Tìm lời giải cho bài toán “khoan sức” doanh nghiệp?

Hà Lâm
Chia sẻ Zalo

kinhtedothi - Những con số về tăng trưởng kinh tế và kết quả kinh doanh quý I/2023 của DN cho thấy, DN đang đứng trước rất nhiều khó khăn. Vì thế, các chính sách hỗ trợ, “khoan sức” cho DN là rất cần thiết trong bối cảnh hiện nay.


Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, thực trạng kinh tế Việt Nam trong 5 tháng đầu năm là rất khó khăn. Các động lực tăng trưởng chính của nền kinh tế đều đang trên đà suy giảm.

Cụ thể, xuất khẩu 5 tháng giảm 11,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp giảm 2%. Giải ngân vốn FDI giảm 0,8% tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng, mặc dù có tăng 8,3% so với cùng kỳ (sau khi loại trừ yếu tố giá), nhưng vẫn thấp hơn mức tăng 10,3% trong 3 tháng đầu năm.

Niềm tin kinh doanh đang ở mức thấp. Tính chung, 5 tháng đầu năm, số DN thành lập mới và quay lại hoạt động chỉ là 95.000, giảm 3,7% so với cùng kỳ. Trong khi đó, số DN rút khỏi thị trường là 88.000, tăng đến 22,6%. Phần lớn DN đang hoạt động phải thu hẹp quy mô sản xuất, kinh doanh.

Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) cũng vừa công bố kết quả khảo sát gần 10.000 DN, cho thấy các DN đang trải qua giai đoạn đặc biệt khó khăn, cần cấp bách tháo gỡ.

Gần 10.000 DN tham gia khảo sát nêu trên thuộc các lĩnh vực trên cả nước. Nhiều DN cho biết đang trải qua giai đoạn đặc biệt khó khăn với hơn 82,3% DN dự kiến giảm quy mô, tạm dừng hoặc ngừng sản xuất - kinh doanh trong các tháng còn lại của năm nay.

Khó khăn, thách thức lớn nhất của DN là thiếu đơn hàng, khó tiếp cận vốn vay, cải cách hành chính vẫn hạn chế và khó đáp ứng các quy định của pháp luật... Vì thế, các giải pháp gỡ khó về thị trường, tiếp cận vốn vay, đơn giản thủ tục hành chính... để tăng cường nội lực trong giai đoạn khó khăn là rất cần thiết hiện nay.

Cộng đồng DN và giới chuyên gia đề xuất kéo dài thời hạn các chính sách đã phát huy hiệu quả trong giai đoạn dịch Covid-19, bao gồm việc giảm 2% thuế GTGT đến hết năm 2025, thay vì chỉ hết năm 2023.

Ngoài ra, chi phí lao động cần được giảm; tiếp tục giãn, hoãn, giảm các khoản phí liên quan BHXH, kinh phí Công đoàn hay xem xét mức đóng thuế thu nhập cá nhân mới để phù hợp bối cảnh mới.

Hiện, Chính phủ đã đề xuất Quốc hội về việc giảm 2% thuế suất thuế GTGT, áp dụng đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất 10% (còn 8%), trừ một số nhóm hàng hóa, dịch vụ như viễn thông, công nghệ thông tin, ngân hàng, chứng khoán…; áp dụng từ ngày 1/7 đến hết năm 2023.

Các DN cũng mong muốn sẽ có thêm nhiều ưu đãi thuế, miễn giảm thuế, phí, lệ phí trước bạ nhằm thu hút DN quay trở lại hoạt động và thành lập mới. Các vấn đề của thị trường bất động sản, chứng khoán cũng cần được kiểm soát và giải quyết để sớm ổn định trở lại.

Bên cạnh đó, một trong những khó khăn của DN hiện nay là tiếp cận vốn. Theo đó, cần phải có các cơ chế để DN có thể tiếp cận vốn thuận lợi hơn. Cần nghiên cứu gói tín dụng ưu đãi cho các ngành, lĩnh vực sản xuất - kinh doanh chủ lực, trong đó có những khoản, mục dành cho DN nhỏ và vừa.

Xem xét giảm mạnh lãi suất vay cho thuê, mua nhà ở xã hội để số đông công nhân, người lao động có cơ hội tiếp cận việc thuê, mua nhà từ nguồn hỗ trợ tín dụng.

Nhà nước cần xem xét các cơ chế để DN tham gia tín chấp, bảo lãnh cho người lao động trong quá trình này so với quy trình xét duyệt phức tạp theo diện "đối tượng chính sách" như hiện nay để chủ trương phát triển nhà ở xã hội đi vào thực hiện.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần