Tọa đàm trực tuyến: “Đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo thuận lợi tối đa cho người dân, doanh nghiệp”

Kinh Tế Đô Thị
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 5/11, Báo Kinh tế & Đô thị tổ chức Tọa đàm trực tuyến Cải cách hành chính trên báo điện tử tại địa chỉ http://kinhtedothi.vn với chủ đề “Đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo thuận lợi tối đa cho người dân, doanh nghiệp”.

Năm 2020, TP Hà Nội đã và đang tiếp tục thực hiện các giải pháp cải cách mạnh mẽ, vì người dân và doanh nghiệp. Nhờ cải cách hành chính mạnh mẽ, TP Hà Nội đã đạt được những kết quả trên nhiều lĩnh vực. Để tiếp tục thực hiện công tác đẩy mạnh cải cải cách hành chính, tạo bước chuyển mạnh về kỷ luật, kỷ cương, ý thức trách nhiệm, chất lượng phục vụ Nhân dân của đội ngũ cán bộ, công chức. Hôm nay (5/11), báo Kinh tế & Đô thị tổ chức Tọa đàm trực tuyến Cải cách hành chính trên báo điện tử tại địa chỉ http://kinhtedothi.vn với chủ đề “Đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo thuận lợi tối đa cho người dân, doanh nghiệp”.
Phó Tổng Biên tập báo Kinh tế & Đô thị Nguyễn Anh Đức phát biểu tại buổi tọa đàm.
Qua đó, để phản ánh kết quả trong cải cách hành chính, đặc biệt là rà soát, đề xuất đơn giản hóa các thủ tục hành chính tại các cơ quan, đơn vị, quận huyện, xã phường trong hệ thống chính trị của Hà Nội. Áp dụng công nghệ thông tin trong cải cách hành chính; đẩy mạnh việc triển khai Dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp khi giải quyết các thủ tục hành chính. Đồng thời, thông qua các mô hình làm tốt, giới thiệu kinh nghiệm, cách làm, đồng thời đề xuất giải pháp tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong việc thực hiện công tác cải cách hành chính.

Tham dự buổi giao lưu - tọa đàm trực tuyến hôm nay, tôi xin trân trọng giới thiệu sự có mặt của:

- Bà Hoàng Thị Hồng Hải - Phó Trưởng Phòng Cải cách hành chính (Sở Nội vụ TP Hà Nội)

- Ông Nguyễn Hữu Lương - Phó Giám đốc trung tâm hỗ trợ DN nhỏ và vừa (Sở KH&ĐT TP)

- Bà Ngô Thị Sinh - Phó Phòng Nội vụ (UBND huyện Hoài Đức)

- Bà Vũ Trà Vinh - Phó Trưởng phòng Nội vụ (UBND quận Đống Đa)

- Ông Lưu Đình Lượng - Chủ tịch UBND phường Khương Mai (quận Thanh Xuân)

Phát biểu tại buổi tọa đàm, ông Nguyễn Anh Đức - Phó Tổng Biên tập báo Kinh tế & Đô thị cho biết, trong những năm gần đây, báo Kinh tế & Đô thị đã thường xuyên tổ chức tọa đàm trực tuyến về công tác cải cách hành chính (CCHC) của TP Hà Nội.
Với TP Hà Nội, trong nhiệm kỳ qua, công tác CCHC từ TP đến các sở, ngành, quận, huyện xuống đến các phường, xã... đã có nhiều chuyển biến tích cực, thể hiện qua các chỉ số xếp hạng trên toàn quốc, cũng như cảm nhận của người dân đối với cơ quan hành chính. Từ đó, người dân đã có nhiều thiện cảm đối với cán bộ thực hiện công tác tiếp dân, bộ phận một cửa, CCHC hay đối với các sở, ban, ngành...
Đối với báo Kinh tế & Đô thị, đã thường xuyên phản ánh và nhìn nhận các cách làm, mô hình hay để về CCHC để tuyên truyền vì mục đích phục vụ người dân, doanh nghiệp. Cụ thể, báo Kinh tế & Đô thị đã thực hiện tuyên truyền thông qua báo in, báo điện tử, và xác định đây cũng là nhiệm vụ trong mục tiêu xây dựng Chính phủ điện tử.
"Tôi mong qua buổi tọa đàm, chúng ta có điều kiện trao đổi với bạn đọc báo Kinh tế & Đô thị về công tác CCHC trên địa bàn nói chung, và tại các sở, ngành phường xã ngày càng tốt hơn" - Phó Tổng Biên tập báo Kinh tế & Đô thị Nguyễn Anh Đức mong muốn.
KHÁCH MỜI THAM DỰ
  • Tọa đàm trực tuyến: “Đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo thuận lợi tối đa cho người dân, doanh nghiệp” - Ảnh 2

    Phó Trưởng Phòng Cải cách hành chính (Sở Nội vụ TP Hà Nội)

    Bà Hoàng Thị Hồng Hải

  • Tọa đàm trực tuyến: “Đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo thuận lợi tối đa cho người dân, doanh nghiệp” - Ảnh 3

    Phó Giám đốc trung tâm hỗ trợ DN nhỏ và vừa (Sở KH&ĐT TP Hà Nội)

    Ông Nguyễn Hữu Lương

  • Tọa đàm trực tuyến: “Đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo thuận lợi tối đa cho người dân, doanh nghiệp” - Ảnh 4

    Phó Trưởng phòng Nội vụ (UBND quận Đống Đa)

    Bà Vũ Trà Vinh

  • Tọa đàm trực tuyến: “Đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo thuận lợi tối đa cho người dân, doanh nghiệp” - Ảnh 5

    Chủ tịch UBND phường Khương Mai (quận Thanh Xuân)

    Ông Lưu Đình Lượng

  • Tọa đàm trực tuyến: “Đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo thuận lợi tối đa cho người dân, doanh nghiệp” - Ảnh 6

    Phó Trưởng Phòng Nội vụ (UBND huyện Hoài Đức)

