Những ý tưởng táo bạo
Không còn quá xa lạ đối với sinh viên Đại học GTVT, cuộc thi "Kỹ sư cầu đường tương lai lần thứ 3" đã đổi mới về quy mô tổ chức với việc mời thêm các trường Đại học Kiến trúc, Xây dựng, Đông Đô... tham dự.
Thanh niên tình nguyện trường Đại học Mỹ thuật Hà Nội tham gia giữ gìn trật tự giao thông.Ảnh: Hải Linh
TS Trần Thế Truyền, giảng viên bộ môn Cầu hầm, Trưởng ban tổ chức chia sẻ: Hai lần thi trước chỉ tổ chức trong khoa giữa các lớp với nhau. Tuy nhiên, lần thi này đã mở rộng với việc thu hút được 70 đội đến từ các trường đại học cùng tham gia đóng góp ý tưởng giảm UTGT cho Thủ đô Hà Nội nói riêng và các TP lớn nói chung. Với chủ đề "Thiết kế nút giao thông - Giải tỏa ùn tắc cho giao thông Hà Nội", cuộc thi thực sự là sân chơi bổ ích cho sinh viên với nhiều ý tưởng sáng tạo, táo bạo đã được đề xuất trong các bài dự thi như xây hầm chui một chiều, kết hợp tổ chức nút giao thông khác mức để tránh giao cắt, đèn đỏ; tổ chức cầu vượt kết hợp thiết lập hệ thống đèn tín hiệu hợp lý; xây vòng quay để đưa xe vào đường cần đi... Khi đánh giá về các tác phẩm dự thi các chuyên gia giao thông đều có chung nhận định, đã xuất hiện nhiều tác phẩm có tính khả thi cao, khả năng áp dụng tốt đối với việc giảm thiểu ùn tắc cho TP Hà Nội hiện nay.
Theo TS Đặng Minh Tân, giảng viên bộ môn Đường bộ, cuộc thi là sân chơi thực tế, đã khơi dậy được niềm đam mê của sinh viên, từ đó giúp các em thể hiện khả năng cũng như trải nghiệm những kiến thức đã được học. Đồng thời qua đó, bày tỏ quan điểm, đánh giá, nhìn nhận của bản thân, đóng góp tích cực, thiết thực cho các vấn đề giao thông Thủ đô. Trong quá trình làm bài thi, các sinh viên đã có những nghiên cứu thực tế rất cụ thể, số liệu rõ ràng, như tại điểm nút cần thiết kế, lưu lượng phương tiện ra vào được tính rất chính xác. "Nếu cứ dựa vào những tài liệu thu thập được, các em sẽ bị ràng buộc và khó nảy sinh ý tưởng sáng tạo mới, nên các thầy chỉ khuyến khích dùng làm tham khảo. Tính sáng tạo trong thiết kế nút chống ùn tắc luôn là mục tiêu hàng đầu, sau đó mới đến tính thực thi" - TS Tân nói. Thực tế khi kết thúc cuộc thi, hầu hết các tác phẩm đoạt giải là những tác phẩm đưa ra ý tưởng mới và vận dụng được những tài liệu thực tế rất đáng hoan nghênh, khích lệ, thậm chí là học hỏi.
Một giải pháp giao thông cần được xem xét
Sau gần một năm phát động cuộc thi, với trên 70 đội thi từ các trường Đại học GTVT, Kiến trúc, Xây dựng, Đông Đô... Giải nhất cuộc thi đã thuộc về đội KS54, lớp Đường bộ K51 với ý tưởng thiết kế nút Kim Cương (Diamond) cho nút Kim Mã - Nguyễn Chí Thanh (hai ảnh dưới).
Sinh viên Nguyễn Văn Thái, Đội trưởng Đội KS54, lớp Đường bộ K51 khi nói về ý tưởng thiết kế nút Kim Cương chia sẻ: "Trên thực tế, để tổ chức một nút giao thông tại Việt Nam rất khó khăn, bởi lưu lượng phương tiện lưu thông lớn, ý thức tham gia giao thông của một bộ phận người dân còn kém, dẫn đến việc vượt đèn đỏ, đỗ dừng chờ đèn lấn làn của nhau. Hơn nữa việc chờ đèn đỏ thời gian dài tại nút đang là vấn đề đối với người dân, nhất là những lúc trời nắng nóng và mưa lạnh. Chính nhờ những quan sát, trải nghiệm thực tế đó mà đội KS54 quyết định xây dựng đồ án tổ chức nút giao thông Kim Cương. Đây là mô hình phổ biến trên thế giới, áp dụng xây dựng tại các nút có diện tích mặt bằng lớn, đoạn chờ cho các xe dài và hệ thống đèn tín hiệu phức tạp. Tại đồ án dự thi của Đội KS54, nút được thiết kế trên một mặt phẳng trong nút thắt chính của đồ án được cởi gỡ đó là sáng tạo thêm hình thức hầm chui một chiều cùng việc tổ chức hệ thống giao thông khác mức, khiến giao cắt được triệt tiêu và không phải sử dụng đèn chỉ huy giao thông phức tạp. Sinh viên Nguyễn Văn Thái cho biết, khi làm đồ án thiết kế nút, cả đội đã tham khảo và làm đúng theo quy hoạch của TP về ga đường sắt, tàu điện ngầm qua nút Nguyễn Chí Thanh - Kim Mã nên đồ án nếu được áp dụng có thể đáp ứng được các yêu cầu mà không gây ảnh hưởng đến các tuyến đường sắt của TP. Tuy nhiên, theo chia sẻ của các sinh viên Đội KS54, dù là tác phẩm đạt giải nhưng mô hình thiết kế nút Kim Cương vẫn còn nhiều hạn chế, nhất là chỗ để xe buýt quay đầu hay bố trí hợp lý để xe thô sơ, xe đạp có thể tham gia, và đặc điểm là hệ thống biển chỉ dẫn nên các em sẽ tiếp tục nghiên cứu để khắc phục.
Cuộc thi khép lại với những đồ án đoạt giải và không, nhưng ý tưởng về thiết kế nút giao thông giải tỏa ùn tắc cho Hà Nội thì thực sự thiết thực, táo bạo, mới mẻ và có tính áp dụng cao. Dưới góc độ nhìn nhận của mình, các em không bị ràng buộc bởi các quy định, quy hoạch, nguồn kinh phí và các vấn đề tác động xung quanh việc bố trí giao thông, tổ chức nút. TS Đỗ Hữu Thắng, Phó Viện trưởng Viện Khoa học Công nghệ GTVT chia sẻ: "Ý tưởng của các em thực sự đã giúp chúng tôi rất nhiều. Tôi đã chụp ảnh lại tất cả các mô hình đồ án dự thi của các em để đưa lên tạp chí Cầu đường của Hội Khoa học cầu đường Việt Nam. Qua đó, nhờ sự đánh giá của các chuyên gia, những người hoạt động trong ngành, đồng thời làm cơ sở để các nhà quản lý, tổ chức, xây dựng giao thông tham khảo".
"Kỹ sư Cầu đường tương lai" được khơi nguồn ý tưởng từ cuộc thi "Bright Contest" và "Concoursfaites le pont" của các trường đại học châu Âu. Năm 2007, lần đầu tiên cuộc thi được khoa Cầu hầm, trường ĐH GTVT tổ chức với tên gọi "Thiết kế mô hình cầu". Lần thứ 2 năm 2012 với tên gọi "Kỹ sư Cầu đường tương lai - Chinh phục Hồng Hà". Lần thứ 3 tổ chức với chủ đề:"Thiết kế nút giao thông - Giải tỏa ùn tắc cho giao thông Hà Nội", cuộc thi "Kỹ sư Cầu đường tương lai 2013" đã thu hút được hơn 70 đội thi đến từ các trường Đại học GTVT, Xây dựng, Kiến Trúc, Đông Đô... Khép lại sân chơi sau gần một năm triển khai, 14 đội xuất sắc đã được chọn vào chung kết. Kết quả giải Nhất thuộc về KS54 - ĐH GTVT, nút giao Nguyễn Chí Thanh - Kim Mã; giải Nhì: KS52 Nút giao Ngã 6 Ô Chợ Dừa - ĐH Kiến Trúc; ngoài ra còn có hai giải Ba, hai giải Khuyến khích.
|