Tinh gọn bộ máy: Hiệu quả từ cách làm đồng bộ

Trần Hà
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo nhận định được đưa ra tại cuộc tổng kết công tác tổ chức xây dựng Đảng năm 2019, triển khai nhiệm vụ năm 2020 vừa qua, việc đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị theo tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW gắn chặt với việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW, ngày 17/4/2015 của Bộ Chính trị khóa XI về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, qua 2 năm thực hiện, Nghị quyết đã đem lại những kết quả rất tích cực.

Việc đổi mới tổ chức lại bộ máy, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội đã có thu nhập, đời sống người lao động được nâng lên rõ rệt. Ảnh: Thanh Hải
Nhiều kết quả rõ nét
Thống kê của ngành tổ chức xây dựng Đảng cũng cho thấy, hiện trên cả nước đã giảm 4 đầu mối trực thuộc T.Ư, hàng trăm đầu mối trực thuộc cấp tỉnh, gần 500 đầu mối trực thuộc cấp huyện; 7 tổng cục và tương đương; 81 cục, vụ và tương đương; 73 đơn vị sự nghiệp ở T.Ư; hơn 2.600 phòng và tương đương; gần 2.000 đội thuộc chi cục; hơn 4.160 đơn vị sự nghiệp công lập; hơn 2.200 đầu mối trong các đơn vị sự nghiệp công lập; giảm hơn 15.000 lãnh đạo cấp trưởng, cấp phó các cấp so với năm 2017... Việc tinh giản biên chế trong 2 năm gần đây, nhất là năm 2019 đạt kết quả rõ nét. Cụ thể, đã giảm được hơn 236.000 công chức, viên chức, tương đương 6,58% so với năm 2015…
Tại Hà Nội, qua kiện toàn, sắp xếp đã giảm 5/17 ban chỉ đạo do Ban Thường vụ Thành ủy thành lập, giảm 74/102 ban chỉ đạo thuộc UBND TP. Sắp xếp các phòng ban chuyên môn thuộc các sở, ngành, giảm từ 204 phòng xuống 159 phòng, giảm 26 trưởng phòng, 116 phó trưởng phòng. TP đã sắp xếp 5 Ban Quản lý dự án từ 26 Ban: giảm 73/108 phòng (67,6%), 177/308 lãnh đạo trưởng phó đơn vị và trưởng phó phòng (57,5%), giảm 143/839 biên chế và giảm được 7/23 trụ sở làm việc (30,4%).
Hiệu quả thực tiễn
Trong năm 2019, Thành ủy Hà Nội tiếp tục chỉ đạo rà soát chức năng, nhiệm vụ; sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy các ban Đảng, Văn phòng Thành ủy và trường Đào tạo cán bộ Lê Hồng Phong; hoàn thành việc sắp xếp tổ chức bộ máy Ban Bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ TP... Sau sắp xếp, chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan, tổ chức Đảng được quy định rõ ràng, khoa học hơn, phù hợp với thực tiễn, tránh chồng chéo, bỏ sót nhiệm vụ; chất lượng, hiệu quả công việc từng bước được nâng lên. Cùng với đó, việc đổi mới, hoàn thiện mô hình tổ chức Đảng trong các DN Nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW cũng được đặc biệt chú trọng. Đến nay, đã giảm 10 đơn vị sự nghiệp trực thuộc Thành ủy và các đoàn thể chính trị xã hội TP; giảm 130 đơn vị sự nghiệp trực thuộc sở; giảm 110 đơn vị sự nghiệp trực thuộc UBND cấp huyện. Kiện toàn, sắp xếp lại tổ chức bộ máy, đẩy mạnh sang tự chủ đã góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập; tinh thần trách nhiệm, thái độ phục vụ, chất lượng dịch vụ, sự hài lòng của Nhân dân được nâng lên; thu nhập, đời sống của đội ngũ cán bộ, viên chức, nhân viên ngày càng tốt hơn; nổi bật là khối y tế của TP.
Thực tiễn cũng cho thấy, với nguyên tắc rất rõ ràng, phân công đúng vị trí việc làm; cán bộ lãnh đạo sau sắp xếp không còn giữ nguyên chức vụ sẽ được bảo lưu phụ cấp chức vụ lãnh đạo và ưu tiên xem xét bổ nhiệm khi có điều kiện, vị trí thích hợp, sau thời gian sắp xếp lại, từ TP đến cấp cơ sở hầu như không nhận được đơn thư khiếu nại. Đáng mừng, thu nhập ở nhiều cơ quan dần khởi sắc, đời sống người lao động được nâng lên. Đây chính là cái đích của công tác sắp xếp. Điều này thấy rõ ở khối y tế, như Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, Bệnh viện Tim Hà Nội, một số trung tâm y tế…
Năm 2020, ngành tổ chức xây dựng Đảng toàn quốc cũng như Hà Nội xác định, tiếp tục tinh giản biên chế gắn với cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong hệ thống chính trị phù hợp với tình hình thực tế, khắc phục cho được khuynh hướng thụ động, trông chờ hoặc chủ quan, nóng vội. Cùng với đó tiếp tục thu gọn đầu mối, giảm cấp trung gian; giảm tỷ lệ người phục vụ; cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động. Trong quá trình thực hiện, làm tốt công tác tư tưởng, giải quyết chế độ, chính sách đối với các đối tượng chịu tác động trực tiếp bởi việc sắp xếp lại tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế. Việc xây dựng hệ thống danh mục, bản mô tả vị trí việc làm cán bộ, công chức, viên chức tiến tới trả lương cán bộ, công chức, viên chức theo vị trí việc làm vào năm 2021 cũng được nhấn mạnh.