Tìm “lực đẩy dòng vốn mới” cho thị trường chứng khoán 25 năm tuổi
Kinhtedothi - “Thị trường chứng khoán cần trở thành kênh huy động vốn trung và dài hạn, là ‘hàn thử biểu’ phản ánh sức khoẻ nền kinh tế” - Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi nhấn mạnh tại toạ đàm “Lực đẩy dòng vốn mới”, nhân dịp kỷ niệm 25 năm thị trường chính thức vận hành.
Từ 2 mã cổ phiếu đến kênh hút vốn chủ lực
Ngày 23/7/2025, nhân kỷ niệm 25 năm thị trường chứng khoán Việt Nam chính thức đi vào vận hành, Báo Tài chính - Đầu tư tổ chức Toạ đàm với chủ đề “Lực đẩy dòng vốn mới”. Sự kiện được tổ chức trong bối cảnh thị trường chứng khoán đang đứng trước nhiều cơ hội chuyển mình mạnh mẽ sau chặng đường dài phát triển và tích luỹ nền tảng vững chắc.
Phát biểu khai mạc, Tổng Biên tập Báo Tài chính - Đầu tư Phạm Văn Hoành nhấn mạnh: “Một phần tư thế kỷ đã đi qua, để lại phía sau cả một chặng đường dài với biết bao thành tựu mà không ai có thể phủ nhận, đặc biệt khi nhìn vào quy mô thị trường và một cộng đồng nhà đầu tư đông đảo hôm nay so với những bước đi chập chững đầu tiên của Sàn giao dịch chứng khoán TP. Hồ Chí Minh tròn 25 năm trước”.

Tổng Biên tập Báo Tài chính - Đầu tư Phạm Văn Hoành phát biểu tại tọa đàm
Từ những phiên giao dịch đầu tiên chỉ với hai mã cổ phiếu, thị trường chứng khoán Việt Nam đã dần trở thành một trong những kênh huy động vốn trung và dài hạn quan trọng nhất của nền kinh tế, đồng thời cũng là một “sân chơi” sôi động, thu hút sự quan tâm ngày càng lớn trong xã hội.
Tổng Biên tập Phạm Văn Hoành cũng đặt vấn đề về những động lực tăng trưởng mới cho thị trường: Liệu đây có phải là dấu hiệu của những “lực đẩy dòng vốn mới”? Và nếu có, những dòng vốn ấy sẽ đến từ đâu, cần điều kiện gì để phát triển bền vững?
Bứt phá để dẫn dắt vốn dài hạn
Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi nhận định, tọa đàm được tổ chức đúng vào thời điểm thị trường đứng trước yêu cầu bức thiết cần thêm động lực mới và định hướng phát triển dài hạn hơn. Đánh giá về chặng đường 25 năm, Thứ trưởng khẳng định, thị trường chứng khoán Việt Nam đã có nhiều bước tiến mạnh mẽ, từ con số 0 phát triển thành một hệ sinh thái đầy đủ với nền tảng pháp lý, hạ tầng kỹ thuật và cộng đồng nhà đầu tư ngày càng lớn mạnh. “So với khu vực cũng như các mục tiêu đề ra, thành quả hôm nay là rất đáng để tự hào”, ông nói.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi, một trong những điểm nổi bật là việc thị trường đã xây dựng được hành lang pháp lý tương đối đồng bộ, góp phần vào việc vận hành ổn định và hiệu quả. Hệ thống các thành viên tham gia thị trường ngày càng được củng cố về năng lực tài chính, chuyên môn và tổ chức, trong khi số lượng nhà đầu tư đã tăng trưởng vượt bậc, từ vài trăm cá nhân thời kỳ đầu đến nay đã đạt 10 triệu tài khoản, bao gồm cả nhà đầu tư trong nước và nước ngoài.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi đánh giá, thị trường chứng khoán Việt Nam có nhiều bước tiến mạnh mẽ
Vốn hoá thị trường chứng khoán hiện đã đạt trên 60% GDP, có thời điểm lên tới 70%. Việt Nam cũng từng bước hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật, với điểm nhấn gần đây là việc đưa vào vận hành hệ thống công nghệ thông tin KRX – nền tảng mới hỗ trợ xử lý giao dịch chứng khoán theo tiêu chuẩn quốc tế. Hệ thống thanh toán, chuyển nhượng chứng khoán cũng đang được xây dựng và vận hành theo hướng thiết lập mô hình đối tác thanh toán trung tâm (CCP) nhằm đáp ứng tốt hơn yêu cầu phát triển.
“Thị trường chứng khoán cần trở thành kênh huy động vốn trung và dài hạn, là “hàn thử biểu” phản ánh sức khoẻ của nền kinh tế, năng lực của các doanh nghiệp” - Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi nhấn mạnh. Ông cho rằng, sau 25 năm phát triển, Việt Nam đã tích luỹ được lượng nền tảng rất đáng kể cả về quy mô thị trường, số lượng nhà đầu tư, hạ tầng kỹ thuật và hệ thống pháp lý. Đây chính là thời điểm thích hợp để cùng nhau bàn thảo liệu thị trường đã sẵn sàng cho bước phát triển lên một tầm cao mới hay chưa.
Trong bối cảnh Việt Nam đang chuẩn bị triển khai các kế hoạch và mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội quy mô lớn, vai trò của thị trường tài chính và thị trường chứng khoán càng trở nên quan trọng. Yêu cầu đặt ra là thị trường cần phát triển vượt bậc hơn nữa, thu hút hiệu quả các dòng vốn trung và dài hạn để đáp ứng nhu cầu đầu tư, phát triển hạ tầng, nâng cao năng lực cạnh tranh và sức chống chịu của nền kinh tế.

Quản trị rủi ro – "người gác cổng" trong quá trình nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam
Kinhtedothi - Ngày 21/7/2025, Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) đã tổ chức chương trình đào tạo “Quản trị rủi ro cho công ty chứng khoán” nhằm chia sẻ các thông tin về khung khổ pháp lý, quy trình xây dựng chiến lược quản trị rủi ro hiệu quả và các nội dung cơ bản về quản trị rủi ro trong điều kiện, hoàn cảnh thị trường mới.

Chứng khoán Mỹ rung lắc khi ông Trump tính siết thuế cao với EU
Kinhtedothi - Các chỉ số chứng khoán Mỹ diễn biến trái chiều sau khi truyền thông Anh đưa tin ông Trump đang tính áp thuế quan tối thiểu từ 15% đến 20% đối hàng hóa từ Liên minh châu Âu (EU).

Hà Nội: Nhiều người bị lừa tiền tỷ vì ham đầu tư chứng khoán giá rẻ
Kinhtedothi - Theo thông tin từ Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an thành phố Hà Nội, vừa qua, đơn vị đã nhận được đơn trình báo của 3 nạn nhân ở Hà Nội về việc bị lừa đảo khi tham gia đầu tư chứng khoán trên ứng dụng SKSVIP.