    Bà Ngô Thị Sinh

Nội dung giao lưu trực tuyến
Bạn đọc Nguyễn Minh Anh (Thái Thịnh, Đống Đa, HN) hỏi:
Trong thời gian tới, Sở Kế hoạch & Đầu tư Hà Nội sẽ tập trung vào những giải pháp ra sao để đẩy mạnh cải cách hành chính gắn với xây dựng chính quyền điện tử, nền hành chính công hiện đại nhằm góp phần tạo môi trường kinh doanh thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp phát triển?
Tọa đàm trực tuyến: “Đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo thuận lợi tối đa cho người dân, doanh nghiệp” - Ảnh 7
Ông Nguyễn Hữu Lương trả lời:
Tôi rất nhất trí với ý kiến của các khách mời khác. Ngoài ra, việc nâng cao chất lượng dịch vụ CCHC cần tập trung vào những vấn đề sau:
 Ví dụ như các anh chị cấp phường, xã, chúng ta cần làm tốt việc tiếp đón người dân, và tiếp nhận hồ sơ với tinh thần, thái độ chuyên nghiệp, quan điểm đúng đắn là phục vụ người dân.
 Sở KH-ĐT quán triệt và tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyên trong giai đoạn tới, coi việc xử lý hồ sợ DN, người dân là người nhà của mình. Chúng ta là cán bộ công chức nhưng khi làm thủ tục nơi khác thì là người dân. Do đó cần luôn đặt trong vai trò của người dân để làm tốt việc này.
 Thứ hai là để tiếp nhận hồ sơ người dân nhanh, ít sai sót, thì cần ứng dụng CNTT. Nhưng việc ứng dụng và xây dựng cơ sở dữ liệu không đơn giản và cần quá trình dài, trong đó cần có sự quan tâm, giành thời gian nguồn lực từ tài chính đến nỗ lực các ban ngành.
 Với Sở KH-ĐT, các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3,4 cần nâng lên tỉ lệ 100% mức 3 và 4 trong 3 năm tới, ví dụ như thủ tục đăng ký kinh doanh. Ngoài ra, các thủ tục khác thì dù còn tuỳ thuộc quy định Chính phủ, các bộ, ngành, nhưng chúng tôi sẽ rà soát phát hiện vướng mắc bất cập, tìm ra hạn chế và đề xuất giải pháp, kiến ghị TƯ, TP xử lý bất cấp trong quá trình thực hiện.
 Ngoài ra, cần tiếp tục rà soát TTHC, với góc độ cấp Sở, các chính sách TP ban hành, ngành KH-ĐT tham mưu, thì cần tập trung làm tốt vấn đề thể chế và hành lang pháp lý thuộc lĩnh vực ngành theo dõi, để trình chính sách thực sự hiệu quả.
 Bên cạnh đó, các địa phương cần thực hiện góp ý cho các sở ban ngành có liên quan để thay đổi, điều chỉnh cho phù hợp. Còn vấn đề tôi đồng tình với chị Hải và anh Lượng là ngoài chủ trương, chỉ đạo, nhưng không thể thiếu sự kiểm tra, giám sát, phát hiện những vấn đề chưa hợp lý cần khắc phục.
 Với góc độ là cán bộ công chức, đây là điều quan trọng, giúp ghi nhận những các cán bộ thực hiện tốt, và ngược lại cần chấn chính những người làm chưa tốt, tạo ra vòng quay vận hành chuyên nghiệp trong các cơ quan nhà nước. Như vậy, các cán bộ công chứng từ cấp phường, quận, huyện, tới TP sẽ tiến tới không dám làm sai, không thể làm sai và không muốn làm sai. 
Bạn đọc Nguyễn Văn Oánh (orableb1@gmail.com) hỏi:
Qua rà soát thực hiện TTHC, phường Khương Mai có đề xuất gì với quận, cơ quan chức năng? Ngoài giải pháp đang thực hiện, phường có phương án, giải pháp điểm nhấn gì để tạo thuận lợi cho người dân khi thực hiện TTHC trong thời gian tới?
Tọa đàm trực tuyến: “Đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo thuận lợi tối đa cho người dân, doanh nghiệp” - Ảnh 8
Ông Lưu Đình Lượng trả lời:
Để nâng cao chất lượng thực hiện TTHC, chúng tôi cũng mong muốn Sở Nội vụ tổ chức giao lưu các phường, xã có cách làm hay để nhân rộng. Bên cạnh đó, trang thiết bị, hạ tầng dùng chung 3 cấp TP phải được đảm bảo. 
Chúng ta cũng cần chú trọng bồi dưỡng, tập huấn về kỹ năng, nghiệp vụ đảm bảo cho đội ngũ công chức có trình độ, kiến thức đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.
Về giải pháp, chú trọng trang thiết bị, điều kiện cơ sở vật chất một cách tốt nhất. Quan trọng nhất phải có phân cấp cho phường, gắn trách nhiệm của từng cán bộ, công chức phụ trách với kết quả giải quyết hồ sơ trực tuyến. Ngoài ra, phân công cụ thể cán bộ phụ trách công tác cải cách hành chính và một công chức theo dõi, phụ trách tổng hợp về công tác triển khai thực hiện dịch vụ công.
Đặc biệt, phát huy tốt vai trò của người dân trong việc giám sát, tham gia phát hiện và góp ý, phê bình trước những hiện tượng sách nhiễu, tiêu cực trong giải quyết thủ tục hành chính. 
Bạn đọc Nguyễn Anh Đức (Bách Khoa, Hai Bà Trưng, Hà Nội) hỏi:
 Từ những kết quả này, xin ông/bà cho biết trong thời gian tới, Thành phố sẽ tập trung vào những giải pháp trọng tâm gì để ngày càng tạo thuận lợi trong giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp?
Tọa đàm trực tuyến: “Đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo thuận lợi tối đa cho người dân, doanh nghiệp” - Ảnh 9
Bà Hoàng Thị Hồng Hải trả lời:
Hiện cuối năm 2020 là thời điểm hết sức đặc biệt, không chỉ chuẩn bị xây dựng nhiệm vụ CCHC cho năm hành chính 2021, mà còn là thời điểm quan trọng để TP Hà Nội xác định những mục tiêu CCHC cho cả giai đoạn 2021-2025 và 2021-2030. Sắp tới, Sở Nội vụ sẽ tham mưu xây dựng Kế hoạch của UBND TP triển khai Chương trình tổng thể CCHC nhà nước giai đoạn 2021-2030 do Chính phủ ban hành và tham mưu xây dựng Kế hoạch của UBND TP triển khai Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ 17 Đảng bộ TP Hà Nội nhiệm kỳ 2020-2025 trên lĩnh vực CCHC.
Các nhiệm vụ trọng tâm của Kế hoạch CCHC giai đoạn 5 năm, 10 năm nêu trên sẽ phải căn cứ vào định hướng của các Chương trình công tác của Thành ủy Hà Nội khóa 17, nhiệm kỳ 2021-2025 và bám sát 6 trục nội dung về CCHC được nêu trong dự thảo Chương trình tổng thể về CCHC của Chính phủ giai đoạn 2021-2030 là: Cải cách thể chế; cải cách TTHC; cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước; cải cách chế độ công vụ (giai đoạn trước là Xây dựng đội ngũ cán bộ công chức); cải cách tài chính công; xây dựng và phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số (giai đoạn trước là Hiện đại hóa hành chính).
Sở Nội vụ sẽ bám vào 6 trục nội dung này để tham mưu cho TP, trong đó cần tập trung một số giải pháp trong quá trình triển khai thực hiện là:
Một là, tăng cường vai trò chỉ đạo, điều hành việc thực hiện CCHC của UBND các cấp từ TP đến cơ sở; tăng cường vai trò, trách nhiệm, năng lực của cơ quan tham mưu của TP trên các lĩnh vực; xây dựng cơ chế phối hợp, thống nhất, phân công trách nhiệm, thẩm quyền cụ thể giữa các cơ quan chủ trì triển khai các nội dung CCHC. Công tác chỉ đạo điều hành này cần tăng cường trong cả hệ thống, từ lãnh đạo cấp TP đến lãnh đạo cấp cơ sở. Đặc biệt, cần xây dựng được cơ chế phân công phối hợp, phân cấp phân quyền rõ ràng.
Hai là, tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến thông tin để mọi cán bộ, công chức, người dân, doanh nghiệp và xã hội nhận thức đúng, đồng thuận, chấp hành các chủ trương, chính sách, nội dung CCHC của Đảng, Nhà nước, của TP, bởi vì CCHC không chỉ là công việc riêng của hệ thống hành chính, mà là yêu cầu chung của toàn xã hội. Bởi lẽ, quan điểm mới hiện nay là “Nhà nước phục vụ” nên trách nhiệm CCHC không chỉ trong hệ thống chính quyền mà cần sự đồng lòng đồng hành của xã hội.
Ba là, bố trí đủ nguồn lực tài chính và huy động, bố trí đủ cán bộ, công chức, viên chức có năng lực xây dựng, tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ CCHC từ TP đến cơ sở.
Bốn là, tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, đạo đức công vụ trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đi liền với các chính sách đãi ngộ, động viên, khuyến khích; tạo động lực cải cách từ chính bên trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức bằng nhiều biện pháp, trong đó có khen thưởng kỷ luật đúng, tạo cho họ yên tâm trong công việc.
Năm là, đổi mới phương pháp theo dõi, đánh giá định kỳ kết quả thực hiện nhiệm vụ CCHC; thường xuyên đo lường sự hài lòng của người dân, tổ chức. Trong đó, nhìn vào hiệu quả “đầu ra” nhiều hơn “đầu vào”. Điểm số điều tra xã hội học sẽ được tăng tỷ lệ, hàm lượng hơn trong các tiêu chí đánh giá CCHC.
Sáu là, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong thực hiện từng nội dung CCHC. Bởi tiến tới một nền hành chính hiện đại, ứng dụng công nghệ thông tin và khoa học công nghệ là điều kiện cốt yếu.
Bạn đọc Lê Thị Hồng (Huyện Chương Mỹ, Hà Nội) hỏi:

Để nâng cao hơn nữa sự hài lòng của người dân, DN với sự phục vụ của các cơ quan hành chính, đồng thời nâng cao hơn nữa chỉ số xếp hạng CCHC của huyện Hoài Đức, huyện dự kiến sẽ tập trung vào giải quyết những vấn đề trọng tâm gì?

Tọa đàm trực tuyến: “Đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo thuận lợi tối đa cho người dân, doanh nghiệp” - Ảnh 10
Bà Ngô Thị Sinh trả lời:
Thời gian tới, huyện Hoài Đức đang trong quá trình dự thảo công tác CCHC cho toàn khóa, coi đây là nhiệm vụ quan trọng với chất lượng được nâng cao hơn nữa. Với tốc độ phát triển của huyện ngày càng mạnh mẽ, Hoài Đức sẽ tiếp tục cải cách hành chính.
Huyện sẽ chú trọng xây dựng tính chuyên nghiệp của cán bộ công chức nhằm đáp ứng thay đổi của nhiệm vụ trong thời gian tới. Hoài Đức sẽ tập trung đầu tư ứng dụng CNTT trong các công việc hành chính nói chung nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người dân.
Ngoài ra, huyện tiếp tục nâng cao chất lượng giải quyết thủ tục hành chính, nâng cao chất lượng của cơ chế 1 cửa, đặc biệt là đẩy mạnh ứng dụng CNTT. Cung cấp dịch vụ công trực tuyến, tăng cường tuyên truyền cho người dân sử dụng các dịch vụ dạng này qua internet.
Huyện Hoài Đức dự kiến tăng cường công tác chỉ đạo điều hành, từ chính quyền và các đoàn thể nhân dân vào cuộc nhằm nâng cao chất lượng các TTHC.
Bạn đọc Trần Trung Tá (Quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) hỏi:
Xin ông cho biết kết quả triển khai các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 tại phường Khương Mai. Phường có gặp thuận lợi, khó khăn gì khi thực hiện?
Tọa đàm trực tuyến: “Đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo thuận lợi tối đa cho người dân, doanh nghiệp” - Ảnh 11
Ông Lưu Đình Lượng trả lời:
Việc triển khai các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 đã tạo thuận tiện cho người dân, đồng thời tăng cường công tác kiểm tra giám sát tại phường, quận khi thực hiện. Sự đồng bộ giữa cổng TTĐT của Chính phủ, phần mềm dùng chung 3 cấp của TP, quận tập huấn kiến thức, trang thiết bị cho cán bộ công chức; phường tổ chức tập huấn trực tiếp trên máy đến các cán bộ cơ sở để từ đó các đồng chí hướng dẫn cho người dân nắm được.
Tuy nhiên, việc áp dụng CNTT trong các TTHC mức độ 3, 4 của công dân còn hạn chế, chưa đồng đều, cán bộ công chức mất thời gian giải thích và hướng dẫn. Một số khác thì chưa quen việc sử dụng công nghệ thông tin dẫn đến khó khăn trong việc đăng ký, làm theo các thủ tục trực tuyến. Một số thủ tục người dân vẫn phải mang hồ sơ đến phường để làm thủ tục.
Bên cạnh đó, đường truyền của TP có lúc bị treo, ảnh hưởng trong quá trình tiếp nhận và giải quyết hồ sơ trực tuyến. Ngoài ra, người dân giờ đây có tư duy “được phục vụ”, sẵn sàng trả phí phục vụ (theo quy định của Nhà nước) chứ không còn suy nghĩ là người đi “xin” giải quyết thủ tục hành chính như trước đây. Nghĩa là người dân yêu cầu chính quyền phải phục vụ người dân một cách tốt nhất.
Đặc biệt, phường chỉ có 3 công chức một cửa và phải thực hiện nhiều thủ tục nên cũng tạo áp lực. Tuy nhiên, phường đang từng bước khắc phục khó khăn này.
Nhờ những nỗ lực trên, tính đến ngày 2/10/2020, UBND phường Khương Mai đạt 2 năm liên tiếp có chỉ số hài lòng do người dân đánh giá cao nhất quận đạt 100% và gần như không có phát sinh.
Bạn đọc Nguyễn Thị Mong (Huyện Quốc Oai, Hà Nội) hỏi:

Rà soát, đơn giản hóa TTHC là một trong những vấn đề trọng tâm được TP rất chú trọng, để tạo thuận lợi hơn cho người dân, DN khi giải quyết các giao dịch hành chính. Tại huyện Hoài Đức, vấn đề này được triển khai ra sao, có vướng mắc khó khăn gì không, thưa bà?

