Phát biểu khai mạc hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Đặng Ngọc Sơn nhấn mạnh: “Thực hiện Nghị quyết số 105/NQ-CP ngày 09/9/2021 của Chính phủ về hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong bối cảnh dịch Covid-19, Chỉ thị số 08/CT-BCT ngày 25/5/2021 của Bộ Công thương về việc tạo điều kiện trong lưu thông hàng hóa và hỗ trợ tiêu thụ tại thị trường trong nước các sản phẩm nông sản; được sự hỗ trợ, thống nhất của các Bộ, ngành Trung ương, hôm nay UBND tỉnh Hà Tĩnh tổ chức Hội nghị quảng bá thương hiệu, xúc tiến tiêu thụ cam Hà Tĩnh - là sự kiện quan trọng trong chuỗi hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối, quảng bá nông sản tỉnh Hà Tĩnh đến với người tiêu dùng trong cả nước với gần 1.000 đại biểu đến từ các điểm cầu”.
Cam Hà Tĩnh là một trong 15 cây trồng chủ lực của ngành nông nghiệp tỉnh Hà Tĩnh. Trong những năm qua, tỉnh Hà Tĩnh đã triển khai đồng bộ nhiều chính sách, giải pháp để mở rộng diện tích, tăng năng suất bằng ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật... Đồng thời, chú trọng sản xuất sản phẩm sạch, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, ứng dụng các quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn chất lượng, nâng cao năng lực trong sản xuất kinh doanh thông qua việc thành lập các tổ chức sản xuất...
Quả cam được thu hoạch trên địa bàn tại tỉnh Hà Tĩnh có mùi thơm đặc trưng, vị ngọt đậm, quy trình sản xuất được đầu tư thâm canh, đảm bảo kỹ thuật và được chứng nhận đảm bảo an toàn thực phẩm.
Hiện nay, tổng diện tích được sử dụng trồng cam của tỉnh Hà Tĩnh đạt trên 7.900ha, phát triển chủ yếu tại 4 huyện Hương Khê, Vũ Quang, Hương Sơn, Can Lộc; diện tích cây cho quả đạt gần 5.600ha. Trong đó, diện tích đạt tiêu chuẩn VietGAP trên 1.657ha, năng suất đạt trên 11,7 tấn/ha. Tổng sản lượng cam năm 2021 ước đạt trên 65.000 tấn.
Cam chanh trên 6.400ha, trong đó diện tích đạt tiêu chuẩn VietGAP 1.488ha, diện tích cho sản phẩm 4.572ha, năng suất ước đạt 11,1 tấn/ha, sản lượng ước đạt 51.000 tấn. Một số vùng trồng cam chanh đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp văn bằng bảo hộ nhãn hiệu như cam Thượng Lộc, cam Vũ Quang.
Ngoài ra, để góp phần xây dựng và bảo vệ thương hiệu đặc sản cam Khe Mây (huyện Hương Khê), tỉnh Hà Tĩnh quyết định lập dự án xây dựng thương hiệu cam Khe Mây và bảo vệ, quản lý nhãn hiệu này. Cam Bù có diện tích trồng trên 1.500ha; diện tích cho sản phẩm 1.028 ha, diện tích đạt tiêu chuẩn VietGAP 169ha, năng suất ước đạt 14,1 tấn/ha, sản lượng ước đạt trên 14.000 tấn.
Sản phẩm cam bù đã được Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ phê duyệt danh mục các dự án thuộc Chương trình hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ của doanh nghiệp để tuyển chọn thực hiện trong 2 năm 2009 - 2010. Trong đó, có dự án “tạo lập, quản lý và phát triển nhãn hiệu chứng nhận Cam Bù Hương Sơn cho sản phẩm cam quả huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh”. Thông qua dự án, sản phẩm Cam Bù của huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh đã được nhà nước bảo hộ dưới hình thức nhãn hiệu chứng nhận “Cam Bù Hương Sơn”.
Sản phẩm cam của các cơ sở mang đến hội nghị đều được sản xuất theo quy trình tiêu chuẩn VietGAP, có dán tem truy xuất nguồn gốc. |
Bên cạnh hội nghị lần này, còn có 5 khu vực gian hàng trưng bày các thương hiệu cam nổi tiếng của Hà Tĩnh. gồm 4 gian hàng của các huyện Can Lộc, Hương Khê, Vũ Quang, Hương Sơn và 1 gian hàng của Hội Nông dân tỉnh Hà Tĩnh. Mỗi gian hàng có diện tích trưng bày khoảng 20m2, được các chủ cơ sở, địa phương thiết kế trưng bày khá đa dạng, đẹp mắt. Sản phẩm các cơ sở mang đến hội nghị đều được sản xuất theo quy trình tiêu chuẩn VietGAP, có dán tem truy xuất nguồn gốc.
Cũng tại hội nghị, siêu thị Vinmart, Co.opmart Hà Tĩnh, sàn thương mại điện tử Voso.vn, Postmart.vn và các doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh cam đã ký thỏa thuận ghi nhớ, hợp tác tiêu thụ sản phẩm.