã chọn lựa.

Vua Gia Long, vua Minh Mạng và đội ngũ những kiến trúc sư dưới quyền đã thực sự hiểu biết, am tường tri thức khoa học, biết vận dụng kinh nghiệm kết hợp với điều kiện thực tế của cùng đất để chọn một phương án tối ưu cho việc quy hoạch, xây dựng Kinh thành Huế.

Còn nữa

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần