[Tìm giải pháp phát triển công nghiệp văn hóa Hà Nội] Bài cuối: Chung tay để tạo nên bản sắc mới

Lan Ngọc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hà Nội đã nhận diện tiềm năng, thế mạnh của mình trong các lĩnh vực công nghiệp văn hóa.

Chính vì vậy, từ người dân, các đơn vị DN đến cơ quan chính quyền đã ý thức việc phải cùng nhau chung tay, tạo ra những cú hích mới, mang tính tập thể để chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa đi đến thành công. Đó là giải pháp đã được các chuyên gia trong nước và quốc tế hiến kế nhằm tạo ra bản sắc mới cho Hà Nội.
Đa dạng hóa văn hóa

Nhiều năm qua Hà Nội đã rộng mở thực hiện nhiều chủ trương, đề án nhằm thúc đẩy phát triển văn hóa nói chung và công nghiệp văn hóa nói riêng như: Quy hoạch phát triển văn hóa Hà Nội đến 2020, định hướng đến 2030; Nghị quyết số 06-NQ/TU về phát triển du lịch Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2016 - 2020 và những năm tiếp theo; Đề án đánh giá, đề xuất các giải pháp phát triển công nghiệp văn hóa Thủ đô thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế; Kế hoạch của UBND TP thực hiện Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Thủ đô Hà Nội đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; Đề án phát triển làng nghề truyền thống (Bát Tràng, Vạn Phúc…)
 Một tiết mục biểu diễn văn hóa nghệ thuật tại Hà Nội. Ảnh: Thanh Thảo
Sự đa dạng của các sản phẩm thủ công, như gốm Bát Tràng, lụa Vạn Phúc, sơn mài Hạ Thái và những sản phẩm của sự sáng tạo đã có mặt ở khắp nơi trong TP. Đây chính là nhân tố quan trọng tạo nên bản sắc riêng có của Hà Nội trong cách TP lưu giữ truyền thống, định hình hiện tại và hướng tới tương lai dựa trên phát huy nguồn tài nguyên văn hóa thành sức lớn mạnh của các ngành công nghiệp văn hóa.

Trong quá trình thực thi chính sách phát triển, Hà Nội luôn quan tâm, lắng nghe những ý tưởng, sáng kiến đóng góp để xây dựng, phát triển Thủ đô từ các chuyên gia trong nước và quốc tế thông qua việc tổ chức nhiều cuộc hội thảo, tọa đàm tham vấn; tổ chức, phối hợp tổ chức thành công nhiều lễ hội, sự kiện quy mô lớn trong lĩnh vực công nghiệp văn hóa sáng tạo; phát triển các không gian sáng tạo văn hóa nghệ thuật cộng đồng đem lại nhiều ấn tượng tốt đẹp trong lòng người dân cả nước và bạn bè quốc tế…

Sẵn sàng tháo gỡ về chính sách

Sau nhiều lần tổ chức tọa đàm, lấy ý kiến chuyên gia trong nước và quốc tế, các đại biểu đã tham vấn, góp ý cho Hà Nội những sáng kiến, kinh nghiệm tạo điều kiện thúc đẩy các ngành công nghiệp văn hóa phát triển, trong đó tập trung vào nội dung tạo cơ chế đầu tư tài chính, thu hút vốn và hình thành hệ sinh thái thúc đẩy sáng tạo; đầu tư phát triển hạ tầng cơ sở, khoa học công nghệ cho phát triển công nghiệp văn hóa; chú trọng giáo dục sáng tạo văn hóa; tạo sự kết nối giữa truyền thống và hiện đại trong các sản phẩm công nghiệp văn hóa...

Khẳng định việc Hà Nội luôn có những chính sách cởi mở để phát triển công nghiệp văn hóa, tại tọa đàm “Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 - Thực trạng và giải pháp”, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong khẳng định: Văn hóa và phát triển công nghiệp văn hóa không chỉ là nguồn lực quan trọng cho sự phát triển bền vững của Hà Nội mà còn góp phần mở rộng giao lưu và hợp tác quốc tế, một mặt bảo tồn văn hóa truyền thống mặt khác tiếp cận được giá trị văn hóa của nhân loại. Đặc biệt, phát triển công nghiệp văn hóa giúp việc cập nhật ứng dụng được cách mạng công nghiệp 4.0, trong lĩnh vực văn hóa cũng như thúc đẩy sự phát triển của lĩnh vực khác. Vì vậy, Hà Nội với khuôn khổ pháp lý của mình sẽ tạo môi trường, hệ sinh thái đổi mới sáng tạo cho công nghiệp văn hóa phát triển; coi chủ thể của quá trình này là DN, nghệ sĩ, nghệ nhân và quần chúng Nhân dân, đồng thời cũng là người hưởng thụ.

Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong cho rằng, đối với lĩnh vực sáng tạo và phát triển công nghiệp văn hóa, Hà Nội luôn coi chủ thể của quá trình này là DN, nghệ sĩ, nghệ nhân và quần chúng Nhân dân. Nhà nước giữ vai trò tạo ra hành lang pháp lý, điều kiện hỗ trợ để các chủ thể sáng tạo được cống hiến và hưởng thụ quá trình sáng tạo. Trong khuôn khổ pháp lý của mình, Hà Nội sẽ cố gắng ở mức độ cao nhất để tạo ra môi trường, hệ sinh thái đổi mới sáng tạo các ngành công nghiệp văn hóa phát triển. Hà Nội cũng cam kết sẽ chủ động tìm đến với các đơn vị, tổ chức, các mô hình sáng tạo có giá trị để mời gọi hợp tác cùng phát triển.

Hà Nội rất quan tâm tới vấn đề văn hóa tổng thể, phát triển kinh tế đi liền với bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống. Hà Nội đã xin ý kiến của 4 nhóm đối tượng trong lĩnh vực này, qua đó làm rõ cơ sở lý luận, kinh nghiệm quốc tế, tiềm năng, lợi thế của Hà Nội hiện nay. Hiện nay TP đang hoàn thiện, bổ sung cụ thể nhiệm vụ thực hiện gắn với lộ trình nhất định, có điểm nhấn và tính khả thi, tiến tới mục tiêu phát triển công nghiệp văn hóa là góp phần bảo tồn di sản văn hóa Thăng Long và phát triển con người Hà Nội thanh lịch, văn minh.

"Nhìn nhận con người là chủ nhân của sáng tạo, là động lực để sáng tạo và duy trì sáng tạo. Vì thế, với mong muốn sáng tạo bền vững, chúng ta cần có công dân sáng tạo, làm chủ và nâng tầm sáng tạo, bắt đầu từ trẻ em được giáo dục sáng tạo. TP Hà Nội cần ban hành chương trình giáo dục địa phương hướng tới giáo dục phát triển tư duy sáng tạo. Ngoài ra, TP Hà Nội cần tạo ra các trung tâm sáng tạo kết nối hệ sinh thái sáng tạo từ triển lãm thiết kế đến thực hành thiết kế cho mọi người; đồng thời, thúc đẩy giáo dục mở - nhà trường sáng tạo - trên nền tảng hợp tác DN - xã hội. Từ nhà trường, thông qua giáo dục và đào tạo người học để tác động tới các đối tượng liên quan." - Phó trưởng Ban Nghiên cứu đánh giá giáo dục (Viện Khoa học giáo dục Việt Nam) - PGS.TS Chu Cẩm Thơ

"Thành phố sáng tạo Hà Nội là một câu chuyện mới cho một thế kỷ mới, đại diện cho một thương hiệu và hình ảnh của Hà Nội - và đất nước - đó là hướng tới tương lai, hướng tới hòa nhập và phát triển bền vững. Thành phố sáng tạo đem lại một nền tảng cho hợp tác và phát triển, đó không chỉ là hợp tác giữa các sáng kiến trong khu vực của Hà Nội mà còn là những cơ hội hợp tác mới giữa Hà Nội và các thành phố sáng tạo khác của UNESCO trong khu vực và trên thế giới. Danh hiệu này đại diện cho sự tiếp nối truyền thống - vì nó được xây dựng dựa trên di sản của Hà Nội như một thủ đô văn hóa và một Thành phố vì hòa bình - di sản của sự hòa nhập xã hội và sự tham gia của giới trẻ. Tất cả những điều này tạo nên nền tảng vững chắc cho sự phát triển các ngành công nghiệp văn hóa của Thủ đô." - Giám đốc Hội đồng Anh tại Việt Nam - bà Donna McGowan

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần