Hạ viện Mỹ thông qua dự luật chặn công ty Trung Quốc
Hạ viện Mỹ thông qua dự luật ngăn một số công ty Trung Quốc niêm yết cổ phiếu trên sàn giao dịch Mỹ nếu không tuân thủ kiểm toán.
Dự luật trách nhiệm cổ phiếu các công ty nước ngoài được Hạ viện thông qua ngày 2/12 cấm các công ty nước ngoài niêm yết chứng khoán trên bất kỳ sàn giao dịch nào của Mỹ nếu không tuân thủ kiểm toán của Ban giám sát Kế toán Công Mỹ 3 năm liên tục.
Dự luật cho các công ty Trung Quốc như Alibaba, công ty công nghệ Pinduoduo Inc. và tập đoàn dầu khí Petro China ba năm để tuân thủ các quy định của Mỹ trước khi bị loại khỏi thị trường, các trợ lý Quốc hội Mỹ hôm 2/12 cho biết.
Dự luật do Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa John Kennedy và Thượng nghị sĩ đảng Dân chủ Chris Van Hollen đề xuất, đã được Thượng viện nhất trí thông qua hồi tháng 5, vì vậy sau khi thông qua Hạ viện, nó sẽ được đưa tới Nhà Trắng để Tổng thống Donald Trump phủ quyết hoặc ký thành luật. Trump dự kiến sẽ ký ban hành luật nếu nó được thông qua, theo một nguồn tin am hiểu vấn đề.
Nga tiêm vaccine Covid-19 diện rộng từ tuần sau
Tổng thống Nga Vladimir Putin yêu cầu giới chức y tế bắt đầu triển khai tiêm vaccine Covid-19 trên diện rộng từ tuần sau, cho biết Nga đã sản xuất khoảng hai triệu liều Sputnik V. "Tôi yêu cầu bà sắp xếp công việc để chúng ta bắt đầu tiêm chủng trên quy mô lớn trước cuối tuần sau", Tổng thống Putin nói với Phó thủ tướng Tatyana Golikova, người đứng đầu nhóm chuyên trách chống Covid-19, trong cuộc họp trực tuyến từ Novo-Ogaryovo hôm nay.
Tổng thống Nga Putin tham gia một buổi lễ bằng hình thức trực tuyến từ Novo-Ogaryovo ngày 2/12. Ảnh: Tass. |
Ông Putin nhấn mạnh giáo viên và nhân viên y tế sẽ là những người đầu tiên được tiêm vaccine. Tiêm chủng được thực hiện theo cơ sở tự nguyện và công dân Nga sẽ được tiêm miễn phí.
Nga là vùng dịch lớn thứ tư thế giới với hơn 2,3 triệu ca nhiễm và hơn 41.000 người chết. Giống nhiều nước châu Âu, ca nhiễm ở Nga gia tăng trong thời gian gần đây nhưng tốc độ lây lan đã chậm lại sau khi đạt đỉnh hôm 27/11. Nga không phong tỏa toàn quốc trong làn sóng Covid-19 thứ hai mà ưu tiên áp hạn chế với từng khu vực tùy theo mức độ rủi ro.
EU nhất trí chưa khởi động đàm phán với Albania và Bắc Macedonia
Theo trang tin Euronews, Đại sứ các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) đã bác khả năng trong tháng 12 này khởi động các cuộc đàm phán với Albania và Bắc Macedonia về vấn đề gia nhập liên minh.
Trong dự thảo kết luận, Ủy ban Đại diện Thường trực (Coreper - gồm các đại sứ của EU) đã nhất trí rằng Albania vẫn chưa sẵn sàng tổ chức hội nghị liên chính phủ đầu tiên với EU, vì vẫn còn nhiều việc phải làm với các điều kiện đặt ra từ tháng 3/2020.
Coreper đánh giá tích cực các cải cách của Albania, nhưng nhấn mạnh rằng cần có nhiều tiến bộ hơn trong việc đáp ứng các điều kiện.
Về Bắc Macedonia, Coreper cho biết ngày tổ chức hội nghị đầu tiên sẽ được ấn định sau khi nước này giải quyết các vấn đề của mình với Bulgaria.
Dự thảo kết luận của các đại sứ EU sẽ được Hội đồng Các vấn đề chung, trong đó có bộ trưởng ngoại giao và các vấn đề châu Âu của các nước thành viên EU, thông qua vào ngày 8/12 tới.
Đức quyết định kéo dài lệnh phong tỏa từng phần
Ngày 2/12, Thủ tướng Đức Angela Merkel thông báo chính phủ liên bang và chính quyền 16 bang nước này đã nhất trí kéo dài các biện pháp phong tỏa từng phần hiện nay đến ngày 10/1/2021 nhằm hạn chế sự lây lan nhanh của dịch Covid-19.
Tỷ lệ lây nhiễm mới ở hầu hết các bang của Đức đều vượt quá mức giới hạn là 50 ca/100.000 dân trong vòng 7 ngày. |
Thủ tướng Merkel nhận định mặc dù đã buộc phải áp đặt trở lại các biện pháp phong tỏa từng phần kể từ đầu tháng 11 vừa qua, song cho đến nay số ca nhiễm mới ở Đức vẫn ở mức cao, đặc biệt số ca tử vong tiếp tục tăng.
Tỷ lệ lây nhiễm mới ở hầu hết các bang của Đức đều vượt quá mức giới hạn là 50 ca/100.000 dân trong vòng 7 ngày. Bà Merkel cho biết trước tình hình trên, bà và các thủ hiến bang đã nhất trí đưa ra quyết định kéo dài lệnh phong tỏa từng phần hiện nay.