Doanh nghiệp thiếu nhân lực chất lượng cao
Thông tin từ Cục Du lịch Quốc gia cho thấy, từ đầu năm đến nay ngành du lịch cả nước đã đón được 12,7 triệu lượt khách quốc tế, tăng 43% so với cùng kỳ năm trước. Dự kiến từ nay đến cuối năm lượng khách quốc tế đến Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng, qua đó hoàn thành mục tiêu đón từ 17-18 triệu lượt khách quốc tế trong năm nay.
Thực tế cho thấy, trong khi lượng khách quốc tế tăng trưởng mạnh mẽ thì doanh nghiệp du lịch lại lâm vào tình trạng thiếu nhân lực phục vụ du khách. Đại diện Công ty CP Truyền thông Du lịch Việt chia sẻ, từ đầu năm đến nay, lượng khách ở các thị trường đều tăng gần 30% so với cùng kỳ năm 2023. Tuy nhiên, điều làm đơn vị lữ hành này đau đầu chính là thiếu tới 20% nhân lực tại nhiều bộ phận nhưng hiện chưa tuyển dụng được lao động chất lượng cao.
Tương tự mặc dù có nhu cầu tuyển dụng 20 lao động ở nhiều vị trí khác nhau, thế nhưng Công ty Du lịch Hồng Hoa vẫn chưa tuyển đủ số lượng. Giám đốc Công ty Du lịch Hồng Hoa Tô Ánh Hồng cho biết, nhằm đáp ứng nhu cầu lao động, đơn vị sẵn sàng tuyển sinh viên mới ra trường, chưa có kinh nghiệm. Điều quan trọng là ứng viên chỉ cần có nhiệt huyết và niềm đam mê trong lĩnh vực này. Thế nhưng mặc dù mùa cao điểm đón khách quốc tế cuối năm nóng từng ngày thì doanh nghiệp vẫn chưa tuyển được nhân sự đáp ứng nhu cầu mở rộng, phát triển.
Thông tin về nguồn nhân lực chất lượng cao của ngành du lịch, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam Cao Thị Ngọc Lan cho biết: Việt Nam đang thiếu hụt lượng lớn nhân sự du lịch nhất là lao động có chuyên môn cao, đặc biệt là vào dịp cao điểm như nghỉ lễ, Tết. Sự mất cân đối nhân lực theo vùng miền khiến nhiều khu vực tăng trưởng nóng về khách du lịch, nhưng chất lượng dịch vụ thấp hơn khu vực khác và không ổn định.
Theo Cục Du lịch quốc gia Việt Nam, hiện ngành du lịch cần khoảng 485.000 lao động trong cơ sở lưu trú du lịch cho công suất trên 70%. Dự báo đến năm 2025, cả nước sẽ có 950.000 - 1.050.000 buồng lưu trú và đến năm 2030 cần 1,3 - 1,45 triệu buồng. Như vậy, năm 2025, khối cơ sở lưu trú du lịch cần khoảng hơn 800.000 người, năm 2030 là hơn 1 triệu người, trung bình cần bổ sung 60.000 lao động/năm. Tuy vậy, hàng năm các trường chỉ đào tạo khoảng 20.000 sinh viên, trong đó tỷ lệ được đào tạo chuyên nghiệp chỉ chiếm 43% tổng số lao động du lịch.
Nhà trường bắt tay cùng doanh nghiệp giải bài toán nhân lực
Thời điểm hiện tại, để giải bài toán nhân lực, các doanh nghiệp du lịch đang “tự thân vận động” gỡ rối cho chính mình. Tuy nhiên các chuyên gia du lịch cho rằng để có được nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao đòi hỏi cái “bắt tay” giữa nhà trường và doanh nghiệp
Theo Chủ tịch Liên chi hội Đào tạo du lịch Việt Nam GS.TS Đào Mạnh Hùng, hiện cả nước có 195 cơ sở đào tạo du lịch, hằng năm các cơ sở này đào tạo được khoảng 20.000 sinh viên, số lao động có trình độ đại học và sau đại học chỉ chiếm 9,7% và chỉ có 43% tổng số lao động được đào tạo chuyên môn nghiệp vụ về du lịch.
Lý giải nguyên nhân khiến Việt Nam thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao Trưởng khoa Du lịch (Trường Đại học Công nghệ Đông Á) PGS.TS Dương Đức Thắng cho rằng, công tác đào tạo theo phương thức truyền thống hiện không còn phù hợp với tiêu chuẩn, đòi hỏi ngày càng cao của ngành du lịch.
“Nhân lực du lịch hiện nay đòi hỏi không chỉ thông thạo ngoại ngữ mà còn phải sử dụng tốt công nghệ, các kỹ năng xây dựng sản phẩm theo tiêu chuẩn chất lượng cao. Trong khi đó, nhiều sinh viên được đào tạo tại các khoa du lịch khi ra trường thậm chí không cạnh tranh được với những sinh viên học ngoại ngữ do yếu kỹ năng giao tiếp với người nước ngoài”-ông Thắng phân tích.
Để có được nguồn nhân lực chất lượng cao, các chuyên gia du lịch đều cho rằng ngành giáo dục và du lịch cần phải có những chuẩn mực riêng trong đào tạo nhân lực chuẩn quốc tế để các cơ sở đào tạo có định hướng xây dựng phương thức đào tạo phù hợp. Đồng thời cần cái “bắt tay” giữa nhà trường và doanh nghiệp trong quá trình đào tạo.
Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển du lịch Nguyễn Anh Tuấn cho rằng: để duy trì phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đòi hỏi doanh nghiệp chủ động kết nối tham gia vào đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao với các hệ thống đào tạo trong nước và quốc tế…
Ở chiều ngược lại, cơ sở đào tạo phải thu hút đầu tư vào hệ thống đào tạo, cơ sở vật chất, đội ngũ giảng dạy; Đưa vào chương trình đào tạo các kiến thức mới về các loại hình du lịch mới…. Đồng thời Nhà nước nên có chính sách thu hút, khuyến khích những nhân lực du lịch có kinh nghiệm đã chuyển nghề quay lại làm việc.
Thông tin về hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi nguồn nhân lực, Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đặng Hương Giang cho biết: Sở Du lịch Hà Nội đã đề xuất UBND TP Hà Nội chú trọng đẩy mạnh liên kết, hợp tác với các tổ chức giáo dục du lịch quốc tế theo hướng lựa chọn những ngành nghề hợp tác giáo dục phù hợp.
Bên cạnh đó, Hà Nội đổi mới phương thức, chương trình dạy và học đảm bảo đa dạng, linh hoạt về hình thức truyền tải thông tin, sử dụng công nghệ mới trong quá trình giảng dạy; Tăng cường xã hội hóa huy động nguồn lực phát triển nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao của Hà Nội. “Yếu tố quan trọng nhất chính là tăng cường liên kết “3 nhà”: Nhà nước - Nhà trường - Nhà tuyển dụng nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao của Hà Nội” - bà Đặng Hương Giang nêu rõ.
Bên cạnh việc đẩy mạnh đào tạo, các chuyên gia du lịch cũng cho rằng cần có chính sách thu hút, khuyến khích nguồn nhân lực du lịch có kinh nghiệm, kỹ năng nghề đã chuyển việc quay lại làm việc.
Trưởng nhóm Nghiên cứu ngành quản trị du lịch và khách sạn (Đại học RMIT) TS Nuno Ribeiro hiến kế, trước mắt, cần ưu tiên xây dựng và thực hiện chuẩn hóa chương trình đào tạo nhân lực du lịch phù hợp các hệ thống tiêu chuẩn khu vực và quốc tế về lao động. “Để lấp khoảng trống thiếu nhân sự du lịch trong ngắn hạn, doanh nghiệp có thể tuyển mới lao động từ những ngành nghề liên quan để đào tạo”- ông Nuno Ribeiro đề xuất.