Tuy nhiên, do còn có nhiều rào cản, đặc biệt là việc chính quyền nhiều địa phương thờ ơ nên việc đưa hàng Việt về nông thôn chưa đạt hiệu quả như mong muốn.
Vì sao doanh nghiệp thờ ơ?
Theo Bộ Công Thương, qua 10 năm triển khai thực hiện Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam", các địa phương đã tổ chức được gần 4.000 đợt bán hàng về nông thôn với sự tham gia của hơn 100.000 lượt DN. Riêng TP Hà Nội cũng đã tổ chức được 254 phiên chợ Việt, 3.200 chuyến bán hàng lưu động đưa hàng Việt về nông thôn.
Tuy nhiên, theo đại diện Bộ Công Thương vẫn chưa có nhiều DN bán lẻ mặn mà với hoạt động này, khiến sức lan tỏa của những chuyến hàng Việt về nông thôn vẫn chưa được như mong muốn. Nguyên nhân khiến không ít DN thờ ơ việc đưa hàng Việt về nông thôn là do họ phải đối mặt với nhiều trở ngại.
Bên cạnh việc phải chi phí đầu tư lớn nhưng gần như không có lãi, DN còn gặp khó khăn trong việc tìm mặt bằng bán hàng do chính quyền không ít địa phương chưa thực sự phối hợp. Một số địa phương xem việc đưa hàng Việt về nông thôn chỉ là một hình thức thương mại đơn thuần. Chính vì thế khi DN đưa hàng Việt về nông thôn, địa phương yêu cầu DN phải làm văn bản xin tổ chức, DN phải trả kinh phí thuê địa điểm...
Theo Phó Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam (VRA) Vũ Thị Hậu, một nguyên nhân nữa khiến DN chưa mặn mà là do địa bàn rộng, thị trường phân tán, chi phí xây dựng và duy trì mạng lưới phân phối cao, trong khi sức mua thấp, dẫn tới chậm thu hồi vốn, lãi ít. Ngoài ra, một số DN cho rằng, việc đưa hàng về nông thôn sẽ làm thương hiệu DN giảm giá trị.
Trong khi đó, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho biết, một số DN chưa quan tâm tuyên truyền, quảng bá về sản phẩm hàng hóa của DN mình đến người tiêu dùng.
Thậm chí trong quá trình tổ chức các chuyến đưa hàng Việt về nông thôn, DN bỏ qua việc khảo sát nhu cầu người tiêu dùng mà chỉ đưa sản phẩm DN có về nông thôn tiêu thụ nên dẫn tới hàng hóa chưa phù hợp với nhu cầu Nhân dân.
Cần tiếp sức cho doanh nghiệp
Để thu hút việc đưa hàng Việt về nông thôn đòi hỏi các cấp chính quyền, cơ quan quản lý có những biện pháp tiếp sức cho DN. Chủ tịch VRA Đinh Thị Mỹ Loan trăn trở: Nếu chúng ta không triển khai mạnh mẽ theo chiều sâu thì chương trình mang ý nghĩa rất nhân văn này chỉ dừng lại ở mức phong trào. Vì vậy, Nhà nước và các ban ngành liên quan cần tiếp sức cho DN bằng hành động cụ thể.
“Địa phương đừng xem DN đưa hàng Việt về nông thôn mang tính chất kinh doanh thương mại thuần túy mà cần xắn tay hỗ trợ DN về thủ tục, mặt bằng kinh doanh. Đồng thời nên hỗ trợ kinh phí vận chuyển, tổ chức, tuyên truyền, quảng bá… về các phiên chợ hàng Việt tại địa phương. Qua đó giúp DN tăng sức cạnh tranh, giảm chi phí” - bà Loan kiến nghị.
Theo Công ty Nghiên cứu thị trường Nielsen, hiện thu nhập của người dân nông thôn ngày càng được cải thiện, qua đó đã thu hẹp khoảng cách về nhu cầu mua sắm giữa thành thị và nông thôn nên đây là mảng thị trường còn nhiều tiềm năng cho DN khai thác.
Tuy nhiên, theo chuyên gia bán lẻ Vũ Vinh Phú, muốn khai thác được thị trường này cần sự hỗ trợ, quan tâm của Nhà nước thông qua những chính sách, cơ chế khuyến khích đầu tư xây dựng hệ thống bán lẻ tại nông thôn.
Cụ thể, Bộ Công Thương cần tổ chức quy hoạch mạng lưới phân phối ở vùng nông thôn, DN lấy đó làm cơ sở thiết lập các điểm bán hàng cố định, tạo liên kết vững chắc với thị trường. Đồng thời, các cơ quan quản lý chức năng và địa phương hỗ trợ DN thủ tục giấy tờ, mặt bằng kinh doanh để xây dựng hệ thống phân phối, đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa. “Phát triển hệ thống bán lẻ là mục tiêu cao nhất của hoạt động đưa hàng Việt về nông thôn” - ông Phú nói.
"Có hội chợ diễn ra ở vùng sâu, vùng xa mà DN lại đem trưng bày những bộ bàn ghế trị giá hàng trăm triệu đồng để tiêu thụ”. " - Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan |