Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tòa án Hà Lan kết án ba người bắn rơi máy bay MH17 ở Ukraine

Anh Kiệt
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chỉ có hình phạt nghiêm khắc nhất mới phù hợp với những gì các nghi phạm đã gây ra, vốn đã gây ra quá nhiều đau khổ cho các nạn nhân và rất nhiều người thân còn sống của họ.

Tòa án Hà Lan hôm 17/11 tuyên án tù chung thân ba người đàn ông liên quan đến vụ bắn rơi máy bay MH17 của Malaysia Airlines ở Ukraine năm 2014.

The New York Times đưa tin, chủ tọa phiên tòa Hendrik Steenhuis nói: “Tòa án cho rằng MH17 bị tên lửa BUK từ một cánh đồng gần Pervomaisk (miền Đông Ukraine) bắn hạ, làm chết 283 hành khách và 15 thành viên phi hành đoàn”.

Phiên tòa xét xử các nghi phạm liên quan vụ rơi máy bay MH17, Hà Lan, ngày 17/11. Ảnh: Reuters  
Phiên tòa xét xử các nghi phạm liên quan vụ rơi máy bay MH17, Hà Lan, ngày 17/11. Ảnh: Reuters  

“Chỉ có hình phạt nghiêm khắc nhất mới thích đáng với những gì các nghi phạm đã gây ra, vốn đã gây ra quá nhiều đau khổ cho các nạn nhân và người thân của họ,” Thẩm phán Hendrik Steenhuis nhấn mạnh.

Tòa án Hà Lan đã đưa ra trong phán quyết với 4 người bị cáo buộc tội giết người hàng loạt. Các bị cáo gồm 3 công dân Nga là Igor Girkin, Sergey Dubinskiy, Oleg Pulatov và công dân Ukraine Leonid Kharchenko.

Ba người bị kết tội giết người và bắn rơi máy bay là hai cựu nhân viên tình báo quân đội Nga Igor Girkin và Sergey Dubinskiy, cùng thủ lĩnh phe ly khai Ukraine Leonid Kharchenko. Người thứ tư trong phiên tòa là Oleg Pulatov, cũng là một cựu sĩ quan tình báo quân đội Nga, được tuyên trắng án vì không tham gia vào vụ bắn hạ.

Tại phiên toà, các cáo buộc cho rằng tên lửa bắn rơi máy bay là tên lửa đất đối không BUK do Nga sản xuất, được gửi cho lực lượng ly khai tại miền đông Ukraine. Nga đã nhiều lần phủ nhận liên quan đến vụ việc.

Các luật sư biện hộ của bị cáo đặt câu hỏi về độ tin cậy của các bằng chứng và cho rằng thân chủ của mình không được xét xử công bằng. Đại diện các nạn nhân cho biết phán quyết của tòa ngày 17/11 là cột mốc quan trọng, mặc dù các nghi phạm vẫn đang lẩn trốn và bị xét xử vắng mặt. 

Những mảnh vỡ của máy bay MH17 sau khi bị bắn. Ảnh: The New York Times  
Những mảnh vỡ của máy bay MH17 sau khi bị bắn. Ảnh: The New York Times  

Thẩm phán Steenhuis cho biết ba người bị kết tội nói trên không được hưởng bất kỳ quyền miễn trừ truy tố nào vì họ không phải là thành viên của các lực lượng vũ trang Nga.

Thẩm phán Steenhuis cũng nói “không nghi ngờ gì” khi máy bay MH17 bị bắn bởi hệ thống tên lửa BUK của Nga.

Trong phiên tòa ngày 20/12/2021, các công tố viên nói rằng 4 nghi phạm trên đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo an toàn cho hệ thống tên lửa BUK, nhiều khả năng dùng cho mục đích đánh chặn máy bay quân sự của Ukraine.

Cuộc điều tra liên quan đến MH17 diễn ra trong bối cảnh căng thẳng đang gia tăng tại khu vực, với việc phương Tây chỉ trích Nga củng cố lực lượng gần biên giới với Ukraine.

Trước đó, vào ngày 17/7/2014, máy bay mang số hiệu MH17 của Malaysia Airlines từ Amsterdam (Hà Lan) đến Kuala Lumpur, đã bị bắn rơi khi đi qua Donetsk (khu vực miền Đông Ukraine), gần biên giới Nga, khiến tất cả 298 người trên máy bay thiệt mạng. Hầu hết các nạn nhân là người Hà Lan bao gồm cả 3 người gốc Việt. Ngoài ra còn có các nạn nhân Australia, Anh, Malaysia và một số quốc gia khác.

Vụ tai nạn MH17 khiến các thi thể và mảnh vỡ rải rác khắp các cánh đồng, gây ra sự phẫn nộ trên toàn thế giới và khiến các quốc gia phương Tây tìm cách buộc Nga phải chịu trách nhiệm.

Hiện trường vụ bắn rơi máy bay MH17 tại miền đông Ukraine năm 2014. Ảnh: Reuters  
Hiện trường vụ bắn rơi máy bay MH17 tại miền đông Ukraine năm 2014. Ảnh: Reuters  

Vào thời điểm đó, khu vực này đang diễn ra giao tranh giữa lực lượng ly khai thân Nga và quân Ukraine, tiền đề của cuộc xung đột đang diễn ra từ đầu năm nay.

Đã có nhiều suy đoán rằng những người đã bắn tên lửa nghĩ rằng họ đang nhắm vào một máy bay quân sự của Ukraine chứ không phải một máy bay thương mại. Quân ly khai đã từng bắn hạ máy bay Ukraine trước đó.

Nga triển khai chiến dịch quân sự tại Ukraine ngày 24/2/2022 và tuyên bố sáp nhập tỉnh Donetsk, nơi những mảnh vỡ từ máy bay MH17 từng nằm rải rác.

Nhà chức trách Ukraine và một số nước phương Tây cho rằng Nga và lực lượng ly khai ở miền Đông Ukraine đứng sau vụ việc, nhưng phía Nga kiên quyết bác bỏ, khẳng định máy bay đã trúng một tên lửa bắn đi từ khu vực do quân đội Chính phủ Ukraine kiểm soát.

Nga cho tới nay vẫn phủ nhận mọi liên quan hoặc trách nhiệm đối với thảm kịch MH17 vào năm 2014. 

Trong cuộc họp tại Moscow ngày 17/11, Vụ phó Vụ Thông tin và Báo chí của Bộ Ngoại giao Nga Ivan Nechaev cho biết Nga sẽ xem xét “quan điểm” của tòa án Hà Lan về vụ việc.

“Chúng tôi sẽ nghiên cứu phán quyết của tòa án Hà Lan, do trong tất cả những vấn đề này, mọi khía cạnh đều quan trọng. Sau khi nghiên cứu văn bản pháp lý, có lẽ chúng tôi sẽ đưa ra bình luận,” ông Nechaev nói.

Trong khi đó, Kiev hoan nghênh việc kết án ba nghi phạm. “Một quyết định quan trọng của tòa án. Bản án đầu tiên dành cho những kẻ chịu trách nhiệm bắn rơi MH17,” Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky viết trên Twitter, ông nói thêm rằng cần đưa cả những người ra lệnh cho vụ tấn công ra xét xử.

Theo Hãng tin Reuters, các gia đình nạn thân trong phòng xử án đã khóc và gạt nước mắt khi nghe Thẩm phán Steenhuis đọc bản án.