Tọa đàm trực tuyến: “Đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo thuận lợi tối đa cho người dân, doanh nghiệp” - Ảnh 12
Bà Ngô Thị Sinh trả lời:
Công tác này là nhiệm vụ trọng tâm trong CCHC của Hoài Đức. Với tốc độ phát triển của huyện hiện nay đang đặt ra áp lực lên bộ máy hành chính của huyện đi kèm với đó là một số khó khăn nhất định. Việc đơn giản hóa thủ tục hành chính được thực hiện theo hướng làm tốt hơn. Mỗi cấp dưới có 1 đầu mối chính phụ trách cập nhật TTCH cũng như ý kiến phản hồi của người dân. Hàng năm có tổ chức đối thoại với người dân để đưa ra góp ý cho quá trình thực hiện TTHC.
Để thực hiện tốt hơn TTHC, huyện đã thực hiện hệ thống và quy trình hóa trong giải quyết TTHC. Trong đó quy định rõ từng bước phải thực hiện thế nào và trong thời gian bao lâu. Thực hiện 100% cơ chế 1 cửa liên thông với các TTHC.
 Bà Ngô Thị Sinh trả lời câu hỏi của độc giả.
Huyện khuyến khích đơn vị giảm thời gian giảm TTHC và trên thực tế các đơn vị của huyện đã giải quyết tốt theo định hướng này.
Các đơn vị cũng tăng cường mô hình tại nhà. Huyện Hoài Đức cũng ký quy chế và ban hành rộng rãi để các đơn vị 1 cửa phối hợp với phía bưu điện để thực hiện TTHC trả kết quả tại nhà, phần lớn nhu cầu đến từ phía doanh nghiệp.
Về nhân lực, Hoài Đức đang gặp khó khăn so với tinh thần tăng nhân lực nhưng phải giảm biên chế. Bên cạnh đó hệ thống luật pháp thường xuyên thay đổi dẫn tới TTHC thường xuyên thay đổi theo, dẫn tới mất nhiều thời gian để cán bộ cũng như người dân thích ứng. Với TTHC liên thông, hiện công chức xã phường phải làm giúp cho đơn vị khác khiến nhân lực bị phân tán.
Bạn đọc Trần thị Thảo (Thái Thịnh, Hà Nội) hỏi:
Tại một số quận, huyện đã đạt được nhiều kết quả tích cực, song khi giải quyết những thủ tục cần sự liên thông giữa nhiều cơ quan, đơn vị vẫn gặp những vướng mắc nhất định. Vậy tại quận Đống Đa có gặp những vướng mắc nào không. Từ kinh nghiệm của quận, bà có thể chia sẻ những kinh nghiệm trong việc rà soát, đơn giản hóa TTHC và giảm số ngày giải quyết các thủ tục, tạo thuận lợi nhất cho người dân, đơn vị đến giao dịch?
Tọa đàm trực tuyến: “Đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo thuận lợi tối đa cho người dân, doanh nghiệp” - Ảnh 14
Bà Vũ Trà Vinh trả lời:
Năm 2019, quận Đống Đa được xếp hạng đứng thứ 3/30 quận, huyện và năm 2020 phấn đấu nâng cao xếp hạng so với năm 2019 quận, huyện. UBND quận Đống Đa luôn xác định công tác CCHC là nhiệm vụ chính trị, trọng tâm nhằm xây dựng nền hành chính phục vụ, hiện đại, chuyên nghiệp; nâng cao hiệu quả công tác cải cách TTHC bảo đảm tính công khai, minh bạch, thuận lợi cho tổ chức, cá nhân và DN; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức hợp lý về cơ cấu, đủ năng lực, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Qua đó, công tác CCHC đặc biệt là cải cách TTHC của quận Đống Đa trong năm qua đạt được nhiều kết quả tốt, thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết công việc cho cá nhân, tổ chức đã đi vào nền nếp, hiệu quả, tỷ lệ giải quyết hồ sơ hành chính cho công dân đạt tỷ lệ đúng hạn và trước hạn luôn duy trì mức 98 - 99% từ cấp Quận đến cấp Phường.
Nhiều quy trình giải quyết TTHC đã được rút gắn thời gian giải quyết so với quy định (Đăng ký thành lập hộ kinh doanh từ 3 ngày xuống 2,5 ngày; cấp phép xây dựng từ 9 ngày xuống 7 ngày làm việc; đăng ký kết hôn có yếu tố nước ngoài từ 15 ngày xuống 12 ngày; cấp giấy xác nhận kiến thức về ATTP cho tổ chức cá nhân từ 13 ngày xuống còn 11 ngày làm việc).
Với tinh thần hành chính phục vụ, lấy sự hài lòng của người dân là thước đo đánh giá cán bộ, công chức. Do đó trong năm qua mức độ hài lòng của người dân đối sự phục vụ của các cơ quan hành chính nhà nước quận Đống Đa ngày càng được tăng cao. Người dân ngày càng hài lòng về các nội dung quận triển khai chỉ đạo CCHC, các đơn vị ghi nhận. Đặc biệt với chỉ đạo của thành phố, quận sẽ phối hợp nâng cao hiệu quả CCHC hơn nữa.    
Bạn đọc Lại Thúy Hằng (Thụy Khuê, Tây Hồ, Hà Nội) hỏi:
Về nội dung đăng ký thành lập DN qua mạng, theo nắm bắt của anh vướng mắc khó khăn hiện ở đâu?
Tọa đàm trực tuyến: “Đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo thuận lợi tối đa cho người dân, doanh nghiệp” - Ảnh 15
Ông Nguyễn Hữu Lương trả lời:
Đối với thủ tục đăng ký DN, trước là hồ sơ giấy qua 1 cửa, nay qua mạng mức triển khai dịch vụ công mức độ 3,4, thì với thủ tục đăng ký kinh doanh, DN nộp hồ sơ qua mạng, và sau đó được phản hồi về tính hợp lệ của hồ sợ. Khi hoàn tất thì nộp bản giấy để cấp giấy chứng nhận bản giấy.
Đối với thủ tục này thì có thể ứng dụng chữ ký số, nhưng do một số quy định, số lượng DN thực hiện quy trình này còn hạn chế.
Ông Nguyễn Hữu Lương trả lời câu hỏi của độc giả.
 Hiện TP đang chỉ đạo sở quyết tâm đẩy mạnh thực hiện cấp độ 4, hiện tỉ lệ ứng dụng cấp 3 đã đạt 100% nhưng với cấp độ 4 thì còn thấp, trong đó yêu cầu DN phải hoàn chỉnh thêm về pháp lý.
Khi thực hiện thủ tục đăng ký DN cấp độ 3, dù DNđã có tiết kiêm thời gian chi phí và cách thưc thực hiện nhưng còn vướng mắc, ví dụ như các mẫu giấy tờ DN phải chuẩn bị thì có đơn giản hóa, nhưng còn nhiều vấn đề cần khắc phục, như thay đổi đăng ký DN thì phải có nghị quyết họp hội đồng quản trị với bản ký đóng dấu, sau đó scan văn bản để gắn lên phần mềm nộp cho cơ quan đăng ký.
Trong vấn đề nộp hồ sơ trên mạng thì cũng có khó khăn nhất định, như khi người sử dụng chưa quen giao diện thì có thể còn nhầm và bỏ sót nhiều yêu cầu, dẫn đến hồ sơ không được chấp thuận và phải điều chỉnh lại.
Ngoài ra, với số lượng hồ sơ lớn vào khoảng 200.000 hồ sơ mỗi năm, các cán bộ còn phải đảm bảo nhiều nhiệm vụ nên tỉ lệ hồ sơ chậm dù chỉ khoảng 1%, nhưng vẫn là tương đương 2.000 bộ hồ sợ. Nên tới đây, Sở quyết tâm cải thiện vấn đề này và đẩy cao hơn số hồ sơ ứng dụng dịch vụ công mức độ 4.
Trước đây, khi đăng ký DN thì cần đính kèm căn cước hay CMND, trước thì cần nộp kèm bản sao công chứng, nhưng nay thì chỉ cần bản photo. Tới đây khi có mã số công dân thì sẽ không cần nữa. 
Bạn đọc Nguyễn Bắc Sơn (Giảng Võ, Hà Nội) hỏi:
Nhằm triển khai Nghị quyết số 35/NQ-CP về hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, Nghị quyết số 19-2016/NQ-CP về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh của Chính phủ và các văn bản liên quan, thời gian gần đây TP đã thực hiện các biện pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cải cách TTHC ra sao nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, nhất là trong các lĩnh vực như đất đai, hải quan, thuế, bảo hiểm xã hội...?
Tọa đàm trực tuyến: “Đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo thuận lợi tối đa cho người dân, doanh nghiệp” - Ảnh 17
Ông Nguyễn Hữu Lương trả lời:
Hiện với công tác hỗ trợ DN theo luật Hỗ trợ DNNVV, Bộ KH-ĐT làm đầu mối tổng hợp báo cáo TP và Chính phủ. Để nâng cao chất lượng hoạt động này thì có liên quan tới nhiều ngành và lĩnh vực khác nhau.
Trong hoạt động DN thì có nhiều TTHC, như thuế, bảo hiểm, hải quan… theo báo cáo của các sở, ngành, những mảng này đều đang có sự chuyển biến tích cực.
Ví như ngành thuế đang triển khai nâng cao chất lượng dịch vụ, bao gồm áp dụng hóa đơn điện tử, kê khai thuế điện tử, qua đó giảm nhiều thời gian, công sức cho DN khi thực hiện thủ tục thuế. Trước đây khi cơ quan thuế chưa thực hiện kê khai thuế trực tuyến, thì DN mất rất nhiều thời gian, nay quy trình này đã được giảm tải, mọi thức đều rõ ràng, minh bạch, giảm thiểu yếu tố sai sót từ con người.
Trong lĩnh vực thuế, các đơn vị đang triển khai tốt nội dung tuyên truyền giải đáp vướng mắc, hỗ trợ, các phòng chuyên môn cũng thường thực hiện các hội nghị giải đáp vướng mắc cho người nộp thuế. Về thuế thì với đặc thù văn bản pháp luật nhiều, chi tiết, thay đổi thường xuyên, thì các cơ quan thuế phải thường xuyên cập nhật và thông tin cho người dân, DN. Tôi thấy hiện ngành thuế đã làm tốt vai trò hướng dẫn, tuyên truyền cập nhật chính sách cho người dân.
Còn một số vấn đề đất đai, hải quan, bảo hiệm, thì các ngành đều thực hiện đúng quy định, đồng thời cũng để ý tới chất lượng TTHC, lắng nghe và cập nhật các khó khăn của DN. Hầu hết các ngành như hải quan, thuế,… đều tổ chức gặp gỡ tiếp xúc với người dân, DN hàng năm để chia sẻ vướng mắcvà nắm bắt, đề xuất báo cáo chính phủ các bộ liên quan để sửa đổi tháo gỡ.
Ngoài ra, việc ứng dụng dịch vụ công trực tuyến cấp độ 3, 4, là nội dung quan trong nhằm nâng cao chất lượng hài lòng người dân và tiến tới việc xây dựng chính quyền địa tử và chính phủ số.
Bạn đọc Cao Hải Viên (Láng Hạ, Hà Nội) hỏi:
Được biết, gần đây, nhiều người dân rất hài lòng khi đến bộ phận "Một cửa" của quận Đống Đa và các phường bởi cảm nhận được chuyển biến rõ nét về cơ sở vật chất, trang thiết bị hỗ trợ thực hiện TTHC. Vậy bà có thể chia sẻ với bạn đọc của báo, quận đã đầu tư cho bộ phận này ra sao, và đây có phải là nguyên nhân quan trọng góp phần “tăng điểm” CCHC của quận Đống Đa?
Tọa đàm trực tuyến: “Đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo thuận lợi tối đa cho người dân, doanh nghiệp” - Ảnh 18
Bà Vũ Trà Vinh trả lời:
Trong những năm qua, UBND quận Đống Đa đặc biệt quan tâm đến công tác cải cách TTHC, với mục tiêu xây dựng Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của UBND quận và UBND các phường theo hướng phục vụ, chuyên nghiệp, hiện đại. Do đó, UBND quận đã tập trung đầu tư đồng bộ cơ sở vật chất, trang thiết bị tin học và ứng dụng CNTT trong tiếp nhận và giải quyết TTHC để phục vụ Nhân dân một cách tốt nhất.
Đặc biệt hơn nữa, đầu năm 2020 Quận đã hoàn thành đầu tư trụ sở mới, trong đó dành diện tích lớn đủ xây dựng bộ phận Một cửa quận khang trang, hiện đại, đáp ứng được yêu cầu trong việc ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động tiếp nhận và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính của các tổ chức, cá nhân đến giao dịch.
Trong các tiêu chí đánh giá mức độ hài lòng về CCHC, việc đầu tư cơ sở vật chất Bộ phận một cửa (BPMC) này cũng là đóng góp thành công đánh kể. UBND quận đã chỉ đạo triển khai lắp đặt các máy móc, thiết bị phục vụ bộ phận này, trong đó chú trọng cập nhật phần mềm, internet tốc độ cao, máy tính hiện đại...
