Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tính chất vượt trội

Trần Hà
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Các vấn đề có ý nghĩa hết sức quan trọng, quyết định đến sự phát triển của Thủ đô Hà Nội không chỉ trong nhiệm kỳ này mà cho nhiều năm tiếp theo vừa được đưa ra thảo luận tại Hội nghị lần thứ 7 Ban chấp hành Đảng bộ TP.

Đây là các nội dung có gắn kết với nhau và nhận được nhiều sự quan tâm của người dân, bởi không chỉ giải quyết vấn đề thể chế, mà còn mang tính định hướng cho những mục tiêu phát triển xa hơn của TP.

Việc nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung quy định trong Luật Thủ đô, tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TƯ của Bộ Chính trị và đề xuất mộ Nghị quyết mới về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô hay điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội là những nội dung đang được TP tập trung thực hiện. Nhiều công việc liên quan đến đánh giá tác động, tổng kết thực tiễn, tạo đàm tham luận… đã được tiến hành, với mong muốn đánh giá rõ những kết quả, hạn chế và đề xuất những định hướng mới. Qua đó, tháo gỡ vướng mắc, điểm nghẽn, tạo khuôn khổ pháp lý, định hướng phù hợp giúp Thủ đô phát huy tiềm năng, thế mạnh, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực để phát triển; xứng đáng với vị trí, vai trò Thủ đô.

Những nội dung này tiếp tục được Hội nghị Ban chấp hành Đảng bộ TP lần này tiến hành thảo luận sâu, với sự tâm huyết và trách nhiệm. Qua những nội dung được đưa ra cho thấy nhiều định hướng lớn được đề xuất sửa đổi, bổ sung và nhận được sự đồng tình. Ví như trong phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, với 5 quan điểm chỉ đạo, qua đó xác định rõ việc phát huy vai trò của Thủ đô thực sự là nơi hội tụ các nguồn lực, là động lực dẫn dắt, đi đầu trong phát triển kinh tế - xã hội, tạo hiệu ứng lan tỏa, liên kết vùng và cả nước. Cùng với đó là đổi mới mạnh mẽ tư duy và phương thức quản trị, vận hành thành phố thông minh, hiện đại phù hợp với xu thế phát triển kinh tế số.

Để làm được điều này, việc hoàn thiện Luật Thủ đô và các thể chế, cơ chế, chính sách có tính chất đặc thù, vượt trội, phù hợp với vị trí, vai trò đặc biệt và tiềm năng, thế mạnh của Hà Nội lại đóng vai trò quan trọng để tạo động lực, nguồn lực phát triển triển tương xứng với tiềm năng, thế mạnh vốn có. Với quy hoạch chung xây dựng Thủ đô, 5 mục tiêu; 8 quan điểm; 8 định hướng chính và 3 nhóm giải pháp trọng tâm đã được đưa ra với những bước nghiên cứu và định lượng cụ thể.

Từ thực tiễn có thể thấy, chính việc đánh giá kỹ về những gì đã làm được, còn hạn chế, đưa ra được những vấn đề có tính đột phá, vượt trội về cơ chế, chính sách, về phân cấp, ủy quyền cho Hà Nội có ý nghĩa rất lớn. Trong đó quan điểm được đồng tình là cần lấy chính người dân làm trung tâm, chất lượng sống làm cơ bản, giúp Hà Nội phát triển toàn diện.

Luật Thủ đô (sửa đổi), một Nghị quyết mới về định hướng phát triển hay điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đều là những văn bản pháp lý đặc biệt quan trọng, có ý nghĩa lịch sử to lớn đối với sự phát triển của Hà Nội. Đúng như lãnh đạo T.Ư và TP đã nhận định, việc làm rõ đặc trưng, tiềm năng, thế mạnh của Thủ đô để thiết kế các cơ chế chính sách đặc thù vượt trội, các định hướng lâu dài và khả thi là rất cần thiết. Tầm nhìn bao quát, tính dài hạn cũng được đề cập tới, bởi không chỉ giải quyết những vấn đề trước mắt của TP mà còn là sự phát triển trong mối quan hệ chung của vùng, cả nước. Với những bước đi chắc chắn, việc bàn thảo kỹ các nội dung này, đưa ra được các quy định phù hợp, khả thi, sẽ là cơ hội để Hà Nội tiếp tục các mục tiêu phát triển nhanh và bền vững.