Tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở hoạt động thế nào?

Sở LĐTB&XH Hà Nội
Chia sẻ Zalo

Bộ luật Lao động năm 2019 quy định có tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở. Tôi muốn hỏi, tổ chức đại diện người lao động trong DN gồm có những loại nào và bảo vệ quyền lợi cho công nhân lao động ra sao? Nguyễn Công Thanh, huyện Thạch Thất, Hà Nội

Trả lời

Tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở có chức năng bảo vệ quyền lợi và lợi ích hợp pháp của người lao động. Tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở bao gồm: Công đoàn cấp cơ sở và Tổ chức của người lao động tại DN.

Điều 170 Bộ luật Lao động năm 2019 quy định: Người lao động có quyền thành lập, gia nhập và hoạt động công đoàn theo quy định của Luật Công đoàn. Người lao động trong DN có quyền thành lập, gia nhập và tham gia hoạt động của tổ chức của người lao động tại DN theo quy định tại các Điều 172, 173 và 174 của Bộ luật này.

Tổ chức của người lao động tại DN được thành lập và hoạt động hợp pháp sau khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp đăng ký. Tổ chức của người lao động tại DN tổ chức và hoạt động phải bảo đảm nguyên tắc tuân thủ Hiến pháp, pháp luật và điều lệ; tự nguyện, tự quản, dân chủ, minh bạch. Tổ chức của người lao động tại DN cùng với người sử dụng lao động giải quyết các vấn đề liên quan đến quyền, nghĩa vụ và lợi ích của người lao động và người sử dụng lao động; xây dựng mối quan hệ lao động tiến bộ, hài hòa và ổn định…

Thành viên ban lãnh đạo của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở có quyền tiếp cận người lao động tại nơi làm việc trong quá trình thực hiện các nhiệm vụ của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở. Việc thực hiện quyền này phải bảo đảm không ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của người sử dụng lao động.

Đồng thời, có quyền tiếp cận người sử dụng lao động để thực hiện các nhiệm vụ đại diện của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở; được sử dụng thời gian làm việc theo quy định để thực hiện công việc của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở mà vẫn được người sử dụng lao động trả lương; được hưởng các bảo đảm khác trong quan hệ lao động và trong việc thực hiện chức năng đại diện theo quy định của pháp luật.

Người sử dụng lao động không được cản trở, gây khó khăn khi người lao động tiến hành các hoạt động hợp pháp nhằm thành lập, gia nhập và tham gia các hoạt động của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở. Người sử dụng lao động có trách nhiệm công nhận và tôn trọng các quyền của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở đã được thành lập hợp pháp.

Bộ luật Lao động năm 2019 cũng nêu rõ: Nghiêm cấm người sử dụng lao động phân biệt đối xử với người lao động, thành viên ban lãnh đạo của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở vì lý do thành lập, gia nhập hoặc hoạt động của tổ chức đại diện người lao động. Người sử dụng lao động không được can thiệp, thao túng quá trình thành lập, bầu cử, xây dựng kế hoạch công tác và tổ chức thực hiện các hoạt động của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở.

Tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở có các quyền thương lượng tập thể với người sử dụng lao động, đối thoại tại nơi làm việc theo quy định của Bộ luật Lao động năm 2019; được tham khảo ý kiến xây dựng và giám sát việc thực hiện thang lương, bảng lương, mức lao động, quy chế trả lương, quy chế thưởng, nội quy lao động và những vấn đề liên quan đến quyền, lợi ích của người lao động là thành viên của mình.

Đồng thời, tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở đại diện cho người lao động giải quyết khiếu nại, tranh chấp lao động cá nhân; tổ chức và lãnh đạo đình công theo quy định; tiếp nhận hỗ trợ kỹ thuật của cơ quan, tổ chức đăng ký hoạt động hợp pháp tại Việt Nam…; và được người sử dụng lao động bố trí nơi làm việc và được cung cấp thông tin, bảo đảm các điều kiện cần thiết cho hoạt động của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần