80 năm cách mạng tháng 8 và Quốc Khánh
Logo
Đăng ký ấn phẩm|Đăng nhập

Tình hình thuốc giả, thực phẩm giả tại TP Hồ Chí Minh còn nhiều phức tạp

Kinhtedothi - Phát biểu tại buổi làm việc với Ủy ban Văn hóa và Xã hội của Quốc hội, BS Nguyễn Hoài Nam, Phó Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cho biết, tình hình sản xuất và kinh doanh hàng giả trên địa bàn TP hiện nay rất phức tạp với nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi.

Ngày 22/7, Ủy ban Văn hóa và Xã hội của Quốc hội có buổi khảo sát về việc thực hiện chính sách pháp luật về phòng, chống thuốc giả, thực phẩm giả tại TP Hồ Chí Minh.

Đoàn công tác do Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội của Quốc hội Nguyễn Hoàng Mai làm Trưởng đoàn. Tham dự buổi làm việc có Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Dũng cùng đại diện Sở Y tế và các sở, ngành liên quan.

BS Nguyễn Hoài Nam - Phó Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh báo cáo tại buổi khảo sát.  Ảnh: CTV

Báo cáo tại buổi làm việc, BS Nguyễn Hoài Nam nhận định, tình hình sản xuất và kinh doanh hàng giả hiện nay rất phức tạp với nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi. Trong đó, các đối tượng sản xuất thuốc giả bố trí cùng lúc tại nhiều địa điểm, sử dụng mạng xã hội hoặc ứng dụng giao hàng tận nhà để mua/bán nhằm che giấu địa điểm. Đặc biệt, điểm sản xuất thường đặt tại các khu vực nhà không số, hoặc núp bóng dưới hoạt động sản xuất của các công ty bình phong.

Các đối tượng thường tập trung vào những mặt hàng có giá trị cao, không sản xuất với số lượng lớn mà xé lẻ hoặc sản xuất đến đâu tiêu thụ đến đó, không cho người đặt hàng đến nơi sản xuất để lấy hàng nhằm tránh bị phát hiện.

Trước đây, hàng giả lưu thông trên thị trường đa số là sản phẩm làm giả bao bì, tem nhãn mạo danh, tập trung vào những mặt hàng có sức tiêu thụ lớn, các thương hiệu lớn trên thị trường. Tuy nhiên, hiện nay một số cơ sở sản xuất hàng giả tự tạo mẫu sản phẩm không được cấp giấy đăng ký lưu hành, tự đặt tên cơ sở sản xuất, in số đăng ký hoặc số công bố sản phẩm giả, sử dụng mã vạch, mã QR giả, tem chứng nhận sản phẩm giả để đánh lừa cơ sở bán lẻ và người tiêu dùng.

Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết, trong thời gian vừa qua, TP Hồ Chí Minh cũng đã triển khai nhiều giải pháp quyết liệt nhằm kiểm soát chặt chẽ chất lượng thuốc, ngăn chặn tình trạng thuốc giả, thực phẩm giả, thuốc kém chất lượng lưu hành trên thị trường. Như tổ chức nhiều đợt ra quân đấu tranh phòng, chống tội phạm về sản xuất kinh doanh hàng gian, hàng giả trên nhiều lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực thuốc, dược liệu, mỹ phẩm, thiết bị y tế, thực phẩm, thực phẩm chức năng.

Hàng nghìn hộp thuốc và thực phẩm chức năng bị đổ bỏ ở bãi đất trống ở huyện Bình Chánh (cũ) hồi đầu tháng 6.

Kết quả, Công an TP Hồ Chí Minh đã phát hiện và xử lý 9 vụ vi phạm pháp luật về lĩnh vực y tế.

Trong đó có những vụ việc lớn như đã triệt phá đường dây sản xuất buôn bán thuốc chữa bệnh giả thu giữ 1.164 thùng thuốc thành phẩm và nguyên liệu, gần 1.600 kg bột nguyên liệu không rõ nguồn gốc, xuất xứ, hàng trăm kg bao bì, nhãn hiệu, vỏ hộp thuốc cùng toàn bộ dây chuyền, máy móc.

Ngày 19/1/2024, Phòng Cảnh sát kinh tế, Công an TP Hồ Chí Minh phối hợp Phòng Cảnh sát kinh tế - Công an tỉnh Bình Dương (cũ) tiến hành kiểm tra, trực tiếp bắt quả tang 1 cơ sở sản xuất sữa giả tại TP Dĩ An, tỉnh Bình Dương (cũ). Tổng trị giá sản phẩm làm giả khoảng 14,5 tỷ đồng, các đối tượng đã tổ chức sản xuất và buôn bán sữa giả các nhãn hiệu của Công ty Abbott, gồm: Ensure, Ensure Gold, Glucerna….

Cũng theo lãnh đạo Sở Y tế, hiện nay TP Hồ Chí Minh là một trong những đầu mối phân phối thuốc cho các khu vực trên cả nước với 42 nhà máy sản xuất thuốc; 1.531 cơ sở bán buôn thuốc, nguyên liệu làm thuốc; 8.454 cơ sở bán lẻ thuốc; 647 cơ sở chuyên bán lẻ dược liệu, thuốc cổ truyền, thuốc dược liệu.

Trên lĩnh vực thực phẩm, TP Hồ Chí Minh hiện có 2.832 cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm; 13.747 cơ sở kinh doanh thực phẩm; 132 bếp ăn tập thể; 66 cơ sở chế biến suất ăn sẵn; 55 cơ sở bếp ăn trường học; 14.640 cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố; 3 chợ đầu mối và 229 chợ dân sinh; 52 trung tâm thương mại, 271 siêu thị; 3.200 cửa hàng tiện lợi.

Đọc nhiều
HỎI ĐÁP THÔNG MINH

CẢM NHẬN CỦA BẠN VỀ BÀI VIẾT NÀY

  • Rất hay
  • Thích
  • Giải trí
  • Cần cải thiện

BÌNH LUẬN (0)

Đừng bỏ lỡ
Tiềm ẩn nguy cơ phát sinh dịch bệnh mùa mưa bão

Tiềm ẩn nguy cơ phát sinh dịch bệnh mùa mưa bão

23 Jul, 07:28 AM

Kinhtedothi - Mưa bão, ngập lụt không chỉ gây thiệt hại về người và tài sản, mà còn khiến môi trường bị ô nhiễm, tiềm ẩn nguy cơ phát sinh dịch bệnh gây ảnh hưởng đến sức khỏe người dân. Để phòng tránh bệnh thường gặp mùa mưa bão, người dân cần tuân thủ các nguyên tắc vệ sinh, ăn uống hợp lý, đảm bảo môi trường sống sạch sẽ.

Siết chặt quản lý phòng khám tư nhân: không để lọt lưới vi phạm y tế

Siết chặt quản lý phòng khám tư nhân: không để lọt lưới vi phạm y tế

22 Jul, 12:09 PM

Kinhtedothi - Trước thực trạng một số phòng khám tư nhân hoạt động không tuân thủ quy định pháp luật, tiềm ẩn nguy cơ đe dọa sức khỏe nhân dân, Sở Y tế Đà Nẵng đã ban hành văn bản chấn chỉnh toàn diện hoạt động hành nghề khám bệnh, chữa bệnh (KBCB) trên địa bàn. Văn bản do ông Mai Văn Mười - Phó Giám đốc Sở Y tế ký, thể hiện rõ tinh thần chủ động, kiên quyết lập lại kỷ cương trong lĩnh vực y tế tư nhân.

Đưa cơ sở 2 Bệnh viện Bạch Mai, Việt Đức vào sử dụng trước 30/11

Đưa cơ sở 2 Bệnh viện Bạch Mai, Việt Đức vào sử dụng trước 30/11

21 Jul, 10:49 PM

Kinhtedothi - Văn phòng Chính phủ vừa có Thông báo số 378/TB-VPCP kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long tại chuyến thăm, kiểm tra công trình Dự án đầu tư xây dựng Cơ sở 2 Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức và Dự án đầu tư xây dựng Cơ sở 2 Bệnh viện Bạch Mai tại Ninh Bình.

Tin mới
VIDEO
Tin Tài Trợ