70 năm giải phóng Thủ đô

Toan tính của thành viên NATO khi quyết "lên Mặt Trăng" cùng Nga, Trung Quốc

Liên Hà
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Quốc gia này đã nộp đơn xin trở thành thành viên của ILRS, một sáng kiến nhằm xây dựng căn cứ ở cực nam của Mặt Trăng vào năm 2035.

Theo một nhà phân tích không gian, Thổ Nhĩ Kỳ có thể đóng vai trò đáng kể khi tham gia sáng kiến Trạm nghiên cứu Mặt trăng Quốc tế (ILRS) - dự án do Trung Quốc và Nga dẫn đầu nhằm mục tiêu xây dựng căn cứ ở cực nam của Mặt Trăng vào năm 2035.

Theo đó, Ankara đã nộp đơn xin trở thành thành viên của ILRS, đưa nước này trở thành quốc gia thành viên NATO đầu tiên muốn gia nhập sáng kiến trên.

Trạm nghiên cứu Mặt trăng Quốc tế chung giữa Nga và Trung Quốc dự kiến hoàn thành vào năm 2050. Ảnh: Cục Quản lý Vũ trụ Quốc gia Trung Quốc
Trạm nghiên cứu Mặt trăng Quốc tế chung giữa Nga và Trung Quốc dự kiến hoàn thành vào năm 2050. Ảnh: Cục Quản lý Vũ trụ Quốc gia Trung Quốc

Tờ Turkiye có trụ sở tại Istanbul khẳng định, động thái này “thể hiện một chương mới trong nỗ lực của Thổ Nhĩ Kỳ nhằm hiện diện mạnh mẽ hơn ở lĩnh vực nghiên cứu và khám phá không gian”.

Theo đó, quyết định tiếp nối những thành tựu gần đây của Ankara trong lĩnh vực này, bao gồm chuyến đi của phi hành gia Alper Gezeravci tới Trạm vũ trụ quốc tế trong khuôn khổ chuyến du hành thương mại đầu tiên của NASA.

Đơn đăng ký của Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã được Anatoly Petrukovich, giám đốc Viện Nghiên cứu Vũ trụ thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Nga, xác nhận tại một cuộc họp báo ở Moscow, theo hãng thông tấn nhà nước Nga RIA.

John Sheldon, đối tác quản lý đồng sáng lập của công ty tư vấn vũ trụ AstroAnalytica có trụ sở tại London, cho biết ông không ngạc nhiên khi Thổ Nhĩ Kỳ quan tâm đến việc tham gia sáng kiến ILRS.

Chuyên gia này nhận định sự tham gia của Thổ Nhĩ Kỳ sẽ mang lại lợi ích cho Trung Quốc với hàm ý về những đóng góp tiềm năng về ngân sách và công nghệ.

Thổ Nhĩ Kỳ có một chương trình không gian, trong đó xây dựng các vệ tinh phức tạp cũng như chương trình thám hiểm Mặt Trăng nhằm hạ cánh cứng trên bề mặt hành tinh này vào năm 2026 để thử nghiệm các công nghệ quan trọng và kỳ vọng gửi một tàu thăm dò lên quỹ đạo Mặt Trăng vào cuối thập kỷ này.

Mặt khác, động thái này cũng sẽ phục vụ các mục tiêu địa chính trị của Ankara, do chính sách đối ngoại đang chuyển đổi đáng kể từ một quốc gia hướng Tây sang ngày càng hướng về phía đông và phía nam, theo chuyên gia này. 

Dưới thời Tổng thống Recep Tayyip Erdogan, mối quan hệ của Thổ Nhĩ Kỳ với Liên minh châu Âu, NATO và Mỹ ngày càng trở nên căng thẳng. 

“Điều này có nghĩa là Thổ Nhĩ Kỳ ngày càng can dự nhiều hơn với Trung Quốc và Nga. Mặc dù có những khác biệt đặc biệt với Moscow, nhưng Ankara nhận thấy lợi ích phù hợp với lợi ích của Bắc Kinh và Moscow về một loạt vấn đề ở những khu vực này”, Sheldon nói.

Ông cho biết có những tác động chính trị khi Thổ Nhĩ Kỳ tham gia ILRS - thay vì tham gia chương trình Artemis do Mỹ dẫn đầu, vốn được coi là đối trọng của ILRS. 

Nếu đơn đăng ký được chấp nhận, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ là quốc gia thứ 10 trong dự án Mặt Trăng do Trung Quốc và Nga dẫn đầu, sau Venezuela, Pakistan, Azerbaijan, Belarus, Nam Phi, Ai Cập và Thái Lan.