Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tối ưu nguồn lực để vượt qua thách thức

Khắc Kiên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Với chủ đề “Tối ưu nguồn lực, vượt qua thách thức”, bức tranh kinh tế Việt Nam với “gam màu xám” bởi cơ hội có, nhưng thách thức nhiều hơn được các chuyên gia, nhà quản lý, doanh nghiệp chia sẻ tại Diễn đàn thường niên lần thứ 15.

Sự kiện do Tạp chí Kinh tế Việt Nam - VnEconomy, Bộ Ngoại giao tổ chức sáng 11/1 với sự tham dự của lãnh đạo Bộ Ngoại giao, Ban Kinh tế Trung ương, các bộ ngành, địa phương, chuyên gia kinh tế trong nước, quốc tế cộng đồng doanh nghiệp.

Các chuyên gia, nhà quản lý chia sẻ tại phiên tranh biện. Ảnh: Khắc Kiên
Các chuyên gia, nhà quản lý chia sẻ tại phiên tranh biện. Ảnh: Khắc Kiên

Khó khăn hiện hữu

Phát biểu khai mạc, TS Chử Văn Lâm - Tổng biên tập Tạp chí Kinh tế Việt Nam - VnEconomy nhấn mạnh, năm 2022 đã khép lại, các chỉ số phát triển kinh tế - xã hội theo mục tiêu về cơ bản chúng ta đã hoàn thành và vượt mức hoàn thành.

Song, năm 2023 được dự liệu có nhiều thách thức đối với nền kinh tế Việt Nam trước những diễn biến khó lường và bất định của bối cảnh kinh tế toàn cầu. Những khó khăn đã hiện hữu và tác động trực diện vào một số ngành chủ lực xuất khẩu của Việt Nam từ quý IV/2022.

TS Chử Văn Lâm - Tổng biên tập Tạp chí Kinh tế Việt Nam - VnEconomy. Ảnh: Khắc Kiên
TS Chử Văn Lâm - Tổng biên tập Tạp chí Kinh tế Việt Nam - VnEconomy. Ảnh: Khắc Kiên

Các chuyên gia cảnh báo rằng sẽ có những “cơn gió ngược” mà nền kinh tế Việt Nam phải đối mặt. Khái niệm “cơn gió ngược” mới đây phản ánh những khó khăn của nền kinh tế trong thời gian qua. Đó không phải là cách ví von mà nó tương ứng từ những vấn đề rủi ro liên quan đến các yếu tố địa chính trị, địa chiến lược và địa kinh tế, cũng đều cần sự dự báo, lường trước và chuẩn bị phương án thích ứng phù hợp.

Dó đó, Diễn đàn là sự tiếp nối hành trình 15 năm kiến tạo và phát triển thành công Diễn đàn thường niên Kịch bản Kinh tế Việt Nam - VESF (2008 - 2023) sẽ tổng hợp những nhận định, phân tích và đánh giá đa chiều các yếu tố thuận lợi - khó khăn, cơ hội, thách thức đối với nền kinh tế và khu vực doanh nghiệp; hiến kế và khuyến nghị tới các nhà hoạch định chính sách, nhà quản lý, lãnh đạo địa phương và cộng đồng doanh nghiệp; nhằm góp phần thực hiện thành công các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam.

Cơ hội trong “gam màu xám”

Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ khẳng định, năm 2023 nhiều "gam màu xám” nhưng cũng có những cơ hội.

Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ phát biểu khai mạc Diễn đàn kịch bản Kinh tế Việt Nam năm 2023 Tối ưu nguồn lực vượt qua thách thức.
Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ phát biểu khai mạc Diễn đàn kịch bản Kinh tế Việt Nam năm 2023 Tối ưu nguồn lực vượt qua thách thức.

Theo Thứ trưởng, bối cảnh “đa khủng hoảng đan xen đa chuyển đổi” đã tác động mạnh tới kinh tế Việt Nam có độ mở lớn nhưng cũng cho thấy năng lực thích ứng và sức chống chịu của nền kinh tế Việt Nam. Rõ ràng, trong bối cảnh thế giới trong “nguy” có “cơ”, nhưng “nguy” nhiều hơn “cơ” hiện nay. Thứ trưởng nhấn mạnh 3 đặc điểm, xu hướng đáng chú ý của kinh tế thế giới.

Thứ nhất, kinh tế thế giới đang mất dần động lực tăng trưởng, đứng trước nguy cơ suy thoái kỹ thuật (IMF dự báo 1/3 các nền kinh tế trên thế giới sẽ suy thoái trong năm 2023). Các động lực tăng trưởng như xuất khẩu – đầu tư – tiêu dùng toàn cầu dự báo suy giảm.

Thứ hai, các chuyển đổi mang tính cơ cấu sẽ tiếp tục tạo ra những “va đập”, “tái cấu trúc” và định hình nguyên tắc, “luật chơi” mới trong quản trị kinh tế toàn cầu, thậm chí một số lĩnh vực có thể sớm đi vào thực thi (như thương mại xanh, thuế tối thiểu toàn cầu…). Trong bối cảnh đó, cạnh tranh chiến lược nước lớn về kinh tế sẽ tiếp tục gia tăng quyết liệt hơn.

