Tình cảm người già

Phương Cát
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bình thường, chị thấy ông cứ sáng sớm đi tập thể dục về là ngồi vào mâm cơm theo đúng nghĩa của nó, nghĩa là có cơm và đủ các món, rồi uống rượu. Nhưng ngày này, ông chỉ đi tập lúc thật sáng sớm…

Ông đi tập thể dục bằng cách đi bộ mấy vòng bờ hồ về là thay quần áo rồi xuống bếp nấu cháo cho bà ăn, thêm vài món phụ, những món bà thích. Xong xuôi, ông mang cháo vào cho bà lúc cháo còn nóng hổi. Rồi ông tự lọ mọ nấu ăn cho mình.

Thực ra, con trai, con gái, dâu rể trong nhà đông, có thể nhờ chúng được, nhưng ông bảo: “Chúng mày nấu ăn không đúng ý bà. Để tao, không khiến chúng mày”.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Mấy năm nay, ông dù vốn nấu ăn rất giỏi nhưng tự cho mình quyền được bà chăm sóc, nên ngày ba bữa cơm rượu, ông vẫn để bà lo cho mình. Thế nhưng, hôm Tết năm nay, bà bị đột quỵ phải vào viện cấp cứu nên ông quay trở lại chăm sóc bà.

Con cái của ông bà, đứa làm công ty, đứa ra hè phố buôn bán nhỏ, ai cũng bận rộn, nên chúng chỉ tập trung về nhà vào buổi chiều tối là chủ yếu, thời gian còn lại, ông bà tự chăm sóc nhau.

Chị nhìn ông dạo này tất bật hơn, thầm nghĩ: “Bố chồng mình thường ngày đầu trần, ngực áo phanh như thanh niên dạo phố nay khác hẳn”. Khác là ở chỗ, ông ở nhà suốt ngày bên bà.

Khu phố ông bà ở trước đây là một cái làng với ruộng vườn, những con đường nhỏ lầy lội. Ông là chàng trai khỏe mạnh với dáng người cao lớn. Bà người nhỏ nhắn, xinh đẹp. Ông đi bộ đội về thì nhờ cha mẹ đến nhà bà dạm hỏi rồi cưới làm vợ. Ông bà chủ yếu làm vườn và buôn bán nhỏ.

Dần dần khi làng lên phố, nhà ông bà từ vùng ngoại ô dần trở thành trung tâm, đất có giá, ông bà bán bớt đất xây chung cư cho thuê. Ông lúc rượu vào, cao hứng kể: “Hồi tao đi bộ đội về, đẹp trai, hùng dũng, bà mê tao liền. Tao chưa kịp tán thì bà ấy đã đồng ý lấy tao rồi”. Những lúc ấy, bà chỉ biết lườm nguýt ông.

Hai ông bà lấy nhau, dựng tạm căn nhà nhỏ để ở. Họ làm vườn, trồng rau để bán. Sau đó buôn bán lặt vặt. Ông những năm gần đây còn phóng xe máy ra bến xe lấy măng tươi về cho bà bán. Bà bảo: “Ông ấy già hơn 70 rồi mà còn phóng xe vù vù. Nói mãi không được”. Ông giúp bà lấy hàng, còn giúp con cái buôn bán lặt vặt. Bà thì lo việc nhà, quản lý chung cư (thu nhập chính của ông bà) đối nội, đối ngoại cũng khá vất vả.

Tuy nhiên, chị chưa bao giờ thấy ông bà cãi nhau bao giờ, mà hình như ông lại còn có vẻ… sợ bà nữa. Ông bà tranh luận chuyện gì, cuối cùng bà cũng… kết luận.

Có lần, chị nói với chồng: “Anh thấy đấy, ông luôn nhường nhịn bà. Anh thì cứ liệu mà “đàn áp” em nhé”. Anh cười: “Anh giống gen của mẹ chứ không giống của bố nhé”. Nói vậy, anh cũng chưa bao giờ ăn hiếp chị, anh có tính cách hào sảng nhưng hiền lành giống ông.

Những ngày bà ra viện về, ông cũng thỉnh thoảng hơi buồn. Theo chị biết, trước đây, ông rất vô tư lự, không bao giờ lo lắng về sức khỏe của bản thân hay của bà. Ông quan niệm, chuyện đến đâu lo đến đó, đúng bản chất của một nhà nông hiền lành chất phác.

Do bà ốm yếu thích ăn cháo, miến, phở… nhưng thứ mềm, dễ nuốt nên ông tự đi chợ làm món cho bà. Ông nấu ăn như dân chuyên nghiệp, các món đều rất ngon. Bà thường nói: “Lẽ ra ông nhà này mở quán ăn. Ông mà có quán ăn thì đông khách lắm”. Nhà có tiệc, ông thường tự nấu đãi khách.
Lâu nay, sáng sớm ông không còn ngồi mâm, uống rượu nữa. Ông chỉ ăn cơm thôi. Ông bảo: “Tao phải tỉnh táo, không lỡ mẹ chúng mày có chuyện gì thì làm sao xoay xở”.

Ông còn dành thời gian để giúp bà tập đi. Lúc bà khỏe lên một chút, ông động viên bà làm việc vặt như nhặt rau. Ông nói: “Bà làm được thì nhúc nhắc làm, vận động tốt cho sức khỏe. Không làm được, để tôi”. Mấy hôm nay, bà uống thêm thuốc thang, ông lại đi sắc thuốc cho bà. Nhờ ông chăm sóc cho bà chu đáo, sức khỏe bà khá dần lên, nhanh nhẹn hơn, đã bỏ gậy đi được.

Chị vẫn nói với chồng mình: “Anh thấy đấy. Ông ít khi lên tiếng dạy con cháu phải làm thế này, làm thế kia. Nhưng ông là tấm gương cho con cháu học. Gia đình nhỏ của mình lấy ông bà làm gương mà đối xử nhau nhé”.

Đọc tiếp

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần