Tinh giản biên chế: Không đơn giản là “tính số lượng cho đủ”

Hà Bình
Chia sẻ Zalo

Những bất cập trong tổ chức bộ máy, phân công nhiệm vụ dẫn đến tình trạng đông nhưng không mạnh. Trong khi đó, việc thực hiện Nghị quyết 39-NQ/TW ở một số địa phương, đơn vị còn lúng túng, nhất là phương pháp tinh giản biên chế (TGBC).

Đó là những vấn đề được chỉ ra qua đợt giám sát vừa qua của Ban Pháp chế HĐND TP Hà Nội.
Chồng chéo trong quản lý
Qua giám sát thực tế cho thấy, các quận, huyện, sở, ngành đã nghiêm túc thực hiện các quy định của pháp luật về quản lý biên chế công chức, viên chức (CC, VC) và lao động hợp đồng; bố trí sắp xếp cán bộ CC (CBCC) ngày một phù hợp so với yêu cầu của nhiệm vụ và trình độ đào tạo... Những bất cập, chồng chéo chức năng giữa các bộ phận đơn vị liên quan đến lĩnh vực văn hóa, thể thao, y tế, quản lý trật tự xây dựng… cũng là vấn đề được nhiều đơn vị băn khoăn. Như lãnh đạo huyện Chương Mỹ dẫn chứng: “Về lĩnh vực đất đai, Ban Bồi thường GPMB, Trung tâm Phát triển quỹ đất chồng chéo nhiệm vụ lẫn nhau. Trong lĩnh vực y tế, tại cấp quận, huyện có tới 3 đơn vị là phòng y tế, trung tâm y tế dự phòng, trung tâm dân số kế hoạch hóa gia đình thực hiện nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe cho Nhân dân, trong khi đó việc phân cấp vẫn chưa triệt để…”. Đồng thời, một số địa phương hiện còn tồn tại ban quản lý chợ với trung bình từ 18 - 25 biên chế, cho dù đây là đơn vị sự nghiệp có thu...

