Sở dĩ, CFIUS có thẩm quyền này là vì ông lớn ByteDance đã mua lại Musical.ly - một công ty có tầm ảnh hưởng khá lớn ở Mỹ và sau này đã sáp nhập vào Tik Tok - vào năm 2017.
Đây không phải lần đầu tiên ByteDance được yêu cầu gỡ bỏ TikTok. Vào năm 2020, cựu Tổng thống Donald Trump đã ban hành hai sắc lệnh. Một là cấm TikTok ở Mỹ nhưng đã bị thẩm phán liên bang ngăn lại và bị Tổng thống Joe Biden thu hồi vào năm 2021. Hai là yêu cầu ByteDance thoái vốn và xóa tất cả dữ liệu người dùng ở Mỹ. Những bước đi đó chính là khởi nguồn cho lệnh thoái vốn mà CFIUS ban ra.
"Nếu để bảo vệ an ninh quốc gia, thì việc thoái vốn không thể giải quyết được vấn đề bởi vì việc thay đổi quyền sở hữu sẽ không thể hạn chế được các luồng dữ liệu hoặc quyền truy cập"- người phát ngôn của TikTok cho biết.
Đại diện này cho hay: “Cách tốt nhất để giải quyết những lo ngại về an ninh quốc gia là bảo vệ dữ liệu và hệ thống của người dùng Mỹ một cách minh bạch, với sự giám sát, kiểm tra và xác minh nghiêm ngặt của bên thứ ba mà chúng tôi đang triển khai”.
Dự kiến vào tuần tới, Giám đốc điều hành TikTok Shou Zi Chew sẽ điều trần trước Quốc hội Mỹ nhằm giải quyết những lo ngại của các nhà lập pháp về tính bảo mật của ứng dụng và sự an toàn của người dùng Mỹ.
Bà Caitlin Chin tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) cho biết việc yêu cầu thoái vốn một cách đột ngột dường như phản ánh những diễn biến gần đây ở Mỹ, EU, Anh và Canada, và TikTok sẽ khó tìm được người mua.
Trả lời phỏng vấn của Nikkei Asia, bà cho biết: “Rất ít công ty có đủ điều kiện tài chính để mua lại TikTok, và bất kỳ gã khổng lồ công nghệ nào có khả năng mua nó cũng phải cần một lý do để làm vậy”.
Bà nói thêm rằng do thị trường truyền thông Mỹ bị chi phối bởi một số công ty lớn, ngay cả khi một đối thủ cạnh tranh trực tiếp như Meta hoặc YouTube muốn mua TikTok, điều đó cũng có thể làm dấy lên lo ngại liên quan đến vấn đề độc quyền.
"Ngay cả khi TikTok tìm được người mua ở Mỹ, thì chỉ riêng việc thay đổi quyền sở hữu công ty sẽ không cải thiện được quyền riêng tư hoặc hoạt động bảo mật. Các ứng dụng dành cho thiết bị di động bị kiểm soát rất chặt chẽ ở Mỹ đồng nghĩa với việc những nền tảng truyền thông của quốc gia này hầu như không gặp phải hạn chế nào về cách họ thu thập và chia sẻ thông tin cá nhân" - vị này chia sẻ.
TikTok cho biết họ đang thực hiện một chương trình có tên Project Texas để tăng cường bảo mật dữ liệu cho người dùng ở Mỹ, bao gồm chuyển tất cả dữ liệu của họ sang hệ thống Oracle Cloud.
“Ngoài ra, quyền truy cập của nhân viên tại Trung Quốc vào dữ liệu của Mỹ phải tuân theo một loạt biện pháp kiểm soát an ninh mạng chặt chẽ và các giao thức phê duyệt do nhóm bảo mật có trụ sở tại Mỹ của chúng tôi giám sát"- TikTok thông báo.
Hiện ByteDance đang tìm giải pháp khả thi để tránh phải bán TikTok. Công ty đã cân nhắc việc bán TikTok tại Mỹ cho Microsoft, sau đó là Oracle và Walmart khi lần đầu phải đối mặt với lệnh cấm dưới thời chính quyền ông Trump.