70 năm giải phóng Thủ đô

Tiết kiệm, chống lãng phí: Không chỉ ở những con số

Nguyễn Vũ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tiết kiệm, chống lãng phí không đơn thuần như “cây kéo” để cắt xén chi tiêu, mà khía cạnh khác rất quan trọng là phải kiến tạo thể chế, kiến tạo sự phát triển, tạo ra nhiều giá trị gia tăng hơn.

Đây là quan điểm được Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đưa ra khi giám sát về tiết kiệm, chống lãng phí. Thực tế cũng cho thấy, lãng phí gây nguy hại cho xã hội không kém gì tham nhũng.

Tiết kiệm, chống lãng phí: Không chỉ ở những con số
Tiết kiệm, chống lãng phí: Không chỉ ở những con số

Ai cũng hiểu lãng phí gây mất mát nguồn lực lớn của xã hội, là một lực cản đối với sự phát triển, nhưng thực trạng vẫn đang diễn ra và việc xử lý có lúc vẫn chưa tương xứng. Thực tế cho thấy, công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí là vấn đề đã được đề cập đến nhiều, được các cấp các ngành rất quan tâm. Sau mỗi năm, lại tạo thêm những kết quả tích cực, được cân đo bằng chính những con số cụ thể ở từng lĩnh vực.

Đơn cử như chỉ từ đánh giá của ngành tài chính cho thấy, trong giai đoạn 2016 - 2020, đã tiết kiệm được 6.087,9 tỷ đồng trong công tác lập, thẩm định, phê duyệt dự toán, quyết toán, quản lý, sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước; cắt giảm 100% các dự án đầu tư công không nằm trong quy hoạch, kế hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt; cắt giảm 100% việc tổ chức lễ động thổ, lễ khởi công, khánh thành các công trình xây dựng cơ bản.

Năm 2021, cũng tiết kiệm hơn 6.000 tỷ đồng, trong đó cắt giảm 50% kinh phí hội nghị, công tác trong và nước ngoài là gần 900 tỷ đồng, tiết kiệm thêm 10% chi thường xuyên. Điều này cho thấy quyết tâm mạnh mẽ trong việc chi dùng từng đồng ngân sách quốc gia để phục vụ cho các mục tiêu phát triển khác.

Tuy nhiên, qua những con số cũng cho thấy phần nào mức độ lãng phí, thất thoát nguồn lực trên nhiều lĩnh vực. Đặc biệt, giai đoạn 2016 - 2021 vẫn còn 650.624.498m2 đất sử dụng sai mục đích, bỏ hoang hóa, có vi phạm pháp luật, gây lãng phí tài nguyên đất đai. Đó là chưa nói đến hàng nghìn kiểu lãng phí khác đang mỗi ngày bào mòn, gặm nhấm nguồn lực của quốc gia, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội từ sử dụng sai định mức, tiêu chuẩn về tài sản công, phung phí trong sử dụng điện nước, mua sắm tài sản về đắp chiếu…

Như có ý kiến đã chỉ ra, không dễ phân định ranh giới giữa tham nhũng và lãng phí một cách rõ ràng để điểm tên những tổ chức, cá nhân gây ra lãng phí. Đồng thời, có những cái lãng phí không thể đong đếm như thời gian, cơ hội, đặc biệt là sức lực, trí tuệ, hay cách thức tổ chức làm việc, chủ trương, chính sách. Chính vì vậy, chống lãng phí là chủ động không gây lãng phí; phải coi tiết kiệm là lẽ sống, là thực hành và quản lý xã hội.

Qua đợt giám sát của Quốc hội là cơ hội rất lớn để đánh giá rõ thực trạng, nơi nào làm chưa tốt phải rõ được địa chỉ và phải minh chứng bởi những “số liệu biết nói” về sự lãng phí. Nhưng trên hết, không chỉ dừng ở câu chuyện mỗi năm tiết kiệm được bao nhiêu tiền, phải kiến tạo để hoàn thiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công, dịch vụ công, ngân sách nhà nước… hiệu quả hơn; cởi gỡ những ách tắc; rà soát xử lý dứt điểm các dự án treo, chậm tiến độ; tổ chức thực hiện các mục tiêu thực hiện tiết kiệm, chống lãng phí cụ thể bằng một hệ thống công cụ giám sát, kiểm tra, xử lý hữu hiệu…

Việc phát động một cuộc vận động thực hiện phong trào thi đua thực hành tiết kiệm, chống lãng phí sâu rộng trong toàn dân, cả khu vực công và khu vực tư, cả khu vực sản xuất, sinh hoạt, tiêu dùng, nhân lực, vật lực, tài lực... cũng là một giải pháp. Qua đó mới tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ, tránh tình trạng tiết kiệm chỗ nọ, lãng phí chỗ kia và thất thoát nguồn lực, không tạo ra giá trị gia tăng trong thực tiễn.