Tỉnh Điện Biên: hiệu quả từ chuyển đổi cây trồng sang cây ăn quả theo hướng bền vững
Kinhtedothi - Phát triển cây trồng theo hướng bền vững đang trở thành hướng đi hiệu quả tại tỉnh Điện Biên, giúp chuyển đổi cơ cấu cây trồng, bảo vệ môi trường và tạo thêm sinh kế bền vững cho người dân.
Chuyển đổi tư duy trồng trọt, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất
Trung tâm Khuyến nông - Giống cây trồng, vật nuôi tỉnh Điện Biên triển khai mô hình trồng thanh long ruột đỏ từ năm 2018. Đây là mô hình chuyển giao ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, quy hoạch cây trồng theo vùng, mỗi vùng một sản phẩm đặc trưng, đồng thời đưa giống mới có năng suất, chất lượng cao vào cơ cấu sản xuất phù hợp điều kiện khí hậu của địa phương.

Bên cạnh việc nâng cao hiệu quả kinh tế theo hướng sản xuất hàng hóa, mô hình còn góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế cho các hộ trồng thanh long theo hướng bền vững; tạo ra nguồn giống tại chỗ để bà con mở rộng diện tích với chi phí thấp. Ngoài ra, mô hình góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nâng cao giá trị sản xuất trên 1ha canh tác, phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững.
Gia đình ông Nguyễn Thế Vịnh, đội 8, phường Mường Thanh là một trong 8 hộ tham gia mô hình từ năm 2018, với diện tích 3.000m² và 300 trụ thanh long ruột đỏ. Ông Vịnh chia sẻ, giống được Trung tâm hỗ trợ có chất lượng và mẫu mã đẹp hơn hẳn các giống cũ. Đến nay, gia đình ông trồng được 5 giống thanh long khác nhau, mỗi năm thu hoạch liên tục trong 5-6 tháng.
Hiệu quả từ mô hình cho thấy, trung bình người dân có thể thu hoạch 6-7 lứa/năm, với giá bán dao động từ 10.000-20.000 đồng/kg. Sau 7 năm triển khai, phường Mường Thanh đã phát triển trên 10ha thanh long, góp phần tăng thu nhập, nâng cao nhận thức về tái cơ cấu cây trồng, xây dựng nông thôn mới bền vững tại địa phương.
Năm 2023, ông Vừ A Của, bản Huổi Lanh, xã Mường Toong đã tiên phong chuyển đổi 1ha đất nương sang trồng quế. Những ngày đầu không tránh khỏi khó khăn nhưng ông luôn nhận được sự đồng hành sát sao từ cán bộ khuyến nông xã về kỹ thuật trồng, chăm sóc. Đặc biệt, trong thời gian cây quế chưa khép tán, ông được tư vấn trồng xen ngô để tận dụng diện tích và tăng thu nhập.
“Hiện nay, vườn quế đã phát triển xanh tốt. Năm 2025, thấy xã triển khai dự án trồng cà phê, tôi tiếp tục chuyển đổi thêm 0,5ha nương sang trồng cà phê” - ông Của cho biết.
Ngoài ra, ông Của còn tích cực vận động bà con trong bản cùng chuyển đổi cây trồng. Nhờ đó, chỉ trong hai năm 2024 - 2025, bản Huổi Lanh đã có trên 13ha quế, mở ra hướng phát triển kinh tế mới cho người dân nơi đây.
Tại xã Pu Nhi, nơi từng có diện tích lớn đất nương trồng ngô, sắn kém hiệu quả – chính quyền địa phương đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân chuyển đổi sang trồng cây ăn quả lâu năm. Hiện tại, diện tích các loại cây như lê, mận, đào, mắc cọp… đang ngày càng mở rộng.
Gia đình anh Hạng A Tủa, bản Háng Trợ, xã Pu Nhi là một trong những hộ tích cực chuyển đổi. Với diện tích 3.000m², gia đình anh đã trồng gần 300 gốc lê vàng trên đất nương cũ. Anh Hạng A Tủa kỳ vọng: “Nếu thời tiết thuận lợi, đến năm 2026 nhiều cây sẽ bắt đầu cho bói quả.”
Từng bước hình thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung
Tại nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh, những nương ngô, nương sắn kém hiệu quả từng chiếm phần lớn diện tích đất dốc đang dần được thay thế bằng các loại cây ăn quả như lê vàng, mận hậu, đào, mắc cọp... Đây là kết quả của quá trình tuyên truyền, hỗ trợ kỹ thuật và giống cây trồng từ cấp ủy, chính quyền các cấp.
Theo ông Nguyễn Đình Minh, Phó Chủ tịch UBND xã Pu Nhi, những năm qua, xã đã phối hợp thực hiện nhiều chương trình liên kết, triển khai trồng, mở rộng diện tích cây công nghiệp, cây ăn quả... Theo đánh giá sơ bộ, diện tích cây ăn quả lâu năm phát triển tốt, ít sâu bệnh, phù hợp với điều kiện thực tế tại địa phương. Đến nay, xã Pu Nhi đã có hơn 40ha trồng lê vàng, chủ yếu tiêu thụ tại chợ phiên địa phương hoặc chợ truyền thống TP Điện Biên Phủ cũ.
Cùng với việc chuyển đổi cây trồng, việc ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất đã giúp nâng cao năng suất, chất lượng cây trồng vật nuôi, hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, tạo đà xây dựng thương hiệu cho nông sản địa phương.
Hiện toàn tỉnh Điện Biên có 9 đơn vị sản xuất nông sản đạt tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ; 4 cơ sở chế biến, kinh doanh được cấp chứng nhận HACCP; 16 vùng trồng được cấp mã số vùng trồng nội địa, với tổng diện tích 75,6ha; 104 sản phẩm OCOP đạt chất lượng.
Từ những mô hình thực tiễn, Điện Biên đang dần hình thành những vùng cây trồng có chất lượng, từng bước khẳng định vị thế nông sản địa phương trên thị trường. Chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng bền vững không chỉ là giải pháp trước mắt, mà còn là chiến lược lâu dài để nâng cao đời sống nông dân và phát triển nông nghiệp xanh, hiện đại, hiệu quả.

Tỉnh Điện Biên quyết liệt chống hàng giả, buôn lậu
Kinhtedothi - Trước diễn biến phức tạp của tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, các lực lượng chức năng tỉnh Điện Biên đang tăng cường các biện pháp kiểm tra, kiểm soát thị trường, xử lý nghiêm vi phạm nhằm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, góp phần bình ổn giá cả và đảm bảo môi trường kinh doanh lành mạnh.

Điện Biên: tôn vinh người hiến máu tiêu biểu
Kinhtedothi - Ngày 9/7, Ban Chỉ đạo vận động hiến máu tình nguyện tỉnh Điện Biên tổ chức chương trình Hành trình đỏ lần thứ XIII, năm 2025 và Lễ tôn vinh người hiến máu tiêu biểu.

Điện Biên: tổng sản phẩm 6 tháng đầu năm tăng 8,62% so với cùng kỳ
Kinhtedothi - Ngày 8/7, Hội nghị lần thứ 26, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Điện Biên khóa XIV, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã diễn ra với nhiều nội dung quan trọng. Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp và trực tuyến tới 45 điểm cầu đảng ủy các xã, phường trên địa bàn tỉnh.