Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tin giả, tin đồn và nước mắt doanh nghiệp

Hà Lâm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thời gian qua, thị trường liên tục xuất hiện các tin đồn liên quan đến việc các lãnh đạo DN bị kỷ luật hoặc vướng vào vòng lao lý. Ngay lập tức, các thị trường từ tài chính, tiền tệ, chứng khoán, hàng hóa bị tác động mạnh bởi các thông tin chưa được xác thực đó.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Mới đây, Chủ tịch HĐQT HDBank Kim Byoung-Ho đã phát đi thông báo liên quan đến một số thông tin xuyên tạc trên mạng xã hội. Trong đó, tài khoản giả mạo đã lấy tài khoản Facebook người vi phạm pháp luật để phát tán nội dung bịa đặt. Để bảo vệ thương hiệu trước những thông tin sai sự thật, lãnh đạo của HDBank đã gửi đến cơ quan chức năng kiến nghị làm rõ, ngăn chặn và xử lý nghiêm hành vi đưa tin sai trái, ảnh hưởng DN, thị trường, bảo vệ khách hàng và những nhà đầu tư chân chính.

Đây không phải là lần đầu tiên một DN phải lên tiếng đính chính tin đồn. Cách đó không lâu, lãnh đạo một DN bất động sản phía Nam cũng đã phải lên tiếng trong một bài phỏng vấn về những thông tin vô căn cứ. Nhiều hình ảnh về việc vị lãnh đạo này đi thăm công trường, đến trụ sở công ty được truyền thông một cách chủ động để dập tắt tin đồn.

Tin đồn giả nhưng hậu quả lại rất thật. Đơn cử, trong ngày xuất hiện tin đồn liên quan đến HDBank, cổ phiếu ngân hàng này lao dốc liên tục và rớt chạm sàn 13.800 đồng/cổ phiếu. Nhiều DN “bốc hơi” hàng trăm tỷ đồng vốn hóa, thị trường chứng khoán rực lửa, hàng loạt cổ phiếu nằm sàn, nhà đầu tư đồng loạt yêu cầu rút trái phiếu trước hạn khiến DN chật vật xoay xở dòng tiền.

Trong bối cảnh DN đang nỗ lực phục hồi sau Covid-19, tình hình kinh tế - chính trị thế giới nhiều biến động, ảnh hưởng tiêu cực đến tình hình trong nước, các DN đang phải gồng mình chống chọi với các khó khăn. Tỷ giá, lãi suất, lạm phát tăng… là những áp lực đang đổ dồn, buộc DN phải có các giải pháp ứng phó. Thêm những tin đồn tác động vào lại càng làm DN thêm rối rắm.

Sau lưng DN là hàng nghìn, hàng triệu số phận công nhân, cán bộ, người lao động. Hiện tại, đã có những DN hiện phải cắt giảm gần 50% nhân sự vì tình hình khó khăn. Nhiều DN giảm lương, giảm thu nhập từ lãnh đạo đến người lao động.

Thời gian qua, công cuộc làm sạch, minh bạch thị trường, minh bạch nền kinh tế đang được Đảng và Nhà nước thực hiện quyết liệt. Đó là với những DN không chấp hành pháp luật, lách luật, lừa dối khách hàng, đi ngược với những giá trị mà nhẽ ra DN phải tạo ra. Còn với những DN chân chính, đất nước luôn luôn tạo điều kiện để phát triển và duy trì sản xuất, kinh doanh, đóng góp tích cực cho bảo vệ và phát triển đất nước. Trong ngắn hạn, các động thái mạnh tay đã ít nhiều tác động đến tâm lý nhà đầu tư, tuy nhiên, về dài hạn, một nền thị trường minh bạch sau những chấn chỉnh sẽ là điểm cộng thu hút các nhà đầu tư.

Vậy ứng phó với tin đồn thế nào? Phía cơ quan chức năng đã có các động thái tích cực để tìm ra thủ phạm tung tin đồn và xử phạt nghiêm theo quy định. Về phía nhà đầu tư, cần bình tĩnh để đưa ra những quyết định đầu tư sáng suốt, có những phân tích dựa vào tình hình hoạt động của DN chứ không phải chạy theo tin đồn.

Cần hơn hết là những ứng xử với tin đồn từ chính “người trong cuộc” là bản thân các DN. Hiện, các DN Việt vẫn chưa có sự chuẩn bị mà đang ở thế “chữa bệnh hơn là phòng bệnh”.