Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tổ chức thực hiện là quan trọng

Lê Quân
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Với việc các trường đại học công bố điểm chuẩn cũng như kết quả xét tuyển Đại học trong tuần qua, có thể nói kỳ thi tốt nghiệp THPT và xét tuyển vào đại học năm 2019 về cơ bản đã khép lại. Kỳ thi quan trọng và cũng đầy áp lực này, chắc chắn sẽ được đánh giá, rút kinh nghiệm để chỉ ra những bài học, cả được và chưa được.

Duy có một điều mà dư luận và công luận ngay lập tức đã quan tâm và tỏ ra lo ngại, đó là tình trạng một số trường đại học có điểm sàn tuyển sinh quá thấp, có thể nói là “chạm đáy” phổ điểm thi để xét tuyển. Thí sinh chỉ cần đạt trên 3 điểm một môn có thể đỗ đại học.
Theo lãnh đạo của một trường đại học, những năm qua trường luôn tuyển sinh không đủ chỉ tiêu, như năm 2018 chỉ tuyển được khoảng 60%, nên mới đưa ra mức điểm sàn thấp đến 12 - 13 điểm như vậy.
Có thể thấy ngay, cách nghĩ và cách làm trên của một số trường đại học là lợi bất cập hại. Có hai cái hại có thể dễ dàng nhận thấy.
Một là, việc chấp nhận đầu vào thấp không chỉ ảnh hưởng đến thương hiệu của các trường nói trên, mà còn tác động tiêu cực đến chất lượng nói chung của hệ thống đào tạo đại học Việt Nam.
Hai là, cách làm này gây hậu quả không nhỏ cho việc thực hiện chủ trương phân luồng học sinh đã được ngành GD&ĐT và toàn xã hội cố gắng thực hiện trong nhiều năm qua.
Về việc phân luồng học sinh, chúng ta đều biết đây là việc phải làm ngay từ khi học sinh tốt nghiệp THCS, sau đó và mạnh nhất là khi các em tốt nghiệp THPT. Mục tiêu hướng tới của việc phân luồng học sinh ở nước ta, và cũng là thông lệ ở các nước phát triển là sẽ có 70% học sinh theo học các trường nghề, số vào đại học là 30%. Đó là tỉ lệ phù hợp, bảo đảm sự cân đối cho cơ cấu lao động của xã hội. Đây cũng là công việc mà đã có một thời kỳ, cụ thể là trong những năm sáu mươi của thế kỷ trước đã được làm khá tốt.
Bằng chứng là với chính ngành sư phạm, nhiều cán bộ nghiên cứu khoa học, cán bộ lãnh đạo, nhà giáo ưu tú... cũng xuất thân từ những giáo sinh của hệ đào tạo 7+2, 10+2… Tuy nhiên, vì nhiều lý do, trong đó có bệnh thành tích, chuộng hư danh… mà sau một thời gian dài, tỉ lệ ấy ở nước ta hiện nay đang bị đảo ngược, 70% thí sinh vào đại học, 30% học nghề.
Có một thực tế đáng buồn là trong những năm gần đây, rất nhiều người trong số 70% vào đại học ấy, khi ra trường lại thất nghiệp, nhiều người phải dấu bằng đại học để xin vào làm các công việc giản đơn, nhiều người chấp nhận đi học nghề lại từ đầu. Một sự lãng phí không hề nhỏ.
Có người cho rằng, sở dĩ có tình trạng trên là do sự phát triển quá nóng của các trường đại học. Đó có thể là chuyện của một thời ấu trĩ đã qua, với quan điểm “phổ cập đại học”. Việc cần thiết hiện nay là phải rà soát lại hệ thống các trường đại học, cao đẳng cũng như các trường dạy nghề, trên cơ sở đó thực hiện cho được những mục tiêu mà Nghị quyết 19-NQ/TW Hội nghị T.Ư 6 đã đề ra đối với giáo dục đại học. Đó là sáp nhập, hợp nhất hoặc giải thể các trường đại học, cơ sở giáo dục - đào tạo hoạt động không hiệu quả, không nhất thiết tỉnh nào cũng có trường đại học.
Quan điểm này cũng được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết năm học 2018 - 2019, triển khai nhiệm vụ năm học 2019 - 2020 ngày 6/8 vừa qua, khi chỉ đạo Bộ GD&ĐT kiểm tra xử lý nghiêm các trường đại học “hữu danh vô thực”, nhất là những nơi tìm kiếm đầu vào quá thấp để kinh doanh. Thủ tướng nhấn mạnh sự cần thiết và thái độ kiên quyết đóng cửa một số cơ sở giáo dục đại học yếu kém kéo dài.
Quan điểm, định hướng đã rõ, vấn đề là tổ chức thực hiện. Cũng cần nói thêm rằng, trách nhiệm không chỉ thuộc Bộ GD&ĐT. Việc chấn chỉnh hệ thống giáo dục đại học theo tinh thần Nghị quyết 19-NQ/TW và ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ rất cần sự vào cuộc kiên quyết của các cấp ủy Đảng và chính quyền, các bộ ngành liên quan.
Đặc biệt, về lâu dài cần xây dựng quan điểm đúng đắn của cộng đồng về công tác phân luồng học sinh trong các thời điểm của hệ thống giáo dục nước nhà, cũng như tuyên truyền, giáo dục, vận động để người dân thấu hiểu, đồng tình, ủng hộ việc thực hiện chủ trương đúng đắn này.