Tìm giải pháp tăng trưởng bền vững

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo thông lệ hàng năm, TP Davos (Thụy Sĩ) lại bận rộn đón tiếp hàng ngàn lãnh đạo DN, chính trị gia, học giả hàng đầu thế giới tham dự Hội nghị thường niên Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) lần thứ 45.

Hóa giải thách thức, giảm rủi ro

Với chủ đề "Bối cảnh toàn cầu mới", chương trình nghị sự của WEF 45 gồm 280 phiên họp thảo luận về nhiều vấn đề, từ tăng trưởng kinh tế, hợp tác phát triển, các vấn đề xã hội đến môi trường, xung đột địa chính trị, dịch bệnh, năng lượng mới, an ninh lương thực, tương lai của internet đến sự phát triển hệ thống tài chính... nhằm hóa giải thách thức và giảm thiểu rủi ro cho kinh tế toàn cầu. Diễn ra trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế toàn cầu đang dần thoát khỏi giai đoạn suy thoái, nguy cơ từ khủng hoảng nợ tại châu Âu đã dịu lại, nền kinh tế Mỹ tiếp tục dẫn đầu về tốc độ phục hồi..., nhiều người cho rằng, chương trình nghị sự của WEF năm nay sẽ “dễ thở” hơn. Đặc biệt, việc giá dầu giảm và các ngân hàng T.Ư phát đi tín hiệu tiếp tục giữ lãi suất thấp và tiến hành bơm tiền ra thị trường sẽ tạo cơ hội cho tăng trưởng toàn cầu.

 
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh tại WEF Davos 2014. Ảnh: Hải Minh
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh tại WEF Davos 2014. Ảnh: Hải Minh
Tuy nhiên, cú sốc về phá giá đồng Franc của Ngân hàng T.Ư Thụy Sĩ đã cảnh báo về nguy cơ từ sự thiếu đồng bộ trong chính sách điều hành của các định chế tài chính toàn cầu. “Hỗn loạn” là từ mà nhiều chuyên gia dùng để dự báo về thị trường tiền tệ trong năm nay do dòng vốn trở nên khó kiểm soát hơn, đó là chưa kể những tác động không mong muốn do chính sách mới của Ngân hàng T.Ư châu Âu (ECB), Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (FED). Thị trường việc làm cũng không nằm ngoài tâm bão với dự báo về tình trạng thất nghiệp hiện đã ở mức hơn 200 triệu người. Rủi ro đối với nền kinh tế toàn cầu còn thể hiện ở cuộc đấu tranh khó khăn với giảm phát của các nền kinh tế chủ chốt như Nhật Bản, một số nước châu Âu và sự giảm tốc của Trung Quốc.

Trong bối cảnh quan hệ giữa Nga và phương Tây ở mức tồi tệ nhất kể từ sau Chiến tranh Lạnh, dịch bệnh Ebola bùng phát ở Tây Phi, sự lớn mạnh của chủ nghĩa cực đoan, các rủi ro địa chính trị, thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống tiếp tục trở thành một nội dung nổi bật trong chương trình nghị sự của WEF lần này.

Cơ hội hợp tác cho Việt Nam

Những năm gần đây, cùng với tiến trình hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, Việt Nam đã tham gia tích cực, chủ động vào các diễn đàn quốc tế, trong đó có WEF. Quan hệ giữa Việt Nam và WEF đã có những bước phát triển tích cực với sự tham gia thường xuyên các hội nghị thường niên của WEF của các nhà lãnh đạo Việt Nam. Trong chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam hồi tháng 11/2014, Giám đốc điều hành WEF Philipp Rosler đã đánh giá cao vai trò của Việt Nam với tư cách là một nền kinh tế năng động tại Đông Á và coi trọng hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực như nông nghiệp, nâng cao năng lực cạnh tranh, quảng bá quốc gia.

Với tinh thần chủ động, tích cực tham gia các diễn đàn quốc tế, đoàn đại biểu Việt Nam, do Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh dẫn đầu tham dự WEF 2015 nhằm tìm hiểu, thảo luận với các nhà lãnh đạo thế giới về các vấn đề kinh tế, chính trị toàn cầu; chia sẻ những ý tưởng, kinh nghiệm phát triển của các nước với mục tiêu hướng tới một thế giới phát triển bền vững hơn trong tương lai; thúc đẩy hợp tác giữa Việt Nam với các đối tác quốc tế và quảng bá hình ảnh Việt Nam thông qua các nội dung trao đổi, thảo luận tại hội nghị, các hoạt động gặp gỡ, tiếp xúc song phương bên lề. Sự tham gia tích cực của đoàn đại biểu Việt Nam vào nội dung bàn thảo của WEF sẽ góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần