Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Toàn cảnh khủng hoảng, bạo loạn "rung chuyển" Bangladesh

Liên Hà
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tổng thống Bangladesh đã giải tán quốc hội với kế hoạch thành lập chính phủ lâm thời.

Các cuộc biểu tình của sinh viên diễn ra dữ dội ở Bangladesh kể từ đầu tháng trước đã khiến Thủ tướng Sheikh Hasina của quốc gia Nam Á này phải từ chức.

Cho đến nay, tổng thống nước này đã giải tán quốc hội với kế hoạch thành lập chính phủ lâm thời.

Gần 32 triệu thanh niên ở đất nước hơn 170 triệu dân này đang thất nghiệp hoặc không có trình độ học vấn chuyên môn. Ảnh: TASS
Gần 32 triệu thanh niên ở đất nước hơn 170 triệu dân này đang thất nghiệp hoặc không có trình độ học vấn chuyên môn. Ảnh: TASS

Nguyên nhân gốc rễ 

Những người biểu tình đã xuống đường trên khắp các thành phố của Bangladesh vào đầu tháng 7, yêu cầu bãi bỏ hạn ngạch việc làm cho thân quyến của những người tham gia cuộc chiến giành độc lập năm 1971. Sinh viên khẳng định quyết định này là phân biệt đối xử. Gần 32 triệu thanh niên ở đất nước hơn 170 triệu dân này đang thất nghiệp hoặc không có trình độ học vấn chuyên môn.

Tình hình dần leo thang với các cuộc biểu tình biến thành bạo lực. Ít nhất 10.000 người đã bị bắt kể từ khi các cuộc bạo loạn nổ ra, tờ The Daily Star đưa tin.

AFP trước đó đã trích dẫn dữ liệu từ cảnh sát và các quan chức y tế rằng hơn 350 người đã thiệt mạng trong các cuộc biểu tình kể từ tháng 7. Trong khi đó, đài truyền hình India Today trích dẫn các nguồn tin không chính thức cho biết rằng có thể đã có từ 1.000 đến 1.400 người thiệt mạng.

Thủ tướng từ chức trong bối cảnh bạo lực

Vào hôm 5/8, hàng nghìn người đã tràn xuống đường phố Dhaka và các thành phố lớn khác ở Bangladesh. Những người biểu tình đột kích vào dinh thự của Thủ tướng Sheikh Hasina sau khi bà từ chức và rời khỏi đất nước. Theo truyền thông, người biểu tình còn đập vỡ bức tượng người sáng lập đất nước, Sheikh Mujibur Rahman, đốt cháy một bảo tàng về ông, đột nhập vào tòa nhà quốc hội và văn phòng của đảng Liên đoàn Awami cầm quyền, tấn công nhà các thành viên của nhóm chính trị này, các đồn cảnh sát, một nhà tù và văn phòng của các kênh truyền hình lớn.

Hơn 100 người đã thiệt mạng trong các cuộc đụng độ và hỏa hoạn trong ngày qua.

Vào ngày 6/8, các nhà lãnh đạo của Phong trào sinh viên chống phân biệt đối xử đã tổ chức các cuộc biểu tình quần chúng ở Bangladesh kêu gọi chấm dứt bạo lực.

Bangladesh tiến hành thành lập chính phủ

Quân đội đã nắm quyền kiểm soát nước sau khi thủ tướng từ chức. Tổng tham mưu trưởng quân đội Bangladesh, Tướng Waker-Uz-Zaman đã tuyên bố thành lập một chính phủ lâm thời bao gồm tất cả các đảng phái chính trị.

Nhà kinh tế học Yunus, 84 tuổi, người đoạt giải Nobel Hòa bình, đã đồng ý làm cố vấn trưởng của chính phủ lâm thời được đề xuất. Ông hiện đang ở Paris, dự kiến ​​sẽ trở về Bangladesh sớm nhất có thể.

Ông Yunus đã giành được sự công nhận quốc tế vì đã cung cấp khoản vay nhỏ cho người nghèo ở các vùng nông thôn Bangladesh thông qua Ngân hàng Grameen thành lập năm 1983. Tuy nhiên, ông đã bất đồng quan điểm với bà Hasina. 

Quốc hội đã giải tán

Các nhà lãnh đạo của Phong trào Sinh viên Chống phân biệt đối xử đã yêu cầu giải tán quốc hội cho tới 3 giờ chiều (giờ địa phương) vào hôm 6/8. 

Tổng thống Bangladesh Mohammed Shahabuddin đã đưa ra quyết định như trên sau khi tham khảo ý kiến ​​của các chỉ huy của ba nhánh quân đội và các nhà lãnh đạo của các đảng phái chính trị và Phong trào Sinh viên Chống phân biệt đối xử, văn phòng tổng thống cho biết.