Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Toàn cầu hướng tới nỗ lực loại bỏ nhiên liệu hóa thạch

Thế Phong
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mới đây, các quốc gia thuộc Liên minh Châu Âu - EU đã có cuộc họp về vấn đề biến đổi khi hậu, chuẩn bị cho Hội nghị Biến đổi Khí hậu của Liên Hợp quốc - COP28 năm nay.

Cuộc họp đã ra văn bản thúc đẩy loại bỏ nhiên liệu hóa thạch toàn cầu. Đây là bước cố gắng tiếp theo, sau sự thất bại về vấn đề này ở COP27.

Đối thoại Khí hậu Petersberg lần thứ 14 - cột mốc quan trọng đối với các cuộc đàm phán về khí hậu hướng tới COP28. Ảnh: DW
Đối thoại Khí hậu Petersberg lần thứ 14 - cột mốc quan trọng đối với các cuộc đàm phán về khí hậu hướng tới COP28. Ảnh: DW

Sự nỗ lực mới

Các bộ trưởng từ 27 quốc gia thành viên EU đã thông qua một văn bản trước hội nghị thượng đỉnh COP28 (bắt đầu vào ngày 30/ 1/2023 tại Dubai, có sự tham dự của gần 200 quốc gia).

Văn bản của EU cho biết: “Việc chuyển hướng sang một nền kinh tế trung lập với khí hậu sẽ yêu cầu toàn cầu loại bỏ dần nhiên liệu hóa thạch”, trích dẫn sự đồng thuận khoa học rằng điều này là cần thiết để tránh biến đổi khí hậu nghiêm trọng hơn.

Văn bản cho biết thêm: “EU sẽ thúc đẩy một cách có hệ thống và kêu gọi toàn cầu chuyển sang các hệ thống năng lượng không sử dụng nhiên liệu hóa thạch trước năm 2050”, đồng thời cho biết thêm rằng mức tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch toàn cầu sẽ đạt đỉnh trong thời gian tới.

Châu Âu đang trong quá trình chuyển đổi hệ thống năng lượng của mình để đáp ứng các mục tiêu khí hậu và chấm dứt hàng thập kỷ phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch của Nga.

Văn bản nói trên cho biết, các quốc gia nên kết hợp hai mục tiêu và sử dụng năng lượng tái tạo hoặc tiết kiệm năng lượng thay vì nhiên liệu hóa thạch để thay thế năng lượng của Nga.

Một số quốc gia đang hy vọng COP28 có thể đảm bảo một thỏa thuận toàn cầu nhằm loại bỏ dần nhiên liệu hóa thạch, thứ gây ô nhiễm làm nóng hành tinh. Họ muốn điều này không chỉ bao gồm than đá, như đã nhất trí tại các cuộc đàm phán về khí hậu của Liên Hợp quốc trước đây, mà còn cả dầu khí.

Các nước EU đã thông qua văn bản về khí hậu của họ muộn hơn hai tuần so với kế hoạch, do các nước có tranh cãi về việc liệu văn bản đó có nên thúc đẩy năng lượng hạt nhân hay không.

Văn bản cuối cùng đã loại bỏ một số từ ngữ mà các quốc gia không đồng ý, nhưng nói rằng bên cạnh năng lượng tái tạo, chính sách ngoại giao của EU sẽ thúc đẩy “công nghệ carbon thấp” (low-carbon technologies) bền vững - một cụm từ thường đề cập đến năng lượng hạt nhân.

Trước đó, tại COP27, các nhà đàm phán từ gần 200 quốc gia đã đạt được bước tiến lịch sử khi đồng ý thành lập quỹ “tổn thất và thiệt hại” nhằm giúp các quốc gia dễ bị tổn thương đối phó với thảm họa khí hậu và đồng ý rằng toàn cầu cần cắt giảm lượng khí thải nhà kính gầnn hư trong một nửa vào năm 2030.

Thỏa thuận cũng tái khẳng định mục tiêu giữ cho sự nóng lên toàn cầu ở mức 1,5 độ C so với mức thời kỳ tiền công nghiệp. Tuy nhiên, nỗ lực giải quyết nguồn khí thải nóng lên lớn nhất hành tinh đang gây ra khủng hoảng khí hậu đã thất bại sau khi một số quốc gia, bao gồm cả Trung Quốc và Ả Rập Saudi, ngăn chặn một đề xuất quan trọng nhằm loại bỏ dần tất cả nhiên liệu hóa thạch.

Một nhà máy nhiệt điện than ở miền Tây nước Đức. Ảnh: CNN
Một nhà máy nhiệt điện than ở miền Tây nước Đức. Ảnh: CNN

Thúc đẩy năng lượng tái tạo

Phát biểu khai mạc Đối thoại Khí hậu Petersberg lần thứ 14 tại Berlin (Đức) ngày 2/5, Chủ tịch COP28, ông Sultan Al Jaber kêu gọi tăng cường sử dụng năng lượng tái tạo. Ông Al Jaber nhấn mạnh, thế giới cần tăng cường hành động trong các lĩnh vực như năng lượng tái tạo, trong đó phải tăng gấp 3 công suất năng lượng tái tạo vào năm 2030 và tăng gấp đôi thêm số đó vào năm 2040.

Bộ trưởng Ngoại giao Đức Annelena Baerbock cũng kêu gọi các quốc gia trên thế giới tăng cường các mục tiêu về năng lượng tái tạo và có một hiệp ước toàn cầu về năng lượng tái tạo.

“Chúng ta đang đối mặt với thách thức an ninh lớn nhất trong thế kỷ của chúng ta, đó là khủng hoảng khí hậu. Tất cả chúng ta tập trung ở đây hôm nay có thể góp phần giảm thiểu cuộc khủng hoảng này” - bà phát biểu tại hội nghị các bộ trưởng Năng lượng và Môi trường, cũng như đại diện từ hơn 40 quốc gia tập trung tại Berlin.

Bà Baerbock cho biết các nước G7 đã đặt mục tiêu tăng tốc năng lượng mặt trời và gió nhưng kêu gọi một hiệp ước toàn cầu tương tự.

Các nhà lãnh đạo G7 đã đặt mục tiêu vào tháng 4/2023 là tăng cường công suất năng lượng tái tạo để loại bỏ nhiên liệu hóa thạch càng nhanh càng tốt. Họ đã ngừng cam kết về thời hạn loại bỏ dần điện than vào năm 2030.

Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres kêu gọi thế giới thực hiện "bước nhảy vọt trong hành động vì khí hậu", trong một thông điệp qua video gửi tới cuộc họp về khí hậu ở Berlin. Ông nói: “Chúng tôi biết rằng con đường 1,5 độ C là có thể. Để đạt được mục tiêu sẽ yêu cầu các nước phát triển và các tổ chức tài chính quốc tế cung cấp "tài chính quá hạn" và "phá vỡ cơn nghiện nhiên liệu hóa thạch của chúng ta".

 

COP28 sẽ được tổ chức tại Dubai, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất - UAE vào tháng 11 tới. Ông Sultan al-Jaber, 49 tuổi, làm Chủ tịch hội nghị. Al-Jaber là Bộ trưởng Bộ Công nghiệp và Công nghệ Tiên tiến của UAE, đồng thời là Giám đốc điều hành của Công ty Dầu mỏ Quốc gia Abu Dhabi (ADNOC), một trong những công ty lớn nhất thế giới. Đây là lý do nhiều nhà quan sát cho rằng ông có thể không hoàn toàn ủng hộ cho việc loại bỏ nhiên liệu hóa thạch.