Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tinh và gọn

Trần Hà
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Công tác sắp xếp, kiện toàn bộ máy theo hướng tinh gọn là một trong những điểm nhấn nổi bật năm qua với những kết quả tích cực.

Tuy nhiên thông tin đáng chú ý vừa được Bộ Nội vụ nêu ra trong báo cáo tổng kết năm 2018 là “cơ cấu tổ chức bộ máy, mặc dù số lượng vụ có giảm, nhưng số lượng cục, vụ và tổng cục không giảm, thậm chí còn tăng lên” khiến vấn đề chất lượng tinh giản bộ máy lại một lần nữa được đặt ra.
Con số Bộ Nội vụ đưa ra cho thấy, theo thống kê mới nhất đến cuối tháng 12/2018, số lượng vụ và tương đương thuộc các bộ là 248, giảm 12 tổ chức; đơn vị sự nghiệp công lập thuộc bộ, cơ quan ngang bộ là 102 đơn vị, giảm 8 đơn vị. Trong khi đó, số lượng cục thuộc bộ, ngang bộ lại lên tới 125, tăng 7 tổ chức. Còn cấp tổng cục có 29, tăng 2 đơn vị (không tính các tổng cục thuộc Bộ Công an và Bộ Quốc phòng). Do tăng thêm hai tổng cục, kéo theo số lượng vụ và tương đương thuộc tổng cục lên 219, tăng 6 tổ chức; cục và tương đương thuộc tổng cục tăng 2, lên 102 tổ chức; đơn vị sự nghiệp công lập thuộc tổng cục 128, tăng 5 đơn vị.

Như vậy, tinh gọn bộ máy vẫn đang là câu chuyện “nóng”. Nhiều bộ ngành, địa phương đã thực hiện tinh gọn hàng nghìn đầu mối, giảm một loạt lãnh đạo cấp trưởng, cấp phó và tinh giản hàng nghìn biên chế. Nhưng thực tế cũng cho thấy, bộ máy bên trong của một số đơn vị cũng có chiều hướng tăng ở các phân khúc, đặc biệt là số cơ quan chuyên môn. “Bóp” chỗ này lại “phình” chỗ kia chưa thể chấm dứt, tình trạng bộ trong bộ vẫn nặng nề... Nhiều ý kiến cũng đã chỉ rõ về thực trạng tinh gọn bộ máy mới theo cơ học, số lượng tinh giản biên chế chủ yếu vẫn là nghỉ hưu, nghỉ chế độ. Như số liệu Bộ Nội vụ vừa đưa ra, thực hiện tinh giản biên chế theo Nghị định số 108 đến năm 2018, đã tinh giản 40.500 người, nhưng trong đó số người hưởng chính sách về hưu trước tuổi gần 35.000 người, đó là minh chứng rõ nét nhất cho nhận định ấy.

Có thể khẳng định rằng, tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế được nêu ra tại Nghị quyết T.Ư 6 (khóa XII) của Đảng và Nghị quyết 56 của Quốc hội là một chủ trương đúng đắn, phù hợp với nguyện vọng của cử tri. Những quyết tâm lớn với lộ trình tinh nhuệ bộ máy, để bộ máy phải gọn nhẹ, nhưng đảm bảo chất lượng đã được nêu ra. Nhưng việc tổ chức thực hiện và triển khai tinh giản biên chế, tinh gọn bộ máy ở nhiều bộ, ngành, địa phương lại chưa đồng bộ, thiếu thống nhất, nhiều nơi còn lúng túng. Mỗi nơi làm một cách khác nhau, trong khi lại chưa tổ chức thí điểm mô hình tổng kết đánh giá để nhân lên diện rộng. Nhiều băn khoăn, vướng mắc chưa được tháo gỡ, việc giảm đầu mối và tinh giản bộ máy còn nặng tính cơ học.

Để thực sự tạo ra những “cú hích” trong cuộc cách mạng về tinh gọn đầu mối, bộ máy, tránh tình trạng “giảm chỗ nọ phình chỗ kia”, giảm nhưng tổng thể vẫn tăng, bài học thành công ở một số bộ, ngành, địa phương cần được phát huy, nhân rộng. Trong đó, vấn đề được nhiều ý kiến đề cập đến là sau quyết tâm, sau những giải pháp cần phải có sự quyết liệt vào cuộc đồng bộ và thực chất. Và quan trọng hơn cả, để có bộ máy gọn nhưng tinh, cần vượt qua rào cản, cũng là khuyết điểm hiện nay là tình trạng nể nang, né tránh, ngại va chạm, vì lợi ích riêng của ngành, địa phương. Không nhất thiết cấp trên có cơ quan, tổ chức nào thì cấp dưới có cơ quan, tổ chức đó và ngược lại; không nhất thiết các cơ quan, đơn vị, địa phương phải có mô hình tổ chức bộ máy giống nhau.