Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Quản lý vận tải hành khách công cộng trên thế giới

Tính tích hợp lên ngôi

Liên Hà
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tăng cường khả năng tích hợp trong hệ thống, ứng dụng công nghệ thông tin cũng như có những cơ chế, chính sách rõ ràng về nguồn lực tài chính là những phương thức mà các quốc gia trên thế giới đang áp dụng để quản lý và phát triển hiệu quả giao thông vận tải công cộng.

Tăng cường khả năng tích hợp của hệ thống

Nhằm đạt mục tiêu nâng cao tỷ lệ sử dụng giao thông công cộng lên 70% giai đoạn năm 2020, Singapore đã chọn tích hợp các loại hình vận tải giao thông công cộng, ví dụ như giữa xe buýt với tàu điện, khả năng tích hợp của giao thông công cộng được tính toán ngay từ khâu quy hoạch, gắn quy hoạch giao thông với sử dụng đất và các yếu tố khác, gắn công trình giao thông với công trình nhà ở, chung cư, cao ốc.

Giao thông công cộng tích hợp thể hiện qua sự tích hợp mạng lưới, thông tin và vé. Mạng lưới giao thông được tích hợp qua các trạm trung chuyển; các hệ thống giao thông công cộng về tàu điện ngầm, tàu điện nhẹ, xe buýt được thể hiện trên cùng các phương tiện truyền thông như tờ rơi, website, bản đồ khu vực; tích hợp về vé sử dụng cho các loại phương tiện chi phí tính theo khoảng đường đi.

Về quản lý, hệ thống giao thông công cộng tại Singapore được do hai cơ quan là Cục Đường bộ Singapore (LTA) và Hội đồng giao thông công cộng (PTC) của Chính quyền đô thị chịu trách nhiệm. LTA chịu trách nhiệm lập kế hoạch, vận hành và bảo trì hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông bao gồm cả hạ tầng cho hệ thống giao thông công cộng, thực hiện giám sát tất cả khía cạnh vật chất của mạng lưới giao thông vận tải.

Tàu điện ngầm MRT tại Singapore. Ảnh: AP
Tàu điện ngầm MRT tại Singapore. Ảnh: AP

Trong khi đó, PTC hoạt động với vai trò cơ quan điều phối, giám sát các dịch vụ giao thông công cộng. Đây có thể coi như một hệ thống quản lý kép với vai trò là một cơ quan quản lý giao thông công cộng duy nhất.

Chính quyền TP Curitiba (Brazil) thì chọn quy hoạch tích hợp sử dụng đất với giao thông và xây dựng các khu vực đô thị với trục xương sống là các hệ thống BRT. Theo đó, giao thông công cộng được quản lý với mô hình 3 trong 1: Cục GTVT chịu trách nhiệm cung cấp cơ sở hạn tầng cùng Cơ quan quản lý giao thông công cộng và Đơn vị khai thác là đơn vị cung cấp các dịch vụ giao thông. Bên cạnh đó còn có Hội đồng tư vấn giao thông công cộng đô thị để tư vấn và đưa ra những chính sách phát triển chung.

Tại Amsterdam (Hà Lan), Stadsregio Amsterdam là Cơ quan quản lý giao thông công cộng thuộc chính quyền đô thị Amsterdam, chịu trách nhiệm về giao thông công cộng tại mười sáu đô thị tại thủ đô nước này. Cơ quan này chịu trách nhiệm quy hoạch phát triển, thiết lập hệ thống hoạt động và hệ thống giá vé tích hợp cho các loại phương tiện giao thông công cộng.

Cơ chế nguồn lực rõ ràng

Các TP có hệ thống giao thông công cộng hiện đại đều sở hữu mô hình phân bổ tài chính hiệu quả cho lĩnh vực này, thông qua hình thức ưu tiên trên cơ sở đấu thầu và hợp đồng cung cấp dịch vụ vận tải, nhằm tạo ra dịch vụ chất lượng cao với chi phí vận chuyển vừa phải.

Tại Amsterdam, hoạt động giao thông công cộng chủ yếu dựa trên hợp đồng cung cấp giữa cơ quan quản lý và đơn vị cung ứng, trong đó có khoảng 60 cam kết chặt chẽ cũng như quy định xử phạt khi vi phạm hợp đồng. Đối với mỗi khu vực, Stadsregio Amsterdam chuyển nhượng quyền cho một đơn vị khai thác độc quyền vận hành giao thông công cộng và được Nhà nước trợ giá, bất kể là đơn vị khai thác công hay tư.

