Chị xinh nhất họ và rất hiếu học. Ban đầu, chị chọn học điều dưỡng để sớm tốt nghiệp chương trình học, quay về bên cha mẹ, có công việc, phụ cha mẹ chăm sóc các em. Sau đó, chị học dần lên bác sĩ sản khoa.
Mấy lần về quê chơi, tôi thường được chị đưa đi chơi khắp nơi. Đi đến đâu, ai cũng chào đón chị, mừng rỡ như gặp người thân. Lâu dần, vì công việc, chị em chúng tôi cũng thưa dần gặp nhau, nhưng chúng tôi vẫn hay gọi điện thoại để chia sẻ với nhau đủ thứ chuyện.
Chị hào hứng kể tôi nghe: “Mới đây, chị ngồi phòng khám, gặp hai bố con anh ấy. Ban đầu, chị bực bội lắm vì để con sốt 3 ngày mới đưa đi khám. Nhưng sau chị được biết là vợ anh ấy mất ngay sau khi sinh con. Hai bố con sống với nhau, bà nội cũng lớn tuổi còn anh đi công tác dưới Sài Gòn, nên thằng bé giờ mới được bố đưa đi khám”.
Lần khác, chị lại gọi cho tôi giọng nghẹn thắt: “Thằng bé nói con muốn gọi cô là mẹ. Chị đồng ý rồi”. Tôi mừng cho chị vì cuối cùng chị cũng tìm được hạnh phúc của riêng mình. Tôi trêu chị: “Chị tôi cũng muốn lấy chồng!”.
Lại nói đến cậu mợ tôi. Mợ tôi là người rất thương con, thương cháu. Tình thương của mợ số hai, không ai giành được số một. Hơn chục con trai, con gái, con dâu, con rể, cháu nội, cháu ngoại đều thương yêu mợ tôi. Mợ còn rất thương người, thậm chí, mợ nhận nuôi hai đứa trẻ mồ côi không cùng máu mủ. Thế nhưng, ở một vài phương diện, mợ khá cố chấp.
Thế là, chuyện vui, chuyện hạnh phúc của chị Liên cứ thế vụt tàn lụi như làn khói vì mợ tôi không đồng ý. Mợ tôi nói: “Nếu con lấy nó, con sẽ khổ vì nó đã có con riêng. Má sợ con khổ. Má chỉ muốn điều tốt nhất cho con thôi”.
Chị Liên, một người phụ nữ 30 tuổi, ngồi chết lặng trên ghế. Chị nói: “Con sẽ không cãi lại má. Nhưng con sẽ không lấy chồng nữa”. Rồi anh chị chia tay nhau. Thằng bé con anh thỉnh thoảng gọi điện thoại, mếu máo gọi “mẹ ơi!”.
Chị xuống Sài Gòn học thạc sĩ suốt ba năm.
Sau khi lấy bằng, chị quay lại công tác ở bệnh viện cũ. Và chị gom tiền mua một căn nhà nhỏ. Từ đó, chị không bao giờ quay lại nhà ba má, ngoại trừ những lần nhà có tiệc trọng đại hay cúng kiếng. Cho đến một ngày, chị bị đau bụng... Kết quả kiểm tra y tế cho thấy chị bị ung thư nội mạc tử cung. Chuyện này chị bảo tôi giấu cậu mợ và đừng cho ai hay. Nhưng tôi lén gọi báo cho anh.
Anh tất tả đưa con trai chạy xuống bệnh viện. Thằng bé nhào lên, ôm lấy chị đang nằm tiều tụy trên giường: “Mẹ ơi. Mẹ mau khỏe nhé!” Anh nhìn chị rồi nhẹ nhàng bảo: “Về nhà với anh!”. Chị mếu máo: “Sao anh cứng đầu quá vậy?”.
Ngày chị ra viện, anh đưa chị về gặp cậu mợ. Anh quỳ gối cầu hôn chị và xin cậu mợ tôi cho anh cưới chị. Đã hơn 4 năm, mợ tôi cũng bị giày vò bởi chị cứ đi về một mình, sống lạnh nhạt… chỉ bởi mợ tôi cố chấp trong cái gọi là “vì tốt cho con”. Mà sớm hôm, mợ thỉnh thoảng cũng gặp hai bố con anh lầm lũi với nhau, bởi họ cũng coi như chung làng, chung xóm.
Cái cố chấp của mợ tôi đã sớm bị xói mòn, nhưng cả hai mẹ con đều là nữ “cường nhân”, không ai chịu xuống nước. Nay, anh giống như chiếc chìa khóa mở bung cái cánh cửa bị khóa chặt trong lòng của mợ và chị tôi. Mợ tôi gật đầu đồng ý đám cưới của anh và chị. Thằng nhỏ vui mừng nhất, chạy ra chạy vô, gọi rộn lên: “Bà ngoại, ông ngoại!”.
Sau đám cưới, chị tôi nhập viện để hóa trị. Cả nhà cậu mợ bàng hoàng. Mợ tôi chợt sụm xuống, ôm chầm lấy con rể: “Nếu má không cố chấp, hai con đã hạnh phúc lâu rồi. Má xin lỗi…”.
Anh nhẹ nhàng vuốt lưng mợ tôi: “Con cảm ơn má đã sinh ra cho con người vợ tuyệt vời như vậy. Sau này có thế nào, con vẫn là con rể của má. Thằng Tín là cháu ngoại của má. Được không má?”.
Ngày đưa chị đi, Tín khóc nức nở ôm di ảnh chị. Tín nói với tôi: “Dì! Con sẽ học làm bác sĩ chuyên ngành ung thư. Má con chắc chắn sẽ vui lắm”. Mười năm sau đó, Tín báo tin: “Con đậu đại học Y rồi, mẹ ơi!”.