Tín hiệu tăng lương làm nhen lên niềm vui cho đội ngũ nhà giáo

Nam Du
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi– Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn của Quốc hội vừa diễn ra, thông tin từ Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà về việc sẽ ưu tiên sắp xếp lương nhà giáo cao nhất trong thang bảng lương hành chính sự nghiệp đã nhen lên niềm vui cho gần 1,6 triệu nhà giáo.

Động lực để giáo viên bám trụ với nghề

Đây không phải là lần đầu tiên vấn đề xếp lương giáo viên được nhắc đến tại nghị trường. Trước đó, ngày 1/11, trong phiên thảo luận về đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, đại biểu Hà Ánh Phượng (đoàn Phú Thọ) đã đề nghị Quốc hội, Chính phủ trong cải cách tiền lương lần này cần quy định lương của giáo viên ở mức cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp và có thêm phụ cấp tùy theo tính chất công việc theo vùng, đúng theo tinh thần Nghị quyết số 29 của Ban chấp hành TƯ Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.

Sẽ ưu tiên sắp xếp lương nhà giáo cao nhất trong thang bảng lương hành chính sự nghiệp để trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định (Ảnh: Cô và trò Trường Mầm non Đa Sỹ, quận Hà Đông)
Sẽ ưu tiên sắp xếp lương nhà giáo cao nhất trong thang bảng lương hành chính sự nghiệp để trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định (Ảnh: Cô và trò Trường Mầm non Đa Sỹ, quận Hà Đông)

Cùng với đó, đại biểu đề xuất phải có giải pháp tăng lương và phụ cấp cho nhân viên trường học để họ yên tâm công tác, cống hiến với nghề, đáp ứng yêu cầu dạy và học trong giai đoạn hiện nay.

Tại Quốc hội ngày 7/11, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết: "Bộ Nội vụ sẽ phối hợp với Bộ GD&ĐT rà soát các quy định về tiền lương, nhất là tiền lương mới, các phụ cấp và dự kiến phụ cấp ưu đãi nghề cao nhất đối với nhà giáo để trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định”. Việc nhất quán quan điểm nêu trên khiến nhiều tâm tư của đội ngũ nhà giáo về vấn đề lương phần nào được vợi bớt.

Nói về thông tin trên, cô giáo Trần Phương, giáo viên Trường Mầm non Tương Mai, quận Hoàng Mai cho biết, cô có trình độ ĐH Sư phạm Mầm non, công tác trong nghề 15 năm và mức lương hiện tại là 6,8 triệu đồng, đây là tổng lương cơ bản, 35% phụ cấp và tiền hỗ trợ bán trú.

“Hàng ngày em ra khỏi nhà từ hơn 6 giờ sáng, và khoảng 6 giờ tối mới về đến nhà, có con nhỏ cũng không thể đưa đón được. Với cuộc sống đô thị, mức lương trên không đủ nuôi 2 con ăn học, chưa nói đến việc không thể chăm lo cho nhà nội, ngoại và các hoạt động khác”, cô Trần Phương chia sẻ.

Theo cô Trần Phương, cái thiệt thòi, vất vả của giáo viên mầm non là thời gian lao động kéo dài, trung bình khoảng 11-12 tiếng/ngày, áp lực và trách nhiệm lại quá lớn nên mức lương như hiện tại chưa thể tương xứng với công sức bỏ ra.

“Có thực mới vực được đạo. Vì lương không đủ sống và tính chất công việc nhiều áp lực, không ít đồng nghiệp của em đã bỏ nghề dù là viên chức. Cũng có giáo viên trẻ mới ra trường chỉ làm 1-2 năm đã chuyển đổi nghề khác. Khi được Quốc hội quan tâm đến lương giáo viên nói chung và lương giáo viên mầm non nói riêng, chúng em rất vui, thấy nhen lên niềm tin để tiếp tục cố gắng, bám trụ với nghề”, cô Phương bộc bạch.