Cùng với việc quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, UBND quận chú trọng đến công tác cán bộ làm việc tại BPMC, với đội ngũ công chức có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ được được lựa chọn từ các cơ quan, bộ phận chuyên môn của các đơn vị. Đồng thời, UBND quận đã mở nhiều lớp tập tập huấn, bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ và kỹ năng hành chính. Do đó, việc hướng dẫn, phục vụ nhân dân trong giải quyết TTHC được thực hiện tận tình, hiệu quả, cá nhân, tổ chức đến làm hồ sơ giải quyết TTHC không phải đi lại nhiều lần để bổ sung hồ sơ, giấy tờ.
Việc niêm yết công khai, minh bạch, đầy đủ, kịp thời toàn bộ các nội dung của TTHC tại BPMC cũng chính là công khai các điều kiện để giám sát hoạt động của các phòng ban chuyên môn, người dân vừa là người thực hiện vừa là người giám sát. Với nhiều hình thức niêm yết công khai và tại Cổng thông tin của quận cũng tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tra cứu, tìm hiểu, theo dõi về TTHC.
Từ những công việc được triển khai đồng bộ, hiệu quả trên đã góp phần tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân khi đến liên hệ giải quyết công việc với các cơ quan hành chính của quận. Đồng thời, ý thức, tinh thần phục vụ Nhân dân của đội ngũ cán bộ, công chức cũng được nâng cao và góp phần quan trọng trong việc nâng mức hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của các cơ quan hành chính quận Đống Đa.
Bạn đọc Trương Quỳnh Anh (Long Biên, Hà Nội) hỏi:
Thông qua kiểm tra công vụ, kiểm tra CCHC tại các sở, ngành, quận, huyện… từ đầu năm đến nay, bà có thể đưa ra nhận định về những chuyển biến tích cực của các đơn vị trong thực hiện cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông vào giải quyết TTHC, nâng cao chất lượng phục vụ Nhân dân?
Tọa đàm trực tuyến: “Đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo thuận lợi tối đa cho người dân, doanh nghiệp” - Ảnh 19
Bà Hoàng Thị Hồng Hải trả lời:
Công tác kiểm tra công vụ góp phần chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương hành chính và thái độ, tác phong làm việc của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thuộc TP. Từ đầu năm 2020 đến nay, Đoàn kiểm tra công vụ của TP thực hiện kiểm tra công vụ đột xuất đối với 53 đơn vị; khảo sát 12 địa điểm tổ chức lễ hội trong dịp đầu năm; kiểm tra theo chỉ đạo của Bộ Nội vụ, UBND TP, Chủ tịch UBND TP đối với 7 vụ việc; thực hiện kiểm tra trực tiếp chuyên ngành nội vụ đối với 3 đơn vị.
Trong năm cũng tiến hành kiểm tra với những vấn đề dư luận phản ánh, trong đó kiểm tra nhiều về công tác tuyển dụng viên chức đối với các cơ quan, đơn vị; giám sát các kỳ thăng hạng chức danh nghề nghiệp của viên chức; kiểm tra công tác tuyển dụng viên chức làm việc tại các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học, THCS công lập trực thuộc UBND quận, huyện, thị xã của TP trong kỳ tuyển dụng năm 2019.
Song song với kiểm tra, đoàn cũng hướng dẫn các cơ quan, đơn vị trực thuộc TP thực hiện kiểm tra về công tác tổ chức cán bộ; việc tiếp nhận, xác minh các thông tin được phương tiện thông tin đại chúng và công dân phản ánh về công tác tổ chức cán bộ thực hiện trong năm 2019… Cùng với đó, các đoàn kiểm tra CCHC của TP cũng tăng cường kiểm tra đột xuất với hơn 40 lượt đơn vị.
Công tác kiểm tra, giám sát ngày càng được tăng cường đã góp phần tạo chuyển biến rõ nét trong thực hiện nhiệm vụ chuyên môn ở các cơ quan, đơn vị. Đội ngũ cán bộ công chức, viên chức TP đã có chuyển biến tích cực về nhận thức, hành động và hiệu quả phục vụ.
Các cơ quan, đơn vị đã chú trọng xử lý các vấn đề sau kiểm tra, kiên quyết xử lý nghiêm cán bộ, công chức, viên chức để xảy ra sai phạm; nghiêm túc thực hiện việc tổ chức chỉ đạo, điều hành cơ quan, đơn vị trong giai đoạn phòng chống dịch Covid-19 theo chỉ đạo của TP, đảm bảo việc tiếp nhận và giải quyết hồ sơ hành chính, việc tiếp công dân và các nhiệm vụ chuyên môn thực hiện liên tục, không bị gián đoạn. Đó thực sự là những chuyển biến mà người dân có thể nhìn thấy rõ.
Cùng đó, TP cũng chú trọng tái kiểm tra với các đơn vị sau khi đã được kiểm tra, nhắc nhở. Công tác tiếp dân, giải quyết TTHC của các đơn vị trong năm 2020 dù trong hoàn cảnh dịch Covid-19 nhưng vẫn được liên tục, không bị gián đoạn.
Bạn đọc Phương Hữu Lộc (locphuong2101@gmail.com) hỏi:
Tại phường Khương Mai, người dân đến giao dịch, thực hiện thủ tục hành chính chủ yếu về lĩnh vực gì? Vậy phường làm thế để tạo thuận lợi tối đa cho người dân khi đến phường thực hiện thủ tục?
Tọa đàm trực tuyến: “Đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo thuận lợi tối đa cho người dân, doanh nghiệp” - Ảnh 20
Ông Lưu Đình Lượng trả lời:
Người dân thường tới bộ phận tiếp nhận và trả kết quả UBND phường Khương Mai để được giải quyết các thủ tục như: Chứng thực bản sao, chứng thực chữ ký; Đăng ký khai sinh, khai tử, kết hôn; Cấp trích lục hộ tịch, cấp giấy xác nhận tình trạng hôn nhân…
Ông Lưu Đình Lượng trả lời câu hỏi của độc giả.