Trong khi đó, ở Seoul, hoạt động khai thác vận tải hành khách công cộng được quản lý thông qua một hệ thống bán công cộng kết hợp lợi ích công cộng của Chính phủ và hiệu quả hoạt động của DN tư nhân. Tại Malaysia, một trong những quốc gia đi đầu ở khu vực Đông Nam Á về chính sách ưu tiên phát triển giao thông công cộng, các công ty khai thác được giao các khu vực, vùng lãnh thổ cụ thể với trách nhiệm lập kế hoạch và cung cấp một mạng lưới toàn diện các dịch vụ xe buýt đáp ứng theo các tiêu chuẩn dịch vụ do cơ quan quản lý quy định.

Chính quyền đô thị không trợ cấp vận hành trực tiếp nhưng hỗ trợ mạnh mẽ về nguồn tài chính cho giao thông công cộng thông qua các chính sách ưu đãi cho nhà khai thác về mua sắm phương tiện và cung cấp dịch vụ vận tải được đặt hàng bởi Cơ quan quản lý giao thông công cộng.

Ứng dụng công nghệ

Kể từ ngày 21/9 năm nay, Thủ đô Paris (Pháp) chính thức bỏ việc sử dụng vé giấy (loại vé từ) để đi xe buýt hay tàu điện sau 120 năm áp dụng. Cơ quan Quản lý giao thông vùng Ile-de-France (IdFM) đã tiến hành thay thế loại vé này bằng thẻ thông minh và các ứng dụng trên điện thoại để hành khách di chuyển qua các cửa soát vé.

Với việc thử nghiệm thành công vào thập niên 90, những tiềm năng to lớn của thẻ thông minh đã nhanh chóng hấp dẫn và thúc đẩy nhiều đô thị triển khai áp dụng rộng rãi trong vận tải hành khách công cộng. Hệ thống thẻ vé đóng vai trò phương tiện thông hành và thanh toán dịch vụ giữa bên mua là hành khách và bên bán là nhà cung cấp vận tải công cộng.

Trong khi đó, tại Seoul (Hàn Quốc), mạng lưới tuyến xe buýt được tổ chức theo cơ cấu trục nhánh, phân chia chức năng rõ ràng với bốn loại xe buýt tiêu chuẩn được đặc trưng bởi các màu sắc khác nhau kết nối hiệu quả các khu vực trung tâm, khu vực ngoại ô và vòng quanh TP.

Với việc xây dựng hơn 20 trạm trung chuyển và áp dụng các làn đường chỉ dành riêng hoặc ưu tiên cho xe buýt kết nối các trung tâm đô thị chính với nhiều trung tâm thứ cấp và ngoại ô TP, xe buýt Seoul trở nên nhanh hơn và thuận tiện hơn so với xe hơi. Việc ứng dụng công nghệ để hỗ trợ người sử dụng trong toàn hệ thống ngày càng được nâng cao.

Hệ thống giao thông thông minh (ITS) của toàn TP được xây dựng trên nền công nghệ GIS và GPS cho phép người sử dụng và nhà quản lý tương tác với nhau. Thông tin về dịch vụ công cộng được cung cấp cho công chúng thông qua màn hình LED tại các các điểm dừng xe buýt và ứng dụng trên điện thoại thông minh, chẳng hạn như ứng dụng “Seoul Bus” trên điện thoại di động cho phép người dùng ước tính thời gian xe đến, thời gian di chuyển dự kiến, vị trí các trạm xe buýt gần nhất.

Còn tại Singapore, việc đầu tư phát triển công nghệ mới nhất cho hoạt động xe buýt về quản lý đội xe và điều phối xe buýt rất được coi trọng. Hệ thống vé được tích hợp qua một loại thẻ thông minh đa chức năng không tiếp xúc (thẻ Ezlink) làm phương thức thanh toán. Thông tin được tích hợp qua ấn phẩm "Transit Link Guide", trong đó liệt kê tất cả các thông tin về các tuyến xe buýt. Việc tích hợp giá vé, thông tin và mạng lưới tạo điều kiện đi lại thông suốt cho hành khách.

Quản lý đội xe theo thời gian thực sử dụng dịch vụ General Packet Radio Service chạy trên hệ thống di động toàn cầu GSM và Hệ thống định vị phương tiện.

Những tiến bộ công nghệ áp dụng và xây dựng và phát triển hệ thống giao thông công cộng một mặt khuyến khích sự tham gia của người dân vào hệ thống, mặt khác tạo thuận lợi cho quá trình quản lý.