Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tiết kiệm chi phí khi trả kết quả hành chính qua bưu điện

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bộ Tư pháp đang đưa ra lấy ý kiến dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp nhận, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính qua dịch vụ bưu điện.

Nếu mô hình này được áp dụng rộng rãi sẽ mang lại nhiều lợi ích, đặc biệt là tiết kiệm chi phí cho người dân và cả cơ quan hành chính.

Làm thủ công: Dễ phát sinh tiêu cực

Bộ Tư pháp cho biết, việc tiếp nhận, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính qua dịch vụ bưu chính đã được một số Bộ, ngành địa phương thực hiện có hiệu quả trong thời gian qua. Qua báo cáo của Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam, một doanh nghiệp nhà nước trong lĩnh vực bưu chính, việc triển khai cung cấp dịch vụ tiếp nhận, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính qua dịch vụ bưu điện của đơn vị này ngày càng gia tăng.
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.
Theo đó, từ năm 2014 đến nay, các lĩnh vực sử dụng dịch vụ bưu điện ngày càng được mở rộng, từ việc chỉ sử dụng dịch vụ này trong một số thủ tục thuộc phạm vi quản lý của các Bộ, ngành như: cấp giấy chứng minh nhân dân, giấy phép lái xe, hộ chiếu (Bộ Công an), hồ sơ tuyển sinh (Bộ Giáo dục và Đào tạo), giấy phép lái xe (Bộ Giao thông vận tải), hồ sơ bảo hiểm xã hội (Bảo hiểm xã hội Việt Nam), đến nay, một số thủ tục hành chính trong lĩnh vực tư pháp, đất đai, văn hóa, thể thao, du lịch cũng áp dụng phương thức tiếp nhận, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính qua dịch vụ bưu điện. Số lượt người sử dụng dịch vụ tăng đều hàng năm, từ 5 triệu lượt năm 2014 lên 13 triệu lượt năm 2015.

Tuy nhiên, theo Bộ Tư pháp, cải cách thủ tục hành chính dù đã đạt nhiều kết quả song việc tiếp nhận, giải quyết chủ yếu mang tính thủ công, quá trình ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động này còn hạn chế nên chủ yếu người có nhu cầu làm thủ tục hành chính phải đến trực tiếp cơ quan giải quyết thủ tục hành chính nộp hồ sơ và nhận kết quả giải quyết. Việc này cũng trở thành một áp lực với cơ quan giải quyết thủ tục hành chính. Hàng ngày vừa phải tiếp xúc với người dân có yêu cầu thực hiện thủ tục hành chính, vừa trực tiếp giải quyết các yêu cầu đó, công chức dễ nảy sinh việc gây sách nhiễu, phiền hà cho người làm thủ tục.

Mặt khác, việc phải đi đến trụ sở cơ quan giải quyết thủ tục hành chính để nộp hồ sơ và nhận kết quả của người thực hiện thủ tục cũng làm mất thời gian, công sức cũng như chi phí cho việc thực hiện thủ tục hành chính, nhất là đối với những người ở vùng sâu, vùng xa, địa hình cách trở, đi lại khó khăn.

Đỡ tốn kém cho dân

Dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp nhận, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính qua dịch vụ bưu điện do Bộ Tư pháp xây dựng và đưa ra lấy ý kiến quyết định cho phép tổ chức, cá nhân có quyền lựa chọn gửi hồ sơ hoặc  nhận kết quả giải quyết thủ tục hành chính; gửi hồ sơ và nhận kết quả giải quyết thủ tục hành chính qua dịch vụ bưu điện.