Trong quá trình giải quyết các TTHC, phường là đơn vị gần dân nhất. Khi thực hiện trả kết quả, lãnh đạo quận chỉ đạo các phường phải tạo điều kiện trả kết quả nhanh nhất cho người dân.
UBND phường Khương Mai đã tạo điều kiện tối đa khi hoàn toàn có thể thực hiện đăng ký và nhận kết quả các TTHC trên hình thức lưu động và vẫn đảm bảo thời gian, chất lượng giải quyết thủ tục. 
Phường Khương Mai cũng là đơn vị đầu tiên của quận Thanh Xuân thực hiện trả lời kết quả tại nhà theo yêu cầu của người dân đối với 7 lĩnh vực tư pháp như khai sinh, khai tử, đăng ký kết hôn, xác nhận hôn nhân, đăng ký lại việc sinh, đăng ký lại kết hôn, trích lục hộ tịch… và không có thêm bất cứ phát sinh về phí.
Đặc biệt, Chủ tịch UBND phường cũng gửi thư chia buồn đối với trường hợp gia đình đăng ký khai tử hoặc thư chúc mừng đối với các trường hợp đăng ký khai sinh, kết hôn. Tuy đây là những việc làm nhỏ nhưng lại được người dân đánh giá cao. Chúng tôi cũng có hòm thư góp ý và thường xuyên nhận ý kiến phản hồi của người dân tại đường dây nóng của phường.
Bạn đọc Lê Diễm Trang (Thụy Khuê, Tây Hồ, Hà Nội) hỏi:
Thực hiện quan điểm “sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp" là tiêu chí để đánh giá hiệu quả hoạt động của các cơ quan công quyền, trong năm nay, Sở Kế hoạch & Đầu tư Hà Nội đã có những giải pháp triển khai thế nào để ngày càng nâng cao sự hài lòng của các doanh nghiệp mỗi khi phải đến thực hiện các giao dịch hành chính?
Tọa đàm trực tuyến: “Đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo thuận lợi tối đa cho người dân, doanh nghiệp” - Ảnh 22
Ông Nguyễn Hữu Lương trả lời:
Từ góc độ Sở Kế hoạch Đầu tư (KHĐT), chúng tôi hay được TP nhắc đến và đề cập khi triển khai công tác cải cách TTHC, ví dụ như đăng ký kinh doanh, thủ tục đầu tư… cho thấy công tác CCHC rất được TP quan tâm từ cấp lãnh đạo cao nhất TP.
Theo đó, Sở KHĐT đã thực hiện quyết liệt nhiều nội dung về CCHC như cải cách thể chế, bộ máy, tổ chức… trong đó. các nội dung đều được triển khai đồng bộ. Bên cạnh đó, Sở cũng tăng cường ứng dụng CNTT trong hoạt động nội bộ, hay khi tiếp xúc với DN và người dân.
Về công tác cải cách thể chế và TTHC, Sở KHĐT tuy là cơ quan cấp tỉnh/tp, nhưng trong năm qua đã tích cực tham gia xây dụng chính sách T.Ư,  đặc biệt là tham gia góp ý kiến cho các bộ luật về DN và đầu tư, cũng như các nghị đinh, thông tư hướng dẫn thi hành luật. Đây là những bộ luật xương sống có thẩm quyền lớn, nếu thông thoáng, hiệu quả, thì sẽ thúc đẩy hoạt động DN và đầu tư nhanh chóng, khơi thông dòng vốn, thúc đẩy tăng trưởng KT-XH. Nhưng ngược lại, nếu quy định bất hợp lý hoặc hợp lý nhưng triển khai không tốt thì sẽ có tác động tiêu cực tới DN và hoạt đông KT-XH của TP.
Theo thẩm quyền cụ thể, dưới sự chỉ đạo của TP và hướng dẫn của Sở Nội vụ, Sở KHĐT cũng đã thực hiện cơ chế "Một cửa" và TTHC theo đúng theo quy định của TP, bao gồm rà soát, công bố công khai và đơn giản hóa các hoạt động TTHC.
Tôi đồng tình với ý kiến của chị Hoàng Thị Hồng Hải, chúng ta nói nhiều tới rà soát và cắt giảm TTHC, nhưng điều quan trọng nhất là đưa ra các quy trình, thủ tục phủ tất cả các hoạt động của người dân, DN và thực hiện công khai, minh bạch.
Sở KHĐT một mặt thực hiện theo đúng quy định của Chính phủ về TTHC, về triển khai thực tế, thì Sở đã đầu tư xây dựng hệ thống "Một cửa" từ cơ sở vật chất, lựa chọn cán bộ, quán triệt với cán bộ tiêu chuẩn cơ bản để nâng cao chật lượng hoạt động với DN, người dân.
Sở KHĐT cũng thường xuyên kiến nghị TP qua Sở Nội vụ cũng như Bộ KHĐT về vướng mắc trong thực hiện TTHC, hay trong hoạt động nội bộ để nâng cao chất lượng, quy trình.
Hiện chúng tôi đã triển khai ứng dụng hệ thống lưu trữ điện tử, bởi bên Sở có lĩnh vực đăng ký dinh doanh lên tới 200.000 hồ sợ, thì yêu cầu khai thác hồ sơ lưu trữ của DN, cũng như các sở, ban, ngành báo chí là rất lớn nên việc ứng dụng CNTT là rất quan trọng để thúc đẩy hiệu quả trong công việc.
Sở KHĐT cũng đề xuất TP xây dựng quy trình CNTT quản lý các dự án đầu tư tại TP để dễ quản lý, và đưa ra thông tin chính xác, kịp thời, phù hợp với công tác điều hành của Sở và TP.
Về cải thiện môi trường KD và hỗ trợ, nâng cao sự hài lòng của DN, Sở KHĐT đã đẩy mạnh nội dung hỗ trợ DN. Hiện chúng tôi là đầu mối của TP về hỗ trộ DN, trong đó Trung tâm Hỗ trợ DN Nhỏ và Vừa được giao nhiệm vụ triển khai các công tác đào tạo, hỗ trợ DN nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, kết nối,… được TP và Bộ KHĐT đánh giá cao.
Hiện các nội dung hỗ trợ trong giai đoạn 2015 - 2020 sắp hoàn tất, Sở KHĐT đã đề xuất đề án Hỗ trợ DN mới cho giai đoạn 2021 - 2025 tới TP, trong đó có nhiều nội dung hỗ trợ DN khác nhau, từ đào tạo đến mặt bằng, công nghệ, xúc tiến thương mại, tiếp cận chuyên gia, các chương trình này đều tương tương với chất lượng hỗ trợ DN của các nước phát triển.
Hy vọng với các chính sách này, việc cải thiện môi trường kinh doanh/đầu tư sẽ tiếp tục được cải thiện và ngày càng tăng cường sự hài long của người dân và DN đối với hoạt động các sở, ban, ngành. 
Bạn đọc Nguyễn Minh Ngọc (minhngochn2310@gmail.com) hỏi:

