Vào những ngày này, nhiều khu chợ vốn là nơi tấp nập, đông đúc khi trước, thì giờ đây lại vắng vẻ, im lìm.
"Đỏ mắt" đợi khách
Tại một số chợ truyền thống ở Hà Nội, như chợ Khâm Thiên (quận Đống Đa, chợ Hôm hay chợ Mơ (quận Hai Bà Trưng)... thay vì náo nhiệt với những tiếng rao hàng, tiếng người trao đổi sôi nổi, lại là không gian vắng vẻ.
Nhiều quầy hàng từ sáng sớm đã đóng cửa hoặc chỉ còn một vài tiểu thương ngồi buồn bã, thỉnh thoảng đứng dậy với tay lấy vài quả cam hay bó rau bán cho khách vãng lai. Những gian hàng vốn bày bán hàng hóa tươi sống, thực phẩm, giờ đây bày biện thưa thớt, chất đống chưa có ai mua.
Phần lớn tiểu thương không có khách ghé thăm. Mặt hàng thường xuyên nằm trong tình trạng ế ẩm là trái cây, rau củ, thực phẩm tươi sống, vì những mặt hàng này rất dễ hư hỏng nếu không bán kịp thời.
Tiếng người rao bán nghe có vẻ yếu ớt, khiến không khí trong chợ như bị ngưng đọng. Các chủ gian hàng thường thở dài, trao đổi với nhau về tình hình khó khăn, một số thậm chí bỏ quầy ra ngồi nghỉ vì chẳng có ai mua. Nỗi lo về doanh thu giảm mạnh khiến các tiểu thương không khỏi lo lắng cho cái Tết sắp tới.
Bà Hoa - tiểu thương tại chợ Khâm Thiên cho biết, sáng có thể có vài khách vào xem nhưng đến trưa hầu như không còn khách. Phía bên trong chợ, cả dãy sạp phủ bạt che, có nơi chất thùng, ghế, chậu.
"Cả chợ Khâm Thiên chỉ còn khoảng 6 - 7 tiểu thương là còn đến chợ. Nhiều người ngậm ngùi nhìn cảnh vắng khách, có thể do mọi người thắt chặt chi tiêu và chỉ mua những nhu cầu thiết yếu hơn" - bà Hoa cho hay.
Hoặc như tại chợ Bưởi (quận Tây Hồ) là một trong những chợ phiên cổ bậc nhất Hà Nội còn tồn tại đến nay. Đối với nhiều người, khu chợ này sầm uất với cái tên quen thuộc là chợ cây cảnh. Nhưng đối nghịch với các hoạt động giao thương diễn ra nhộn nhịp bên ngoài, thì bên trong chợ lại đìu hiu, vắng vẻ.
Bên trong chợ, cô Hà - một tiểu thương chia sẻ, chợ càng ngày càng thưa người qua lại, nhu cầu của người dân chỉ mua sắm đồ ăn, cây cảnh hoặc đồ gia dụng nên bên ngoài rất sầm uất, nhộn nhịp. Trong khi đó bên trong tầng 1 và tầng 2 nhiều ki ốt hàng hóa đã dừng hoạt động từ lâu khi các tiểu thương trả mặt bằng hoặc chỉ dành để làm kho chứa hàng.
"Nhiều chủ gian hàng đóng cửa vì đối mặt với chi phí duy trì hoạt động khá cao, từ tiền thuê mặt bằng, bảo vệ, vệ sinh, đến các khoản chi phí khác. Bên cạnh đó, việc đi chợ truyền thống đã không còn là thói quen hàng ngày của nhiều người, đặc biệt là những người trẻ tuổi. Họ thường chọn các giải pháp nhanh chóng, hiệu quả mà không cần phải bỏ nhiều thời gian, công sức" - cô Hà cho hay.
Vì sao vắng?
Một số tiểu thương cho biết đang phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt từ các siêu thị, cửa hàng tiện lợi và các nền tảng thương mại điện tử, nơi người tiêu dùng có thể mua sắm mọi lúc, mọi nơi. Điều này đã khiến cho sự xuất hiện của những chợ truyền thống dần giảm sút, nhiều người cảm thấy ngại hoặc không có thời gian đến chợ nữa.
Với sự phát triển của công nghệ và các phương tiện truyền thông, người dân ngày càng hướng tới việc tìm kiếm sự tiện lợi trong cuộc sống. Việc đi chợ truyền thống đã không còn là thói quen hàng ngày của nhiều người, đặc biệt là những người trẻ tuổi. Họ thường chọn các giải pháp nhanh chóng, hiệu quả mà không cần phải bỏ nhiều thời gian, công sức.
Cô Hồng Nhung - một tiểu thương tại chợ Mơ (quận Hai Bà Trưng) cho biết, người tiêu dùng hiện nay, đặc biệt là giới trẻ và người bận rộn, thích sự tiện lợi và nhanh chóng. Thay vì đến chợ truyền thống.
Nhiều người chọn mua sắm qua các nền tảng thương mại điện tử (Shopee, Lazada, Tiki...) hay các app giao hàng trực tuyến (GrabFood, Now, Baemin, etc.). Điều này giúp họ tiết kiệm thời gian, không phải ra ngoài và có thể dễ dàng so sánh giá cả, sản phẩm mà không phải lo lắng về chất lượng.
Có thể thấy, cảnh ế ẩm tại các chợ tiểu thương ở Hà Nội là một sự phản ánh rõ nét của những thay đổi trong xu hướng tiêu dùng, sự cạnh tranh khốc liệt và ảnh hưởng của các yếu tố kinh tế – xã hội đang diễn ra.