Chủ tịch UBND xã Lê Lợi Nguyễn Tấn Phát cho biết: Mặc dù nhiều lần UBND xã tuyên truyền, vận động, thậm chí, đến ngày 6/9, UBND xã đã 3 lần ban hành thông báo yêu cầu 13 tiểu thương đang kinh doanh trái phép ở các ki ốt vi phạm phải thu dọn tài sản, tháo dỡ công trình, bàn giao mặt bằng cho UBND xã và ban quản lý chợ. Tính đến hết ngày 13/9, mới có 6/13 tiểu thương chấp hành tháo dỡ một phần công trình vi phạm, nhưng chỉ tháo dỡ phần mái tôn.
Hiện còn một số hạng mục khác và tài sản ở bên trong ki ốt vẫn chưa được di chuyển, thu dọn đi nơi khác gây khó khăn cho quá trình xử lý. Cùng với đó, hiện vẫn còn 7/13 tiểu thương ngang nhiên buôn bán gia cầm bình thường.
Trước sự thiếu hợp tác của các tiểu thương, UBND xã đã hoàn thiện hồ sơ chờ xin ý kiến lãnh đạo UBND huyện và khối nội chính để rà soát lại toàn bộ hồ sơ một lần nữa rồi sẽ cưỡng chế 13 ki ốt vi phạm của các tiểu thương. Trong thời gian chờ UBND huyện cho ý kiến, UBND xã tiếp tục tuyên truyền, vận động các tiểu thương tự giác khắc phục hậu quả, tháo dỡ công trình vi phạm.
Liên quan đến nội dung này, Phó Chủ tịch UBND huyện Thường Tín Bùi Công Thản thông tin: Đến nay, công an huyện đã hoàn tất kết luật về công tác quản lý nhà nước của chợ cũng như việc thu, chi tài chính của Ban quản lý chợ gia cầm Hà Vỹ. Kết luận xác định hoạt động quản lý nhà nước cũng như việc thu chi tài chính không để xảy ra sai phạm.
Đây là cơ sở để UBND huyện tập trung chỉ đạo UBND xã Lê Lợi cũng như Ban quản lý chợ gia cầm Hà Vỹ phải sớm giải quyết dứt điểm 13 ki ốt vi phạm còn lại bằng việc tháo dỡ toàn bộ nhà xưởng, mái tôn khung sắt cũng như thu dọn toàn bộ tài sản ra khỏi khu vực để bàn giao mặt bằng cho Ban quản lý chợ gia cầm Hà Vỹ.
“UBND huyện tiếp tục giao nhiệm vụ cho UBND xã Lê Lợi và Ban quản lý chợ gia cầm Hà Vỹ cũng các cơ quan chức năng tuyên truyền, vận động 13 tiểu thương có 13 ki ốt hoạt động trái phép ở cuối chợ tháo dỡ công trình vi phạm. Nếu các tiểu thương không tự giác khắc phục hậu quả, UBND huyện chỉ đạo UBND xã trong tháng 9 phải cưỡng chế dứt điểm 13 ki ốt rồi mới tính đến những nội dung khác…” - ông Thản khẳng định.
Như báo Kinh tế & Đô thị.vn ở các số báo trước đã nêu, chợ gia cầm Hà Vỹ có quy mô chợ hạng 2 được UBND huyện Thường Tín giao cho UBND xã Lê Lợi quản lý vận hành từ khoảng năm 2006. Tuy nhiên, do lãnh đạo UBND xã nhiệm kỳ trước và Ban quản lý chợ buông lỏng quản lý, làm trái quy định nên mới nảy sinh nhiều khuất tất gây bức xúc dư luận.
Những khuất tất trong thời gian qua cũng như hiện nay tại chợ không chỉ là việc cho thuê ki ốt, cho thuê mặt bằng trái quy định. Bên cạnh đó còn là việc 162 ki ốt trong chợ đã hết hạn hợp đồng từ tháng 9/2021, nhưng đến nay vẫn chưa được UBND huyện ký gia hạn hợp đồng cho các tiểu thương. Do đó, UBND xã và Ban quản lý chợ đang gặp khó khăn trong công tác vận hành hoạt động chợ.
Chính vì vậy, thời gian qua UBND xã Lê Lợi đã nhiều lần đề nghị UBND huyện xem xét ký hợp đồng gia hạn cho 162 tiểu thương có gian ki ốt cố định hoạt động buôn bán theo đúng hồ sơ thiết kế. Tuy nhiên, do UBND xã và Ban quản lý chợ gia cầm Hà Vỹ chậm xử lý các ki ốt hoạt động trái phép ở trong chợ nên đến nay UBND huyện chưa ký gia hạn hợp đồng cho thuê ki ốt.
Báo Kinh tế & Đô thị sẽ tiếp tục thông tin vụ việc.