Cán bộ làm việc tại Bộ phận một cửa UBND quận Hoàn Kiếm. Ảnh: Chiến Công

Chính việc chồng chéo nhiệm vụ đã dẫn tới tình trạng người thực hiện công việc ở quận, huyện trên thực tế thì rất đông, nhưng hiệu quả công việc chưa cao. Trước thực trạng trên, các quận, huyện được giám sát đều kiến nghị TP cần xem xét, thu gọn đầu mối và phân cấp triệt để, nhằm phát huy hiệu quả trong giải quyết công việc ở từng lĩnh vực.
Ngoài ra, theo Chủ tịch UBND quận Long Biên Vũ Thu Hà, trên địa bàn quận đang có sự bất cập khi khối lượng công việc rất nhiều, yêu cầu đòi hỏi ngày càng cao, nhưng CBCC, VC định biên chưa phù hợp, vì vậy khó khăn trong quá trình tổ chức thực hiện. Đồng thời, mặc dù có rất nhiều bộ phận thừa cán bộ, nhưng, trên thực tế có không ít bộ phận vẫn không đủ cán bộ để bảo đảm yêu cầu công việc đề ra…
Không thể chỉ tinh giản dựa vào về hưu
Thu gọn đầu mối, giảm bớt khâu trung gian, quản lý đa ngành, đa lĩnh vực và tăng dần tự chủ kinh phí… là hướng sắp xếp bộ máy được Sở Nội vụ tham mưu cho UBND TP thực hiện nhằm giảm biên chế, nhưng vẫn bảo đảm hiệu quả hoạt động. Đến nay, TP đã sắp xếp, kiện toàn cơ cấu tổ chức cả 22 sở, cơ quan ngang sở, giảm 46 phòng ban, 26 Trưởng phòng, 116 Phó Trưởng phòng. Theo Giám đốc Sở Nội vụ Trần Huy Sáng, số đầu mối cơ quan hành chính sắp xếp đơn giản hơn với đơn vị sự nghiệp công lập. Bởi số đơn vị sự nghiệp công lập của TP hiện có tới 401 đầu mối đang được Sở tham mưu sắp xếp xuống còn 280 đơn vị (giảm 121 đầu mối). Đây là một cuộc "đại cách mạng" trong sắp xếp bộ máy ở Hà Nội, vì liên quan đến con người nên các bước thực hiện phải kỹ lưỡng, chu đáo, thận trọng.
“Nếu không tinh giản được bộ máy sẽ không giảm được con người”, đó cũng là vấn đề được đoàn giám sát liên tục nhắc đến trong cuộc làm việc với các quận, huyện. Tuy nhiên, thực tế tại cơ sở, dù rất tích cực và quyết tâm trong thực hiện, nhưng vẫn lúng túng trong xác định, xây dựng đề án vị trí việc làm. Tinh giản theo sàng lọc năng lực, trách nhiệm hoàn thành nhiệm vụ từng tháng, quý rất ít, mà chỉ tính đến việc tinh giản đối tượng nghỉ hưu. Như tại quận Hà Đông, năm 2015, quận giảm 8 trường hợp đều là các trường hợp không đủ tuổi tái cử cấp ủy và sức khỏe không đáp ứng được yêu cầu; chưa có trường hợp giảm nào nằm trong bình xét hàng năm. Theo số liệu tính toán của quận, đến năm 2021, quận cần giảm 14 CC, 12 VC so với số lượng hiện nay. Chỉ với số lượng người về hưu từ nay đến năm 2021, quận hoàn toàn đảm bảo được yêu cầu giảm 10% và còn được tuyển mới thêm một số CC (theo quy định tuyển tối đa 50% số biên chế tinh giản).
Đây cũng là hạn chế trong thực tế triển khai tại các quận, huyện được đoàn giám sát liên tục nhắc nhở. Theo Trưởng ban Pháp chế Nguyễn Hoài Nam: “Dù số về hưu đã đáp ứng được tỷ lệ 10%, nhưng không chỉ tinh giản dựa vào về hưu, vẫn cần phải rà soát, để tinh giản các trường hợp không đáp ứng được yêu cầu, tuyển số lượng CC, VC có chất lượng, tinh thông công việc. Việc TGBC liên quan đến con người, cần phải có lộ trình thực hiện và phải minh bạch. Trong đó, việc đánh giá năng lực cá nhân theo từng tháng sẽ khắc phục được tình trạng cào bằng trong đánh giá, xếp loại. Đó là một yêu cầu quan trọng cần lưu ý”.
Quyết tâm giảm biên chế, nhiều đơn vị đã vận động CBCC, người lao động tự nguyện nghỉ theo Khoản 1 - Điều 6, Nghị định 108/2014/NĐ-CP của Chính phủ. Nhưng như Phó Giám đốc Sở Nội vụ Nguyễn Ngọc Việt lý giải, tiêu chí áp dụng còn chặt chẽ nên toàn TP mới thực hiện được 3 đợt với 151 trường hợp. Cũng bởi Nghị định quy định chặt chẽ, nhiều quận, huyện không áp dụng được chính sách tinh giản này và đã kiến nghị với các bộ, ngành nới rộng đối tượng “CB, CC, VC, lao động hợp đồng theo Nghị định 68 có đủ năm công tác theo quy định của Luật BHXH  và đủ 50 tuổi trở lên (đối với nữ) hoặc đủ 55 tuổi trở lên (đối với nam) có nhu cầu TGBC theo Nghị định 108 thì được xem xét giải quyết”.
Qua giám sát, Ban Pháp chế HĐND TP Hà Nội cũng cho rằng, các địa phương cần có những phương án tinh giản tổ chức bộ máy theo phương châm “giảm gọn, đồng bộ, đa ngành kiêm nhiệm và giảm thiểu đầu mối các công việc”. Đồng thời, các đơn vị cần sớm thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm đối với các đơn vị sự nghiệp của quận, huyện; từng bước xã hội hóa các dịch vụ công để có thể giảm số người nhưng vẫn tăng về chất lượng công việc.