Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tiết kiệm từng giọt nước

Lê Quân
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày Nước thế giới 22/3 năm nay đến giữa lúc cả nước đang dồn toàn lực quyết liệt chiến đấu với đại dịch Covid -19.

Mặc dù vậy, bên cạnh những thông tin nóng bỏng về tình hình dịch bệnh, các bản tin của VTV cũng như các phương tiện thông tin đại chúng vẫn thường xuyên đề cập tới tình trạng hạn mặn nặng nề chưa từng có từ nhiều năm nay ở các tỉnh miền Tây Nam Bộ.
Hình ảnh những cánh đồng khô hạn nứt nẻ, những người dân phải chắt chiu từng giọt nước, những chuyến tàu Hải quân chở nước ngọt cho đồng bào vùng hạn mặn ở Bến Tre… đã làm lay động lòng người. Cũng bởi vậy, chủ đề Ngày Nước thế giới năm 2020 là "Nước và Biến đổi khí hậu" càng có ý nghĩa.
 Ảnh mang tính chất minh họa. Nguồn: Internet.
Số liệu thống kê cho thấy, thế giới hiện có khoảng 663 triệu người chưa được tiếp cận với nguồn nước uống an toàn, đảm bảo về sức khỏe và vệ sinh môi trường. Hiện có khoảng 2,1 tỷ người trên thế giới không có nước sạch để dùng. Dự báo đến năm 2050, con số này sẽ là 3,9 tỷ người - nghĩa là hơn 1/3 loài người phải đối mặt với tình trạng thiếu nước sạch.
Nhân Ngày Nước thế giới 2020 Ủy ban Nước Liên Hợp quốc (UN-Water) đã đưa ra thông điệp: “Nước là tài nguyên quý giá nhất của chúng ta - Chúng ta phải sử dụng nó một cách có trách nhiệm hơn; Chúng ta phải cân bằng tất cả các nhu cầu về nước của xã hội trong khi vẫn đảm bảo những người nghèo nhất, những đối tượng yếu thế không bị bỏ lại phía sau”.
Một thông điệp khác của Ngày Nước thế giới năm nay là tất cả mọi người đều có vai trò trong vấn đề nước và biến đổi khí hậu. Ngay cả từ các hộ gia đình cũng cần phải có phương án sử dụng nước hiệu quả hơn. Thông điệp này làm nhớ tới việc đã có lúc chúng ta coi nguy cơ thiếu nước ngọt như một câu chuyện rất xa, ở tận châu Phi hay Nam Mỹ.
Là đất nước ở vùng nhiệt đới, nắng lắm mưa nhiều, mối lo về thiên tai mà chúng ta quan tâm thường là lũ lụt, ngập úng… tức là nghiêng về khả năng thừa nước. Cũng vì thế mà có câu “nghiêng đồng đổ nước ra sông!”. Chỉ đến khi hạn mặn xảy ra cùng những hệ lụy của biến đổi khí hậu, nguy cơ thiếu nước sạch mới hiện hữu.
Cũng cần phải nhắc thêm rằng, những năm gần đây, câu chuyện về thiếu nước không chỉ diễn ra ở Miền Trung, Tây Nguyên hay Miền Tây Nam bộ. Ngay ở Hà Nội, người dân Thủ đô cũng đã không ít lần thấm thía nỗi khổ thiếu nước mà gần đây nhất và gay gắt nhất là vụ nguồn nước sạch cung cấp cho hơn 250.000 hộ dân thành phố của Công ty CP Nước sạch sông Đà bị ô nhiễm bởi dầu thải dạo tháng 10/2019. Sự cố nghiêm trọng này khiến cho hàng chục vạn người dân lâm vào cảnh “khát” nước.
Người Hà Nội đã phải mua từng bình nước sạch cho nhu cầu ăn, uống, dùng nước rửa rau để lau nhà… Trong khi đó, rất nhiều người hầu như chưa biết trân trọng nguồn tài nguyên quý giá này, quá nhiều người đang sử dụng một cách phung phí nguồn nước sạch.
Nhiều người vẫn vô tư nhìn những dòng nước, giọt nước sạch chảy từ những vòi nước hư hỏng hoặc quên khóa chặt. Chỉ những người sống trong cảnh chắt chiu từng giọt nước, phải đi mua từng can nước mới có ý thức và biết cách tiết kiệm nước.
Chúng ta biết rằng, dù Việt Nam nằm trong tốp 15 quốc gia có trữ lượng nước tự nhiên nhiều nhất thế giới, song vẫn thuộc nhóm quốc gia thiếu nước sạch theo đánh giá của Hội Tài nguyên nước quốc tế. Lượng nước sạch bình quân đầu người của Việt Nam hiện thấp hơn mức trung bình của thế giới và đến 2025 sẽ tiếp tục giảm đi một nửa.
Nước không phải nguồn tài nguyên vô tận. Dù là đã muộn, ngay từ bây giờ chúng ta cần phải biết trân trọng, tiết kiệm nguồn tài nguyên đó, với những việc làm nhỏ nhất!