Thứ ba, khu vực châu Á - Thái Bình Dương, trong đó có Đông Nam Á, được đánh giá là trọng tâm của kinh tế thế giới, là động lực tăng trưởng, đồng thời là trung tâm của nhiều liên kết, sáng kiến kinh tế mới của các nước.

Các chuyên gia, doanh nghiệp chia sẻ tại phiên thảo luận "Tối ưu nguồn lực, sẵn sàng vượt qua thách thức". Ảnh: Khắc Kiên
Các chuyên gia, doanh nghiệp chia sẻ tại phiên thảo luận "Tối ưu nguồn lực, sẵn sàng vượt qua thách thức". Ảnh: Khắc Kiên

"Bối cảnh nhiều gam màu xám, chúng ta thấy những cơ hội. Nếu kịp thời nắm bắt, hoà nhịp vào các xu thế mới, tranh thủ những động lực tăng trưởng mới từ kinh tế xanh và chuyển đổi số, thu hút được nguồn lực đầu tư mới. Đây cũng sẽ là thời cơ để doanh nghiệp tạo ra các đột phá, các nền tảng để bứt tốc trong tương lai" - Thứ trưởng Nguyễn Minh Vũ phát biểu.

Nhận định 2023 là năm bản lề của kế hoạch 5 năm 2021 - 2025, là năm tạo đà quan trọng hướng tới hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2030, từ góc độ kinh tế đối ngoại và triển khai công tác ngoại giao kinh tế, Thứ trưởng cho rằng cần chú trọng phương châm 3K: Kiên định “ổn định chiến lược”;  kiên quyết giữ vững “tự chủ”, “tự cường”; kiên trì “phát triển bền vững”...

Đan xen bộn bề

Đồng quan điểm, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Đức Hiển thông tin, kinh tế Việt Nam 2023 có cơ hội, thách thức đan xen, nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn. Những yếu tố bất lợi kép từ bên ngoài và bên trong mới phát sinh khó lường, chưa dự báo được, có thể gây ảnh hưởng lớn đến tình hình kinh tế - xã hội đất nước.

Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Đức Hiển. Ảnh: Khắc Kiên
Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Đức Hiển. Ảnh: Khắc Kiên

“Nhiều tổ chức quốc tế cũng dự báo tăng trưởng toàn cầu chậm lại, từ 2,2 - 2,5%, nhiều khu vực, quốc gia có nguy cơ rơi vào suy thoái. Những tác động đó sẽ ảnh hưởng đến nền kinh tế Việt Nam, từ thị trường tài chính tiền tệ cũng như các yếu tố khác” - ông Nguyễn Đức Hiển thông tin.

Bên cạnh đó, hiện nay trong 10 quốc gia chiếm hơn 71% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam gồm 6 nước và vùng lãnh thổ: Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Hà Lan, Đức, Anh và Hồng Kông chiếm 58% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. 6 nước này và Hồng Kông được dự báo có mức độ suy thoái kinh tế ở mức độ nhẹ trong ngắn hạn, vì vậy, một số ngành dệt may, da giày, đồ gỗ của nước ta sẽ tiếp tục bị ảnh hưởng.

Về vấn đề đầu tư, trong 10 nhà đầu tư lớn nhất vào Việt Nam chiếm khoảng 93% tổng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam được dự báo có dấu hiệu rơi vào suy thoái tùy mức độ khác nhau.

"Như vậy, rõ ràng các con số này phản ánh những tác động của suy thoái toàn cầu nói chung cũng như các nền kinh tế sẽ tác động đến Việt Nam trong năm 2023 và những năm tiếp theo. Vì vậy, mục tiêu tăng trưởng 6,5%, lạm phát 4,5%, cùng nhiều mục tiêu khác đã được Quốc hội thông qua trong năm 2023 nếu không có sự điều hành linh hoạt chắc chắn sẽ là những thách thức rất lớn đối với Việt Nam" -  ông Nguyễn Đức Hiển nhấn mạnh. 

Vì vậy, vấn đề đặt ra đối với Việt Nam là cần có cách tiếp cận tổng thể, phân tích, dự báo sát tình hình, chủ động đưa ra kịch bản, giải pháp trọng tâm cả trước mắt và lâu dài, để duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế, từ đó vượt qua thách thức. 

Cũng theo ông Nguyễn Đức Hiển, hiện định hướng dài hạn là xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ, dù chúng ta đã đạt được nhiều kết quả tích cực, song đây cũng là yêu cầu đặt ra để tăng tính tự chủ của nền kinh tế.

Đồng thời, năm 2023 cũng có ý nghĩa hết sức quan trọng, không chỉ là năm bản lề mà còn giúp tạo dựng nền tảng trong phát triển kinh tế - xã hội trong trung và dài hạn, nhất là trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 – 2030.

 

Diễn đàn được cấu trúc thành 2 phiên, trong đó đặc biệt là phiên tranh biện giữa các chuyên gia kinh tế về nhận định những chiều hướng của thách thức và đánh giá khả năng xoay chuyển tình thế của Việt Nam. Sau đó, sẽ là phiên thảo luận về từng vấn đề cấp thiết nhất liên quan đến hoạt động của các ngành, các thị trường và khu vực doanh nghiệp để thấy rõ được, tính chủ động và khả năng vượt qua thử thách ra sao.