Quy định rõ quy trình tiếp nhận, xử lý hồ sơ, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính; quy định quyền lựa chọn của tổ chức, cá nhân trong việc nộp phí, lệ phí thủ tục hành chính thông qua các hình thức như: chuyển khoản đến cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giải quyết thủ tục hành chính; chuyển khoản hoặc nộp phí, lệ phí trực tiếp cho tổ chức bưu điện để chuyển cho cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giải quyết thủ tục hành chính (Tổ chức bưu điện có trách nhiệm nhận phí, lệ phí của tổ chức, cá nhân để chuyển cho cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giải quyết thủ tục hành chính) hoặc phương thức khác nếu được cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giải quyết thủ tục hành chính chấp thuận. Đặc biệt, dự thảo cũng quy định về trách nhiệm giải quyết đối với hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính bị thiếu, bị thất lạc hoặc bị hư hỏng; Về trách nhiệm của các chủ thể liên quan.

Về những lợi ích khi thực hiện việc tiếp nhận, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính qua dịch vụ bưu điện theo Bộ Tư pháp làm giảm thời gian thực hiện thủ tục hành chính. Thay vì phải trực tiếp đi-đến nộp hồ sơ hoặc nhận kết quả tại cơ quan giải quyết thủ tục hành chính, cá nhân, tổ chức liên hệ với nhân viên bưu điện để đến nhận hồ sơ và chuyển cho cơ quan giải quyết thủ tục hành chính.

Bên cạnh đó, áp dụng mô hình này cũng làm giảm chi phí. Theo tính toán sơ bộ, chỉ tính riêng năm 2015, với gần 9 triệu dân đã thực hiện các thủ tục hành chính liên quan đến: cấp chứng minh nhân dân, cấp Phiếu lý lịch tư pháp, hộ chiếu, giấy phép lái xe, bảo hiểm xã hội thì tổng chi phí khi trực tiếp nộp hồ sơ và nhận kết quả tại nơi giải quyết thủ tục hành chính là trên 1.836 tỷ đồng; nhưng nếu sử dụng dịch vụ của Bưu điện thì chi phí xã hội chỉ phải bỏ ra là trên 234 tỷ (bao gồm chi phí trực tiếp và chi phí gián tiếp liên quan đến giải quyết thủ tục hành chính), tiết kiệm 1.602 tỷ đồng. Đặc biệt, đối với người dân sẽ tiết kiệm thời gian, chi phí đi lại đồng nghĩa với việc giảm thiểu số lần tham gia giao thông, giảm thiểu rủi ro khách quan. Đối với cơ quan hành chính: Giảm chi phí liên quan đến hoạt động của các bộ phận một cửa (về nhân lực và cơ sở vật chất); hạn chế hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực của công chức trong quá trình giải quyết thủ tục hành chính.

Với những lợi ích như vậy, tuy nhiên dự thảo cũng chỉ rõ” Việc lựa chọn sử dụng dịch vụ được thực hiện trên tinh thần tự nguyện của tổ chức, cá nhân”.
Vừa qua, tại Hải Phòng, Nghệ An và Đồng Tháp, Bộ Tư pháp đã phối hợp với Bộ TTTT và Tổng công ty Bưu điện Việt Nam tổ chức hội thảo lấy ý kiến đối với Dự thảo nói trên. Tại các Hội thảo này, đại đa số ý kiến cho rằng việc ban hành Quyết định là cần thiết. Tuy nhiên, các ý kiến cũng đề nghị dự thảo cần rõ lộ trình thực hiện, cũng như góp ý vào các vấn đề cụ thể như về lệ phí, về vấn đề ủy quyền, thời gian trả kết quả…

Theo Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Minh Hồng "Việc tiếp nhận và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính cho cá nhân, tổ chức qua dịch vụ bưu điện không chỉ tiết kiệm chi phí và giảm thời gian đi lại cho người dân, giải quyết yêu cầu bức xúc của người dân, mà còn giảm tình trạng tiêu cực, sách nhiễu trong giải quyết thủ tục hành chính".

Còn theo ông Phạm Anh Tuấn, Tổng giám đốc VNPost cho biết với mạng lưới gần 15.000 điểm giao dịch đến tận cấp xã, Bưu điện luôn sẵn sàng tham gia, phối hợp với các Bộ, ngành cung cấp dịch vụ hành chính công, triển khai cải cách thủ tục hành chính, phục vụ người dân trên khắp cả nước.