70 năm giải phóng Thủ đô

Tình tiết bất ngờ trong vụ tấn công đường ống Nord Stream của Nga

Nguyễn Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Báo Đức cho biết các nhà điều tra vụ phá hoại đường ống khí đốt Nord Stream của Nga đã phát hiện manh mối mới liên quan đến Ukraine.

Khí đốt rò rỉ trên đường ống dẫn khí đốt Nord Stream 2 (Dòng chảy Phương Bắc 2) ở Biển Baltic ngày 27/9/2022. Ảnh: Swedish Coast Guard
Khí đốt rò rỉ trên đường ống dẫn khí đốt Nord Stream 2 (Dòng chảy Phương Bắc 2) ở Biển Baltic ngày 27/9/2022. Ảnh: Swedish Coast Guard

Tờ Der Spiegel của Đức ngày 26/5 dẫn các nguồn tin cho biết, các nhà điều tra phát hiện một email thuê du thuyền (được sử dụng trong các cuộc tấn công nhằm vào đường ống Nord Stream năm ngoái) được gửi đến từ Ukraine. 

Hồi tháng 3, hãng tin này tuyên bố, chiếc du thuyền tên Andromeda đã được một nhóm thợ lặn sử dụng để phá hoại các đường ống Nord Stream. Tờ báo đề cập tới việc phát hiện ra dấu vết của chất nổ trong cabin du thuyền và các giấy tờ tùy thân giả đã được sử dụng để thuê thuyền.

Báo cáo gần đây nhất của tờ Der Spiegel chỉ ra, siêu dữ liệu từ một email được gửi để hỏi về việc thuê du thuyền "dẫn đến Ukraine".

Chủ tịch của một công ty vỏ bọc được cho là nơi cho thuê du thuyền cũng sống ở Kiev, theo các đài truyền hình NDR và WDR của Đức cùng các hãng tin khác ở quốc gia EU này.

Ngày 26/5, tờ Der Spiegel cũng tiết lộ, các nhà điều tra đang tìm hiểu xem liệu vụ tấn công Nord Stream có thể do một nhóm biệt kích Ukraine độc lập thực hiện, hoặc liệu vụ phá hoại đường ống khí đốt của Nga có khả năng được Kiev ủy quyền hay không.

Trong khi đó, chính phủ Ukraine bác bỏ mọi liên hệ tới các vụ nổ đường ống khí đốt Nord Stream trên Biển Baltic.

Hôm 21/5, tờ Suddeutsche Zeitung của Đức đưa tin ít nhất 2 người Ukraine có thể đã tham gia vụ phá hoại các đường ống Nord Stream 1 và Nord Stream 2.

Trong diễn biến khác, ngày 25/5, Nga đã triệu tập các đại sứ của Đức, Thụy Điển và Đan Mạch để phản đối điều mà Bộ Ngoại giao Nga gọi là "hoàn toàn không có kết quả" trong cuộc điều tra về nguồn gốc các vụ nổ Nord Stream.

Cho đến nay, không có tổ chức nào nhận trách nhiệm về các vụ tấn công đường ống Nord Stream nổ hồi tháng 9 năm ngoái. Đây là vụ phá hoại cơ sở hạ tầng năng lượng quan trọng vốn được xây dựng để vận chuyển khí đốt của Nga tới châu Âu thông qua Đức.

Vụ việc xảy ra ngay sau khi Moscow giảm nguồn cung khí đốt cho châu Âu, theo sau làn sóng trừng phạt của phương Tây chống Nga liên quan đến chiến dịch quân sự ở Ukraine.

Nga đã coi việc phá hoại 2 đường ống khí đốt là hành động khủng bố quốc tế, kêu gọi các nước góp vốn trong dự án Nord Stream thúc đẩy điều tra minh bạch, nhanh chóng nhằm xác định thủ phạm đứng sau vụ nổ.

Đức, Thụy Điển và Đan Mạch đều tiến hành điều tra những vụ nổ tại Nord Stream 1 và 2 vào mùa thu năm ngoái. Tuy nhiên, hiện các nước châu Âu vẫn chưa công khai kết quả điều tra, đồng thời từ chối lời đề nghị hỗ trợ điều tra từ Moscow.

Vào đầu tháng 2 năm nay, nhà báo Mỹ Seymour Hersh đăng báo cáo cho biết, chính quyền Washington đã ra lệnh phá hủy Nord Stream. Chất nổ được kích hoạt vào tháng 9/2022 do các thợ lặn của Hải quân Mỹ đặt tại các đường ống dẫn khí đốt ở Biển Baltic vào tháng 6/2022 dưới vỏ bọc một cuộc tập trận của NATO.

Theo nhà báo từng đoạt giải Pulitzer, thời điểm trên được chọn để phá hoại Nord Stream vì cuộc xung đột Nga-Ukraine đang diễn tiến theo chiều hướng không có lợi cho Kiev.

Liên quan đến cáo buộc của nhà báo Seymour Hersh, người phát ngôn của Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ Adrienne Watson bác bỏ báo cáo, gọi đây là báo cáo "hoàn toàn sai sự thật và hư cấu".

Trong khi đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin cuối tháng 3 tuyên bố rằng ông "hoàn toàn đồng ý" với  báo cáo của nhà báo Seymour Hersh liên quan đến vụ nổ đường ống Nord Stream.

Hồi đầu tháng này, nhà ngoại giao cấp cao của Nga Konstantin Gavrilov cho biết, Washington đã không phản hồi yêu cầu của Moscow trong việc giải thích những gì đã xảy ra với các đường ống Nord Stream 1 và Nord Stream 2 sau khi nhà báo Seymour Hersh công bố báo cáo cáo buộc Mỹ phá hủy tuyến đường dẫn khí đốt từ Nga tới Đức.

“Chúng tôi chưa nhận được bất kỳ lời giải thích nào và dường như chúng tôi sẽ không bao giờ nhận được bất kỳ lời giải thích nào. Sẽ không có gì mới từ Mỹ" - ông Konstantin Gavrilov nói với tờ Izvestia ngày 8/5.