Tiếng nói của toàn ngành

Mong muốn tăng lương, tăng phụ cấp giáo viên cũng là nguyện vọng, là tiếng nói chung của ngành được Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn nhiều lần đề xuất.

Bộ trưởng bày tỏ: “Tôi rất mong muốn đời sống, thu nhập của người thầy được cải thiện; trình độ của người thầy tiếp tục được nâng cao tương ứng với yêu cầu thời đại…”.

Một tiết học của ngành giáo dục quận Ba Đình
Một tiết học của ngành giáo dục quận Ba Đình

Trong khuôn khổ Diễn đàn người lao động năm 2023 do Tổng LĐLĐ Việt Nam và Văn phòng Quốc hội phối hợp tổ chức, tư lệnh ngành GD&ĐT nhìn nhận: Thời gian qua Đảng, Nhà nước đã có nhiều chính sách quan tâm đến lực lượng nhà giáo. Những nhà giáo công tác tại vùng núi, biên giới, hải đảo… còn được thêm một số chính sách ưu đãi khác, như phụ cấp trách nhiệm, tùy theo từng đối tượng.

Tuy nhiên, so với những vất vả, hy sinh của giáo viên công tác tại vùng đặc biệt khó khăn, chính sách cần phải ưu tiên nhiều hơn để động viên họ. Bộ GD&ĐT đang tham mưu Chính phủ thực hiện một số chính sách, như đẩy mạnh kiên cố hóa trường học, trong đó ưu tiên xây nhà công vụ cho giáo viên ở điểm trường, vùng khó khăn.

Bộ GD&ĐT cũng phối hợp với Bộ Nội vụ kiến nghị xem xét nâng phụ cấp ưu đãi với giáo viên mầm non, giáo viên tiểu học. Hai bộ bước đầu thống nhất và đang làm việc các bộ, ngành khác để sớm triển khai trong thời gian tới.

Ngoài ra, Bộ GD&ĐT phối hợp Bộ LĐTB&XH xem xét đưa giáo viên mầm non vào nhóm ngành nghề nặng nhọc, độc hại để có nhiều hơn chính sách ưu tiên dành cho đối tượng này.

Về chất vấn của đại biểu Lý Tiết Hạnh (đoàn Bình Định) về những trăn trở, vướng mắc lớn nhất của đội ngũ giáo viên hiện nay, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết, ngày 15/8/2023, trước thềm năm học mới 2023-2024, Bộ có tổ chức gặp gỡ, trao đổi trực tuyến với hơn 1 triệu giáo viên và đã nhận được hơn 6.300 câu hỏi, ý kiến.

Các ý kiến tại buổi gặp gỡ cho rằng, dù công tác đổi mới giáo dục đang gặp nhiều khó khăn nhưng đây cũng là nhiệm vụ vinh dự, các thầy, cô giáo đều thể hiện quyết tâm vượt qua.

Bên cạnh đó, các nhà giáo cũng bày tỏ tâm tư khi thách thức thì lớn, đời sống và các điều kiện của nhà giáo để thực hiện đổi mới giáo dục còn hạn chế, khó khăn. Các giáo viên mong muốn về phía xã hội, phụ huynh có thêm sự chia sẻ với công việc lớn mà lực lượng giáo viên đang làm, đồng thời, cần có sự cải thiện về mức lương, điều kiện sống.

Nêu ý kiến về vấn về lương giáo viên, Ths Trương Quốc Việt, giảng viên Học viện Hành chính quốc gia cho rằng, Nhà nước cần trả lương cho giáo viên tương xứng với giá trị sức lao động mà họ bỏ ra và phù hợp với sự cạnh tranh của khu vực tư nhân. Hiện thu nhập của giáo viên vẫn rất thấp, trong khi xã hội vận động, phát triển rất nhanh. Nếu không được trả đồng lương và chế độ đãi ngộ xứng đáng, sẽ khó thầy cô nào còn mặn mà với nghề giáo; điều này gây hậu quả lớn cho thế hệ con cháu của chúng ta.