Tìm giải pháp nâng tầm thương hiệu quế Trà Bồng

Hà Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- Thực tế hiện nay là việc quản lý, phát triển chỉ dẫn địa lý “Trà Bồng” cho sản phẩm quế còn nhiều khó khăn.

Ngày 10/11, Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) tỉnh Quảng Ngãi phối hợp với UBND huyện Trà Bồng tổ chức Hội thảo “Nâng tầm thương hiệu quế Trà Bồng”.

Quang cảnh hội thảo.
Quang cảnh hội thảo.

Vùng quế Trà Bồng là một trong 4 vùng quế chính, danh tiếng của Việt Nam, trước đây còn gọi chung là “Quế giao chỉ”, là sản vật quý có giá trị. Cùng với hành tỏi Lý Sơn, nếp ngự Sa Huỳnh, quế Trà Bồng được sử dụng để làm quà ngoại giao, biếu tặng trong và ngoài nước. Quế trà Trà Bồng còn được mệnh danh là “Tứ đại danh dược”.

Năm 2009, quế Trà Bồng được Cục Sở hữu trí tuệ cấp chứng nhận bảo hộ nhãn hiệu tập thể “Quế Trà Bồng - Tây Trà”. Năm 2012, quế Trà Bồng được công nhận là 1 trong 4 loại đặc sản của tỉnh Quảng Ngãi được xác lập kỷ lục Việt Nam và có mặt trong top 10 đặc sản thiên nhiên nổi tiếng của Việt Nam.

Năm 2013, tổ chức Kỷ lục Châu Á tiếp tục công nhận đặc sản quế Trà Bồng xác lập kỷ lục Châu Á. Năm 2014, quế Trà Bồng được vinh danh “Danh hiệu văn hóa nghệ thuật ẩm thực và tinh hoa đặc sản ba miền”.

Chỉ dẫn địa lý “Trà Bồng” cho sản phẩm quế Trà Bồng được Cục Sở hữu trí tuệ cấp Giấy chứng nhận đăng ký vào ngày 23/11/2020. UBND huyện là tổ chức quản lý. Phạm vi bảo hộ chỉ dẫn địa lý có diện tích trên 30.000ha.

Sau 2 năm được cấp chỉ dẫn địa lý, giá trị cây quế và các sản phẩm được nâng cao. Giá của sản phẩm sau khi được bảo hộ tăng lên, đời sống người dân ở vùng trồng quế ngày càng được cải thiện. Các tổ chức tập thể được hình thành, thúc đẩy sự phát triển của các hợp tác xã, doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp phát huy được vai trò, phát triển hiệu quả thương hiệu được bảo hộ để tổ chức sản xuất, đưa sản phẩm ra thị trường.

Đại biểu tham gia ý kiến tại hội thảo.
Đại biểu tham gia ý kiến tại hội thảo.

Tuy nhiên, theo các doanh nghiệp, một thực tế hiện nay là việc quản lý, phát triển chỉ dẫn địa lý “Trà Bồng” cho sản phẩm quế hiện nay còn những tồn tại, khó khăn.

Cụ thể, chưa có doanh nghiệp nào đăng ký trao quyền; công tác tuyên truyền, quảng bá còn hạn chế, người dân và doanh nghiệp chưa thấy được tầm quan trọng của chỉ dẫn địa lý; sự hỗ trợ của Nhà nước chưa liên tục và chỉ tập trung vào hỗ trợ các nội dung đăng ký bảo hộ, chưa chú trọng đến công tác quản lý, phát triển thị trường. Quy định về hệ thống kiểm soát chưa được áp dụng vào thực tiễn…

Tại hội thảo, các chuyên gia, chính quyền địa phương và các tổ chức, doanh nghiệp cùng thảo luận, đưa ra những giải pháp cụ thể, tập trung tháo gỡ những khó khăn, tồn tại, nhằm nâng cao hiệu quả quản lý và phát triển chỉ dẫn địa lý, nâng tầm thương hiệu, năng lực cạnh tranh trên thị trường đối với sản phẩm quế Trà Bồng. 

Sở Khoa học và Công nghệ trao Giấy chứng nhận đăng ký Chỉ dẫn địa lý “Trà Bồng”.
Sở Khoa học và Công nghệ trao Giấy chứng nhận đăng ký Chỉ dẫn địa lý “Trà Bồng”.

Dịp này, Sở KH&CN tỉnh trao Giấy chứng nhận đăng ký Chỉ dẫn địa lý “Trà Bồng” đối với sản phẩm quế cho UBND huyện Trà Bồng sau 2 năm bị hoãn do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Huyện Trà Bồng là nơi có diện tích trồng quế lớn nhất tỉnh Quảng Ngãi. Tất cả sản lượng thu mua tại vùng nguyên liệu được các doanh nghiệp cung ứng cho một phần thị trường trong nước để chế biến tinh dầu, thực phẩm, hàng thủ công mỹ nghệ… và phần lớn xuất khẩu sang thị trường Mỹ, Trung Đông, Ấn Độ…

Nhiều năm qua, quế là cây trồng mang lại nguồn thu nhập chính của bà con đồng bào Cor ở nơi đây. Mỗi năm, bà con có hai đợt thu hoạch quế, trong đó, từ cuối tháng hai đến tháng tư là cao điểm vụ “tiên quế”, tức vụ thu hoạch quế đầu tiên trong năm; từ tháng bảy đến tháng tám là “hậu quế”, tức vụ thu hoạch cuối trong năm.