Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tiết kiệm nhưng phải hiệu quả

Khánh Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Không còn là khẩu hiệu, thực tế ý thức tiết kiệm điện đã và đang trở thành thói quen của đại bộ phận người dân, cơ quan, đơn vị, DN.

Đặc biệt trong những ngày nắng nóng kéo dài, sản lượng điện liên tục tăng cao, công suất sử dụng điện liên tục lập đỉnh mới, mới thấm hành những hành động nhỏ có ý nghĩa lớn như thế nào.

Số liệu thống kê mới nhất của Tổng công ty Điện lực TP Hà Nội (EVNHANOI), một trong những địa phương có sản lượng điện tiêu thụ lớn cho thấy, sản lượng tiêu thụ ngày bình quân từ đầu tháng 5 đến nay khoảng là 68.172 triệu kWh, tăng xấp xỉ 10,7% so với tháng 4 (58.336 triệu kWh). Trong đó phần lớn là sản lượng điện sinh hoạt (chiếm trên 53% sản lượng điện của EVNHANOI).

Chính vì vậy cũng dễ hiểu khi cao điểm mùa nắng nóng lưới điện phân phối luôn cảnh báo tình trạng quá tải do nhu cầu sử dụng tăng đột biến. Không phải ngẫu nhiên trong những yếu tố được coi là khá quan trọng trong việc giảm áp lực cho hệ thống điện như chuyển đổi sang sản xuất xanh hơn; áp dụng các công nghệ tiên tiến để nâng hiệu quả sử dụng năng lượng thì yếu tố nâng cao ý thức tiết kiệm trong sử dụng năng lượng của người dân, DN luôn được nhắc đến.

Thực tế, vì hiệu quả, ý thức chuyển đổi sang sản xuất xanh hơn là yêu cầu tất yếu của từng ngành sản xuất, kinh doanh. Để giảm chi phí sản xuất, những công nghệ mới như sử dụng đèn led, áp dụng công nghệ biến tần inverter… dễ dàng được áp dụng rộng rãi.

Qua đó ý thức người tiêu dùng về sử dụng các nguồn năng lượng, trong đó có điện năng cũng có những thay đổi tích cực, đặc biệt khi mà nguồn nguyên liệu sản xuất điện năng: Than, khí, các công trình hồ, đập… đã tới hạn, việc khai thác ngày càng khó khăn hơn.

Tuy nhiên, tiết kiệm không có nghĩa chỉ là tiết giảm. Thậm chí tiết giảm không đúng cách cũng gây lãng phí không nhỏ thì lại ít được nhiều người biết đến. Đơn cử, nhiều thiết bị như bộ sạc điện thoại, máy tính, lò vi sóng, quạt máy... sử dụng nguồn điện ở chế độ chờ.

Chính vì thế, mặc dù đã có ý thức tắt những thiết bị này nhưng vẫn giữ phích cắm trong ổ điện, đồng nghĩa với việc năng lượng vẫn đang bị tiêu hao. Rõ nhất là thói quen khi không sử dụng tivi, nhiều người thường chỉ tắt bằng điều khiển từ xa. Tivi lúc đó vẫn ở chế độ chờ và vẫn tiêu thụ từ 0,3 - 0,5W.

Con số này tuy rất nhỏ nhưng theo cách thống kê mức tiêu thụ điện năng của một chiếc tivi có thể tăng khoảng 460.000 - 576.000 đồng/năm nếu tắt theo cách này. Hay như thói quen của nhiều người khi sử dụng máy điều hòa không khí khi cảm thấy không gian dần mát hơn sẽ tắt máy đến khi phòng trở nên nóng thì lại bật trở lại. Trong khi bật/tắt máy lạnh liên tục không chỉ khiến máy mau giảm tuổi thọ mà máy sẽ phải cần lượng điện năng gấp 3 lần khi phải khởi động lại...

Từ những thực tế trên cho thấy, cùng với ý thức tiết kiệm năng lượng, mỗi người cũng phải tự trang bị cho mình những kiến thức để tiết kiệm đúng cách và hiệu quả. Nhìn rộng hơn là đã đến lúc cần thêm những chế tài cụ thể cho người sử dụng điện nâng cao ý thức cũng như kỹ năng sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả.

Ở đây nhấn mạnh đến hiệu quả chứ không đơn giản chỉ là tắt thiết bị, tiết giảm không đúng kỹ thuật. Dư địa để thực hiện tiết kiệm điện còn rất lớn, cùng với các giải pháp tăng thêm nguồn cung, tăng hiệu suất sử dụng thì những giải pháp tiết kiệm điện thực thi có hiệu quả mới là những giải pháp căn cơ mỗi đợt nắng nóng.