Như chúng ta đã biết, sự nguy hại của hàng giả, hàng nhái, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ đã ảnh hưởng nghiêm trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, an ninh trật tự, môi trường đầu tư và sức khỏe, tính mạng của người tiêu dùng. Đặc biệt đất nước ta đang trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng, vấn đề bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cũng như bảo vệ các tài sản sở hữu trí tuệ là một trong những yêu cầu cấp bách hiện nay.
Các đối tượng sản xuất, kinh doanh hàng giả bằng nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi để nhập lậu hàng hóa vào Việt Nam, tập trung vào các mặt hàng như các mặt tiêu dùng (quần áo, giày dép, hàng thời trang, phụ kiện, thực phẩm, dược phẩm, hóa mỹ phẩm…), vật liệu xây dựng, các mặt hàng điện tử, điện thoại di động, mặt hàng khẩu trang, cồn rửa tay, thiết bị dụng cụ y tế… để gia công, gắn bao bì, nhãn mác mới vào các sản phẩm trong nước, ngoài nước có uy tín, thương hiệu nổi tiếng như: Mỹ, Nhật Bản, Thái Lan, châu Âu... nhằm lừa dối khách hàng. Đặc biệt khi năm nay tình hình dịch Covid-19 khiến cho thị trường gặp nhiều biến động, việc khan hiếm hàng hóa như vật tư ý tế phòng chống dịch Covid – 19 khiến cho nhiều đối tượng vì chạy theo lợi nhuận đã tổ chức, sản xuất, buôn bán lưu thông hàng hóa kém chất lượng, giả mạo nhãn hàng hóa, bao bì, tên thương mại, địa chỉ của các doanh nghiệp uy tín, mập mờ về nguồn gốc xuất xứ… gây ảnh hưởng tiêu cực đến người tiêu dùng và các doanh nghiệp làm ăn chân chính. (Điển hình tháng 3/2020, Đội QLTT số 1 phối hợp với phòng PC03 - Công an Thành phố phát hiện Công ty Đức Anh đóng gói hàng nghìn bộ quần áo bảo hộ y tế mua trôi nổi trên thị trường, dán nhãn một số công ty có thương hiệu để bán ra thị trường).
Bên cạnh đó, hoạt động kinh doanh sử dụng tem nhập khẩu giả, in ấn bao bì nhãn mác giả có quy mô và số lượng lớn có dấu hiệu gia tăng và ngày càng khó kiểm soát. Trước đây, trong một số vụ việc hàng giả mà lực lượng QLTT Hà Nội vừa qua kiểm tra cho thấy, một số đối tượng đã móc nối giữa cá nhân và tổ chức nước ngoài làm hàng giả hoặc lợi dụng cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” để sản xuất, trà trộn hàng hóa giả mạo xuất xứ Việt Nam để lưu thông, tiêu thụ trên thị trường. (Điển hình trước đây như vụ hệ thống cửa hàng Khaisilk (Công ty TNHH Khải Đức) bán khăn lụa Trung Quốc nhưng gắn mác Made in Việt Nam; hệ thống cửa hàng thời trang Seven.AM (Công ty CP MHA) bán quần áo Trung Quốc nhưng gắn mác Made in Việt Nam; 1,8 triệu tấn nhôm (Công ty TNHH Nhôm Toàn Cầu Việt Nam) ghi gian lận xuất xứ hàng hóa Việt Nam là những vi phạm điển hình)
Trước tình hình trên, dưới sự chỉ đạo quyết liệt từ BCĐ 389/QG, Tổng cục Quản lý thị trường, UBND thành phố, Ban Chỉ đạo 389 TP. Hà Nội, Lực lượng QLTT Hà Nội đã triển khai thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để đấu tranh, kiểm tra, kiểm soát, xử lý nhiều vụ vi phạm về buôn lậu, hàng giả, gian lận thương mại, nguồn gốc xuất xứ và đã đạt được những kết quả tích cực, góp phần vào nhiệm vụ phát triển KT- XH, giữ gìn an ninh trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ quyền lợi của doanh nghiệp, người tiêu dùng thủ đô và cả nước.
Theo đó, đơn vị đã triển khai thực hiện các kế hoạch chuyên đề năm về đấu tranh chống sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng vi phạm SHTT; đặc biệt ngay từ đầu năm 2020 đã ban hành kế hoạch kiểm tra, xử lý hàng giả, hàng hóa vi phạm sở hữu trí tuệ tại một số địa bàn trọng điểm thuộc 05 quận huyện trên địa bàn Hà Nội như Hoàn Kiếm, Gia Lâm, Phúc Thọ, Hoài Đức, Phú Xuyên. Đồng thời trong năm 2020, Cục QLTT Hà Nội đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các Đội QLTT tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường hàng hóa theo các thời điểm, phù hợp với tình hình thực tế. Qua công tác kiểm tra, kiểm soát đã phát hiện, ngăn chặn, xử lý kịp thời nhiều vụ việc vi phạm có giá trị lớn và điển hình.
Về hàng giả, ngoài một số địa điểm, chúng tôi cũng thường xuyên kiểm tra một số quận huyện như Phúc Thọ, Phú Xuyên,... và đã phát hiện những vi phạm lớn. Theo quy định của pháp luật, chúng tôi đã chuyển hồ sơ đến công an để tiến hành xử lý theo pháp luật.
Cùng với đó, Cục QLTT Hà Nội thường xuyên phối hợp với các ban, ngành tổ chức tuyên truyền nâng cao hiểu biết của người dân, doanh nghiệp pháp luật thương mại, tuyên truyền về “Ngày phòng chống hàng giả, hàng nhái Việt Nam 29/11 hàng năm”...
*/ Kết quả kiểm tra, xử lý vi phạm:
Trong 11 tháng đầu năm 2020, Cục Quản lý thị trường thành phố Hà Nội đã kiểm tra, xử lý về hàng giả, vi phạm SHTT như sau:
Số vụ việc: 1.040 vụ. Số tiền phạt hành chính: 12.184.688.000 đồng. Trị giá hàng vi phạm: 10.360.849.000 đồng.
Hiện nay, Cục quản lý thị trường đã có đường dây nóng. Nhiều người dân đã gọi điện phản ánh về chất lượng một số sản phẩm khi mua qua mạng xã hội (Zalo, viber,...), những sản phẩm này không có địa điểm, không có cửa hàng, không phải thuê kho, họ chỉ cần có một chiếc máy tính, điện thoại kết nối mạng,... đó là điều rất khó cho đội quản lý thị trường trong quá trình kiểm soát chất lượng hàng hóa. Từ đó Nhà nước mất một khoản lớn trong công tác thu thuế.