Những năm gần đây, chỉ số CCHC của huyện Hoài Đức đã được nâng lên, đặc biệt năm 2019 xếp thứ 13/30 quận, huyện. Xin ông cho biết đâu là chìa khóa dẫn đến thành công này?

Tọa đàm trực tuyến: “Đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo thuận lợi tối đa cho người dân, doanh nghiệp” - Ảnh 23
Bà Ngô Thị Sinh trả lời:
Huyện Hoài Đức không coi sự tăng bậc CCHC là thành công mà chỉ coi đó là hoàn thành tốt các mục tiêu mà TP đề ra. Để đạt được kết quả đó là do TP đánh giá khách quan công tác CCHC của Huyện cũng như ý kiến của người dân.
Đối với việc đặt mục tiêu của Hoài Đức về công tác CCHC là nhằm phát triển KT-XH. Huyện Hoài Đức tăng cường chỉ đạo điều hành đều được giao cụ thể và thời hạn hoàn thành, lãnh đạo UBND huyện cũng sát sao, đưa ứng dụng CNTT vào điều hành, kiểm soát. Huyện cũng chỉ đạo các cấp dưới tăng cường công khai minh bạch về thủ tục hành chính, hướng dẫn người dân làm các thủ tục.
Huyện Hoài Đức cũng có 1 số mô hình chính quyền gần dân như ở xã Song Phương.
Huyện trú trọng công tác đào tạo nâng cao chất lượng chuyên môn, lấy ý kiến người dân hàng năm đối với công chức.
Huyện đã tăng cường kiểm tra, giám sát trong nội bộ cũng như đoàn HĐND, UBKT huyện... về công tác CCHC.
Ngay trong năm 2019 khi TP triển khai TTCH cấp độ 3, 4, huyện Hoài Đức đã ngay lập tức triển khai một số hạng mục xuống các cấp cơ sở.
Bạn đọc Phạm Hương (Hà Nội) hỏi:
Năm 2020, CCHC được nhiều quận coi là một khâu đột phá với trọng tâm là giảm thời gian chờ đợi, giảm số lần đi lại của công dân và nâng cao chất lượng phục vụ của cán bộ công chức khi giải quyết TTHC. Xin bà cho biết công tác CCHC tại quận Đống Đa đang được triển khai và đạt kết quả cụ thể ra sao?
Tọa đàm trực tuyến: “Đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo thuận lợi tối đa cho người dân, doanh nghiệp” - Ảnh 24
Bà Vũ Trà Vinh trả lời:
Hàng năm, UBND quận đều xây dựng Kế hoạch thực hiện công tác CCHC. Năm 2020, UBND quận xác định việc rút ngắn thời gian giải quyết TTHC, đổi mới lề lối làm việc, nâng cao chất lượng của bộ phận “Một cửa” trong cung cách phục vụ tổ chức, cá nhân khi đến giao dịch thủ tục hành chính là nhiệm vụ hết sức quan trọng.
Bà Vũ Trà Vinh trả lời câu hỏi của độc giả.
Ngoài công tác tuyên truyền thực hiện các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 nhằm tạo thuận lợi cho các tổ chức, cá nhận trong việc nộp hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính, UBND quận đã chỉ đạo việc rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính, cụ thể hóa bằng việc ban hành Chương trình hành động số 715/CTr-UBND ngày 20/4/2020 về việc thực hiện CCHC, rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục hành chính đối với 4 thủ tục bức thiết của nhân dân như: Đăng ký thành lập hộ kinh doanh từ 3 ngày xuống 2,5 ngày; cấp phép xây dựng từ 9 ngày xuống 7 ngày làm việc; đăng ký kết hôn có yếu tố nước ngoài từ 15 ngày xuống 12 ngày; cấp giấy xác nhận kiến thức về ATTP cho tổ chức cá nhân từ 13 ngày xuống còn 11 ngày làm việc.
Bạn đọc Nguyễn Anh Tú (Láng Hạ, Hà Nội) hỏi:
Sở Nội vụ với tư cách cơ quan thường trực công tác cải cách hành chính (CCHC), ông/bà có thể đánh giá kết quả nổi bật trong công tác CCHC của TP từ đầu năm đến nay, đặc biệt là việc rà soát, đơn giản hóa các thủ tục hành chính (TTHC) cũng như mục tiêu tạo thuận lợi tối đa cho người dân trong giao dịch hành chính?
Tọa đàm trực tuyến: “Đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo thuận lợi tối đa cho người dân, doanh nghiệp” - Ảnh 26
Bà Hoàng Thị Hồng Hải trả lời:
Từ đầu năm 2020 cũng như nhiều năm trở lại đây, công tác CCHC của TP Hà Nội tiếp tục được quan tâm, chỉ đạo. Sự quan tâm đó thể hiện từ người lãnh đạo cao nhất của TP. Năm 2020 gặp nhiều khó khăn ảnh hưởng đến công tác CCHC của TP, song TP đã tập trung vào các giải pháp tháo gỡ khó khăn và tạo điều kiện cho doanh nghiệp, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, khuyến khích khởi nghiệp, khởi nghiệp sáng tạo, phát triển doanh nghiệp, hỗ trợ đầu tư; đồng thời cải thiện mức độ hài lòng của người dân và doanh nghiệp trong các giao dịch hành chính, dịch vụ hành chính công, nâng cao năng lực cạnh tranh thành phố Hà Nội.
Bà Hoàng Thị Hồng Hải trả lời câu hỏi của độc giả.
Kết quả CCHC của TP Hà Nội được Trung ương ghi nhận, đánh giá cao, với Chỉ số CCHC (PARINDEX) của Hà Nội năm 2019 (công bố đầu năm 2020) tiếp tục xếp hạng 2/63 tỉnh, TP, tiếp tục ổn định và duy trì thứ hạng cao của năm 2018. Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của các cơ quan, đơn vị thuộc TP Hà Nội (SIPAS) (do TP khảo sát) đạt trên 80%. Chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2019 xếp thứ 9/63 tỉnh, TP, đây là năm thứ 2 TP Hà Nội thuộc nhóm 10 tỉnh, TP dẫn đầu cả nước về Chỉ số PCI.
Công tác này năm 2020 tiếp tục tập trung ưu tiên 3 trụ nội dung: Tổ chức bộ máy, đào tạo bồi dưỡng đỗi ngũ cán bộ công chức, giải quyết TTHC phục vụ người dân và doanh nghiệp. Trong đó, TP tiếp tục đẩy mạnh đơn giản hóa TTHC, bằng cách cắt giảm các điều kiện, thủ tục, giấy tờ không cần thiết; giảm thời gian, tiết kiệm chi phí giải quyết TTHC. Đồng thời, tích cực triển khai ứng dụng, phát triển CNTT, tăng cường triển khai dịch vụ công trực tuyến  (DVCTT) mức độ 3, 4 - tiếp tục là thế mạnh của Hà Nội, được Trung ương đánh giá là đơn vị hàng đầu trong ứng dụng CNTT vào thực hiện dịch vụ công.
TP Hà Nội đã ban hành Quy chế tiếp nhận, xử lý, phát hành và quản lý văn bản điện tử giữa các cơ quan, tổ chức thuộc TP. Đây là cơ sở pháp pháp lý quan trọng trong xây dựng chính quyền điện tử, thành phố thông minh, xây dựng TTHC liên thông điện tử giữa các cơ quan, đơn vị thuộc Thành phố trong thực hiện DVCTT mức độ 3, 4.  
Bên cạnh đó, cơ chế một cửa, một cửa liên thông tại các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp thuộc Thành phố tiếp tục được duy trì thực hiện nghiêm túc. TP đã ban hành Quy định thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC trên địa bàn Hà Nội và có hiệu lực từ 14/10/2020 thay thế quy định trước đây. Việc ban hành quy định này, sẽ giúp cho các cơ quan, đơn vị thuộc TP chủ động kiện toàn, bố trí, sắp xếp đội ngũ làm việc tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của cơ quan, đơn vị linh hoạt, hiệu quả và nâng cao hơn nữa chất lượng tiếp nhận, giải quyết TTHC. Bộ Nội vụ tiếp tục ghi nhận Hà Nội đạt kết quả cao trong thực hiện cơ chế này.
Cùng đó, TP tiếp tục đẩy mạnh việc triển khai tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết TTHC qua dịch vụ bưu chính công ích và qua DVCTT, giúp tiết kiệm thời gian, chi phí, công sức và giảm đi lại của người dân, tổ chức và doanh nghiệp.