Quay lại chuyện tiêu chuẩn thuê nhà công vụ thì thấy, từ năm 2015, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định nêu rõ những trường hợp đủ tiêu chuẩn thuê nhà công vụ. Đây chính là chính sách, chủ trương của Nhà nước chăm lo đến người có công, người đảm trách những vị trí then chốt của các cấp, các ngành.
Sẽ không có gì đáng nói nếu sau khi đáo hạn công vụ, những cựu quan chức này sớm thu xếp trả nhà cho Nhà nước để nhường cho những người kế cận, đủ tiêu chuẩn khác. Nhưng điều đáng nói là, thông báo được cho bất đắc dĩ này đã được gửi đi nhiều lần.
Nhớ lại câu chuyện hồi năm 2017, một vị cựu Bộ trưởng khi nêu lý do chưa trả nhà công vụ vì lý do, gia đình có căn nhà ở khu vực Đội Cấn, quận Ba Đình, TP Hà Nội nhưng một năm bị ngập lụt đến 3 lần, do vậy, chờ hệ thống kênh mương thoát nước hoàn thiện sẽ trả nhà. Thậm chí, vị cựu Bộ trưởng này còn muốn mua lại chính căn nhà công vụ ấy. Thời điểm đó, đã có rất nhiều những xì xèo nhỏ to về văn hóa, văn minh của những người từng đứng đầu một ngành quan trọng của quốc gia.
Người dân mới đặt câu hỏi: “Quan chức từ dân mà ra, rời quan lại làm dân, không chịu về khu nhà hay bị ngập lụt, vậy hàng trăm ngàn hộ dân ở đó không bị ngập lụt hay sao?”. Nhìn rộng hơn, ở nhiều quốc gia, các quan chức, hay ngay cả nguyên thủ quốc gia họ sẵn sàng rời ngay lập tức căn nhà công vụ sau khi nhận thông báo từ nhà chức trách với niềm vinh hạnh, tự hào.
Trở lại với câu chuyện cơ quan chức năng bất đắc dĩ phải ra thông báo gửi 12 cựu lãnh đạo, yêu cầu trả lại nhà công vụ của Chính phủ cho thấy vẫn còn những con sâu bỏ rầu nồi canh. Song dù chỉ một vài con sâu thôi, nhưng lòng dân sẽ bị ảnh hưởng, niềm tin sẽ bị mai một.
Và, thứ văn hóa có biểu hiện chây ì này, dù là lý do gì, cũng không nên và không được quyền gây tổn hại đến lợi ích chung, chủ trương chung của Đảng và Nhà nước khi chăm lo cho những cống hiến, những người được hưởng theo đúng chế độ.
Có ý kiến hài hoà, nói rằng, khi cán bộ nghỉ hưu, nghĩa là họ đang có vị thế nhất định trong xã hội, nay điều ấy không còn, ít nhiều có những bâng khuâng, tâm lý chưa chấp nhận được thực tế này. Nhưng, cũng có ý kiến gay gắt mà rằng, “danh dự lớn hơn vài chục mét vuông nhà” như lời ông Lê Như Tiến - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hoá, giáo dục thanh thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội.