Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tỉnh táo khi dùng mạng xã hội

Thái San
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thời gian gần đây, tình trạng các vụ việc bôi nhọ, xúc phạm đời tư người khác trên mạng xã hội liên tục xảy ra.

Nhiều vụ việc người dùng “tố” công khai, mượn tiếng nói của cộng đồng mạng nhằm công kích với mục đích bôi nhọ, xúc phạm đời tư, kích động dư luận gây ảnh hưởng tiêu cực đến xã hội.

Bị truy tố vì xúc phạm đời tư người khác

Ngày 26/4, Viện Kiểm sát Nhân dân TP Hồ Chí Minh cho biết đã hoàn tất cáo trạng, chuyển hồ sơ sang TAND cùng cấp để xét xử bị can Nguyễn Phương Hằng (sinh năm 1971, CEO Công ty CP Đại Nam).

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Bà Nguyễn Phương Hằng bị truy tố về tội “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân” theo Điều 331 Bộ luật Hình sự. Trong vụ án này, cùng tội danh, 4 bị can khác bị truy tố.

Cáo trạng thể hiện, lợi dụng sức ảnh hưởng của bản thân, bà Nguyễn Phương Hằng đã sử dụng nhiều tài khoản YouTube và TikTok, tổ chức nhiều buổi phát sóng trực tiếp (livestream) qua mạng nội dung thông tin không kiểm chứng, liên quan đến đời tư của người khác, trong đó sử dụng những ngôn từ mang tính chất nhục mạ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm.

Trong vụ án này, bà Nguyễn Phương Hằng nói rằng, những thông tin bà công bố là do bà đọc được do nằm mơ, đọc được trên mạng internet, báo chí và chưa được kiểm chứng, không có căn cứ.

Một vụ việc khác, ngày 11/4 vừa qua, TAND TP Hà Nội đã mở phiên tòa hình sự sơ thẩm xét xử bị cáo Phan Thị Hương Thủy (sinh năm 1959, trú tại phường Bồ Đề, quận Long Biên) về tội “Lợi dụng các quyền tự do, dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”.

Bị hại trong vụ án là ông Nguyễn Văn Chiến - nguyên Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP Hà Nội. Phan Thị Hương Thủy thừa nhận do bức xúc việc ông Nguyễn Văn Chiến ký quyết định xóa tên mình khỏi danh sách Đoàn Luật sư TP Hà Nội năm 2018 nên đã có nhiều bài viết tố cáo ông tham nhũng, tiêu cực, suy thoái đạo đức trên Facebook.

Kết quả xác minh cho thấy, các nội dung Phan Thị Hương Thủy tố cáo ông Chiến là không đúng; 3 trong 8 bài viết có nội dung đả kích, nói xấu, xúc phạm danh dự, nhân phẩm cá nhân ông Chiến...

Theo các chuyên gia pháp luật, mạng xã hội thời gian qua xuất hiện rất nhiều tình trạng người dùng tố nhau công khai, công kích nhiều cá nhân có dấu hiệu vi phạm pháp luật, chuẩn mực đạo đức.

Nguyên nhân của tình trạng này, đầu tiên là do người dùng mạng xã hội nhận thức sai lệch, chạy theo trào lưu mà bỏ qua những giá trị đạo đức, chuẩn mực văn hóa để tìm sự nổi tiếng. Cùng đó, việc phát hiện, xử lý với các hành vi trên không gian mạng còn chưa triệt để do vướng mắc về kỹ thuật và hành lang pháp lý…

Đừng để mạng xã hội trở thành con dao hai lưỡi

Trao đổi với Báo Kinh tế & Đô thị, luật sư Nguyễn Ngọc Hùng - Trưởng Văn phòng Luật sư Kết nối cho rằng, dưới góc độ pháp luật, công dân hoàn toàn có quyền, nghĩa vụ thông tin, thông báo hành vi vi phạm pháp luật, hành vi có dấu hiệu tội phạm của cá nhân, tổ chức đến cơ quan có thẩm quyền.

Việc tố cáo cũng cần phải được thực hiện theo những trình tự nhất định được quy định trong luật khiếu nại, luật tố cáo, luật xử lý vi phạm hành chính, luật hình sự…

Vì vậy, hành vi sử dụng mạng xã hội để xúc phạm uy tín, nhân phẩm của cá nhân sẽ bị xử lý vi phạm hành chính từ 10 - 20 triệu đồng đối với trường hợp người vi phạm là tổ chức và bị phạt từ 5 - 10 triệu đồng đối với trường hợp người vi phạm là cá nhân theo quy định tại Nghị định 15/2020/NĐ-CP. Ngoài ra, người vi phạm buộc phải gỡ bỏ thông tin sai sự thật hoặc gây nhầm lẫn, hoặc thông tin vi phạm pháp luật.

Bên cạnh đó, nếu tính chất, mức độ hành vi, gây hậu quả nghiêm trọng, người có hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội làm nhục người khác theo quy định tại Điều 155 Bộ luật Hình sự với mức phạt tù cao nhất là 5 năm tương ứng với mức độ của hành vi vi phạm.

Đồng quan điểm, luật sư Đặng Thị Vân Thịnh (Đoàn Luật sư Hà Nội) cho rằng, đấu tranh với cái xấu là trách nhiệm của mỗi công dân, tự do ngôn luận trên mạng xã hội nói riêng là quyền tự do của mỗi người nhưng khi nhằm xúc phạm danh dự, nhân phẩm người khác lại trở thành người vi phạm pháp luật.

Vì vậy, mỗi người khi sử dụng mạng xã hội hãy tỉnh táo khi chia sẻ, tiếp nhận thông tin một cách chọn lọc, có chính kiến, tránh hùa theo dư luận; đừng để mạng xã hội trở thành con dao hai lưỡi gây hại cho bản thân và những người xung quanh.