Tình báo Mỹ cảnh báo sốc về “đòn” trả đũa từ Nga

Nguyễn Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Truyền thông Mỹ đưa tin Moscow có thể "phá hoại ngầm" các căn cứ của Washington nếu Chính phủ Mỹ cho phép Ukraine sử dụng vũ khí tầm xa tấn công sâu vào lãnh thổ nước Nga.

Hệ thống ATACMS của Mỹ. Ảnh: ublic Affairs
Hệ thống ATACMS của Mỹ. Ảnh: ublic Affairs

Theo đài RT, tờ New York Times (NYT) hôm 26/9 cho biết, các cơ quan tình báo Mỹ cảnh báo rằng Nga có thể trả đũa trực tiếp các đồng minh phương Tây của Ukraine nếu họ cho phép Kiev sử dụng tên lửa tầm xa để tấn công sâu vào bên trong lãnh thổ nước này.

Theo đánh giá tình báo được tờ NYT trích dẫn, các nhà phân tích tin rằng ngay cả khi Ukraine được phép sử dụng tên lửa do phương Tây cung cấp một cách tự do, điều này cũng sẽ không giúp thay đổi tình hình chiến sự hiện tại do số lượng tên lửa hạn chế. 

Hơn nữa, sau các cuộc tấn công ban đầu, Moscow có khả năng sẽ di dời các thiết bị quân sự quan trọng ra khỏi tầm bắn, khiến Kiev khó đạt được bất kỳ mục tiêu quân sự nào. 

Bên cạnh đó, việc Washington “bật đèn xanh” để Kiev sử dụng tên lửa tầm xa tấn công sâu vào lãnh thổ Nga sẽ là một canh bạc có rủi ro cao, vì quyết định này có thể dẫn đến các cuộc tấn công "gây tử vong" vào các tài sản quân sự của Mỹ trên toàn thế giới, theo tờ NYT.

Theo nhận định của giới tình báo Mỹ, các phản ứng tiềm tàng của Nga có thể bao gồm "từ các hành động gia tăng đốt phá, phá hoại nhắm vào các cơ sở ở châu Âu cho đến các cuộc tấn công có khả năng gây tử vong vào các căn cứ quân sự của Mỹ và châu Âu". 

Các quan chức Mỹ lo ngại rằng nếu Moscow quyết định trả đũa, họ có khả năng sẽ thực hiện "bí mật" thay vì thông qua các cuộc tấn công một cách công khai để tránh nguy cơ xảy ra xung đột rộng lớn hơn.

Mỹ và các đồng minh đã cung cấp cho Ukraine 3 hệ thống tên lửa tầm xa: hệ thống pháo phản lực ATACMS do Mỹ sản xuất, Storm Shadows của Anh, và tên lửa SCALP của Pháp. Chính quyền Kiev đã nhiều lần sử dụng các tên lửa này để nhắm vào bán đảo Crimea và các khu vực khác đã sáp nhập vào Nga. 

Chính phủ Ukraine đã kêu gọi Mỹ và các đồng minh dỡ bỏ mọi hạn chế đối với việc sử dụng vũ khí tầm xa để tấn công sâu hơn vào lãnh thổ Nga. Tuy nhiên, phương Tây hiện vẫn “phớt lờ” đề xuất trên của Kiev do e ngại tham gia trực tiếp vào cuộc xung đột với Moscow.

Trước đó, Anh và Pháp nói rằng họ đã chuẩn bị cho phép Ukraine tự do sử dụng tên lửa hành trình tầm xa của họ, nhưng trước tiên phải có sự cho phép của Washington.

Tổng thống Nga Vladimir Putin lập luận rằng động thái như vậy sẽ trực tiếp khiến Mỹ và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) tham gia vào cuộc chiến tranh công khai chống lại Moscow.

Tổng thống Putin phát biểu tại cuộc họp với Hội đồng An ninh quốc gia Nga ngày 25/9. Ảnh: Kremlin
Tổng thống Putin phát biểu tại cuộc họp với Hội đồng An ninh quốc gia Nga ngày 25/9. Ảnh: Kremlin

Tổng thống Nga cũng nhiều lần kêu gọi các thành viên NATO nhận thức được "những gì họ đang chơi đùa", cảnh báo rằng một phản ứng có thể liên quan đến việc trang bị vũ khí chính xác tầm xa cho các đối thủ của phương Tây. 

Ngoài ra, Tổng thống Putin hôm 25/9 đã đề xuất cập nhật học thuyết hạt nhân để xác định rõ ràng các tình huống có thể thúc đẩy Nga tiến hành một cuộc tấn công hạt nhân. Theo đó, Moscow sẽ coi "hành động khiêu khích chống lại Nga của bất kỳ quốc gia phi hạt nhân nào, nhưng có sự tham gia hoặc hỗ trợ của một quốc gia hạt nhân" là một cuộc tấn công chung vào Nga và vượt ngưỡng hạt nhân.

Cũng theo người đứng đầu Điện Kremlin, Nga có thể xem xét sử dụng phản ứng hạt nhân nếu có "thông tin đáng tin cậy" về một cuộc tập kích lớn nhắm vào lãnh thổ Nga hoặc đồng minh thân cận nhất của Moscow là Belarus.

Trong phản ứng mới nhất, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken hôm 26/9 tuyên bố, việc Tổng thống Putin gợi ý sửa đổi học thuyết hạt nhân của Nga là "thiếu trách nhiệm", theo RT.

Trong bài trả lời phỏng vấn đài MSNBC hôm 26/9, Ngoại trưởng Blinken cáo buộc Tổng thống Nga Putin một lần nữa gửi tín hiệu răn đe liên quan đến vũ khí hạt nhân.

Cùng ngày, Điện Kremlin cũng lên tiếng việc ông Putin gợi ý các điều khoản sửa đổi học thuyết hạt nhân. Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết, đề xuất cập nhật học thuyết hạt nhân của ông Putin nhằm mục đích cảnh báo các quốc gia phương Tây về việc ủng hộ các hành động theo thang xung đột của Ukraine nhằm vào Nga hoặc Belarus.

Quan chức Điện Kremlin nhấn mạnh: “Đây là lời cảnh báo rõ ràng cho các quốc gia phương Tây về hậu quả của việc họ tham gia vào một cuộc tấn công vào lãnh thổ Nga bằng nhiều vũ khí khác nhau, kể cả vũ khí thông thường".

Theo ông Peskov, phương Tây có lẽ đã nắm được mức độ nghiêm trọng trong thông báo của ông Putin. Tổng thống Putin chưa nói rõ khi nào những thay đổi đối với học thuyết hạt nhân của Nga sẽ chính thức có hiệu lực.